Trả lời:
Sổ đỏ là từ ngữ thông thường của người dân nhằm gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Người sử dụng đất muốn được cấp Sổ đỏ cần đảm bảo có đầy đủ điều kiện. Theo Luật Đất đai năm 2013, NĐ 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì điều kiện được cấp Sổ đỏ bao gồm:
- Đất có giấy tờ: Chủ sử dụng đất có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như hợp tác xã giao đất, hóa đơn nộp thuế hàng năm, trích lục bản đồ nguồn gốc đất đã sử dụng (trường hợp này hồ sơ được ưu tiên giải quyết nhanh chóng);
- Đất không có giấy tờ: Chủ sử dụng đất không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (không có các giấy tờ như ở mục 1 thì khó khăn hơn cho các cơ quan có thẩm quyền về việc xác minh nguồn gốc đất của chủ sử dụng đất, cho nên chỉ phù hợp với hộ gia đình, cá thể ở lâu đời, nhiều thế hệ sinh sống trên thửa đất, có hàng xóm, chính quyền chứng kiến và làm chứng, nhưng cũng rất khó có thể được cấp sổ đỏ);
- Đất khai hoang, tôn tạo: Chủ sử dụng đất xin cấp sổ đỏ cho đất khai hoang, đất tự tôn tạo và xây nhà trên đất từ trước thời điểm nhà nước quy định (trường hợp này nếu nằm trong mốc thời gian quy định của Nhà Nước thì vẫn được cấp sổ đỏ);
- Đất sử dụng bất hợp pháp: Chủ sử dụng đất xin cấp sổ đỏ cho đất tự lấn chiếm (bình thường thì những trường hợp này không được cấp sổ đỏ trừ khi Nhà Nước có quy định khác, tuy nhiên đối với các trường hợp đất lấn chiếm được sử dụng trước thời điểm 01/7/2014, đã xây nhà trên đất, nhưng không có tranh chấp cũng được xem xét cấp sổ đỏ), ngoài ra các loại đất lấn chiếm nằm trong khu vực công cộng, không phải là quy hoạch đất ở (không phải là khu dân cư) thì bị thu hồi.
- Diện tích đất được cấp sổ đỏ: đáp ứng các điều kiện diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh, thành phố. Như tại Hà Nội, diện tích đất được cấp sổ đỏ tối thiểu là 30m2, diện tích các chiều (chiều ngang, chiều dài) không dưới 3m.
- Đơn xin cấp giấy chứng nhận (theo mẫu 04/ĐK)
- Giấy tờ chứng minh về nguồn gốc đất và các giấy tờ liên quan đến việc quản lý sử dụng ổn định không có tranh chấp trước năm 1993 đến nay;
- Hồ sơ kỹ thuật thửa đất và công trình xây dựng trên đất (nếu có);
- Căn cước công dân và hộ khẩu thường trú của người sử dụng đất (bản sao chứng thực);
- Bản sao các hóa đơn nộp thuế đất hàng năm, lệ phí liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật (nếu có).
- Nếu mình không tự đi nộp và nhận kết quả được thì phải có giấy ủy quyền hợp pháp.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ: Người yêu cầu được cấp sổ đỏ phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin cấp sổ đỏ theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền (bao gồm: giấy tờ tùy thân và các giấy tờ liên quan đến thửa đất xin cấp sổ đỏ);
Bước 2: Nộp hồ sơ: Nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ liên quan tại bộ phận một cửa của Văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện, thành phố.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ: Cán bộ của văn phòng đăng ký đất đai sẽ tiến hành kiểm tra đủ các loại giấy tờ và tình trạng pháp lý đã yêu cầu gồm: Sơ đồ kỹ thuật thửa đất và công trình xây dựng trên đất (nếu có), xác minh về việc sử dụng đất của chủ sử dụng đất mà luật đất đai đã quy định.
Bước 4: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Sau khi xem xét, thẩm định hồ sơ thành công, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gửi thông báo thuế cho chủ sử dụng đất đi nộp thuế và nhận sổ đỏ.
Bước 5: Nộp thuế, lệ phí trước bạ.
Người sử dụng đất nhận thông báo nộp thuế và đi nộp thuế tại cơ quan có thẩm quyền (chi cục thuế), trong thông báo thuế ghi rõ số tiền cần phải nộp. Thanh toán có thể được thực hiện qua các phương thức như chuyển khoản ngân hàng, nộp tiền mặt tại ngân hàng hoặc qua các hình thức thanh toán điện tử.
Chi phí làm sổ đỏ: Các khoản phí khi làm sổ đỏ theo quy định hiện nay bao gồm: lệ phí trước bạ, lệ phí cấp sổ đỏ và tiền sử dụng đất.
Phương Vũ
Link nội dung: https://pld.net.vn/giay-to-can-chuan-bi-va-thu-tuc-cap-so-do-lan-dau-a15364.html