Đại biểu Quốc hội: Bổ sung chế tài xử lý hiện tượng trốn, chậm đóng BHXH

Trước thực trạng hàng trăm nghìn doanh nghiệp chậm đóng Bảo hiểm Xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tăng chế tài xử lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cần có chế tài xử lý mạnh hơn để giải quyết tình trạng trốn đóng, chậm đóng Bảo hiểm Xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động là kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 23/11.

198.000 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng Bảo hiểm Xã hội

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho hay, theo số liệu thống kê trong báo cáo của Chính phủ, số tiền các doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, chậm đóng Bảo hiểm Xã hội giai đoạn 2016-2022 là gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Trong năm 2022, chỉ riêng số doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài 3 năm lên tới 56%. Trên phạm vi cả nước có tới 198.000 doanh nghiệp đơn vị chậm đóng Bảo hiểm Xã hội.

Người lao động chính là những người phải gánh chịu hệ lụy từ điều này. Chỉ tính riêng số người lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người, trong đó số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc là chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là 2.500 tỷ đồng.

“Chúng ta đã biết là Bảo hiểm Xã hội thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng. Do đó, khi trốn, chậm đóng Bảo hiểm Xã hội, tất cả những quyền lợi của người lao động đều bị ảnh hưởng và họ sẽ không được chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất,” Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Đây cũng là vấn đề được Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đặt ra. Theo đại biểu, do chưa xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm và trách nhiệm của người sử dụng lao động vi phạm pháp luật khi không đóng Bảo hiểm Xã hội cho người lao động, nên không thể giải quyết các chế độ Bảo hiểm Xã hội cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh hay phá sản, giải thể…

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng thực tiễn việc trốn, chậm đóng Bảo hiểm Xã hội vẫn đang là một câu chuyện chưa có lời giải hiệu quả. Số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi Bảo hiểm Xã hội ngày càng tăng nên họ bức xúc và mong muốn nhận một lần. Vì vậy, cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để người lao động không muốn rút bảo hiểm một lần.

Siết chặt chế tài

Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị cần rà soát, bổ sung các giải pháp, chế tài phù hợp, khả thi để hạn chế trong việc chậm đóng Bảo hiểm Xã hội trong thời gian dài, dẫn đến không có khả năng thu nộp, bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng Bảo hiểm Xã hội cho người lao động trong bối cảnh hiện nay.

231120230837-dỗ-thị-việt-hà.jpg

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị bổ sung chế tài để hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm Xã hội bắt buộc.Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như khấu trừ tiền nợ Bảo hiểm Xã hội tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan Bảo hiểm Xã hội trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần có các quy định đồng bộ, khả thi nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm Xã hội đồng thời cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi này.

Phân tích sâu hơn, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, tại điểm c khoản 2 Điều 36 dự thảo quy định "Trốn đóng Bảo hiểm Xã hội là trường hợp người sử dụng lao động không đóng Bảo hiểm Xã hội mặc dù có khả năng đóng." Đại biểu cho rằng rất khó xác định khi nào gọi là "không có khả năng đóng Bảo hiểm Xã hội" trong khi hàng tháng người sử dụng lao động vẫn trích trừ tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm.

231120230951-z4906933905503_7717a391b22517aff7533ad946d11370.jpg

Bảo hiểm Xã hội là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Doanh nghiệp cũng có thể lợi dụng và đưa ra lý do là làm ăn kinh doanh gặp khó khăn, do đó không có khả năng đóng thì sẽ không thể xử lý được về hành vi trốn đóng Bảo hiểm Xã hội. Bên cạnh đó, điều này xung đột với Điều 216 của Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng Bảo hiểm Xã hội quy định "người nào có nghĩa vụ đóng Bảo hiểm Xã hội mà không đóng thì thuộc trường hợp trốn đóng Bảo hiểm Xã hội.”

Vấn về quyền khởi kiện của công đoàn, đại biểu cho rằng nếu chỉ sửa Điều 13 của Luật Bảo hiểm Xã hội sẽ không giải quyết được vấn đề hiện nay vì vấn đề này đang chịu sự ràng buộc của 4 đạo luật, bao gồm Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng Dân sự và Bộ luật Lao động trong khi 4 luật này đang có sự không thống nhất trong quy định về quyền và trách nhiệm của công đoàn, gây lúng túng trong quá trình thực hiện.

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, qua giám sát cho thấy việc chỉ quy định cho công đoàn cấp cơ sở có quyền khởi kiện đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng Bảo hiểm Xã hội sẽ không tránh khỏi tâm lý gây e ngại, bởi vì cán bộ công đoàn cấp cơ sở hưởng lương từ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quy định khi công đoàn đứng ra khởi kiện phải có sự ủy quyền của từng người lao động là không phù hợp, không khả thi đối với những doanh nghiệp có đông người lao động, có hàng nghìn công nhân. Việc đi lấy giấy ủy quyền của người lao động rất gian nan, nhất là đối với những doanh nghiệp đã dừng hoạt động, người lao động đã trở về quê hoặc chuyển việc khác. Theo quy định của pháp luật, không chỉ lấy giấy ủy quyền là xong mà còn phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lao động cư trú để xin chứng thực.

Từ thực tế trên, cùng với việc sửa Điều 13 của Luật Bảo hiểm Xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Quốc hội sửa đồng thời cả Bộ Luật Tố tụng dân sự và sửa cả Luật Công đoàn đối vấn đề này với 2 nội dung: Thứ nhất là giao cho công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay. Thứ hai là quy định nếu công đoàn đứng ra khởi kiện thì không cần phải có ủy quyền của người lao động vì theo quy định, công đoàn là đại diện đương nhiên của người lao động./.

Link nội dung: https://pld.net.vn/dai-bieu-quoc-hoi-bo-sung-che-tai-xu-ly-hien-tuong-tron-cham-dong-bhxh-a15370.html