Bất động sản | 17:44:32 30/11/2023
Từ tháng 12/2023, nhiều chính sách liên quan đến tài chính ngân hàng như giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN; quy định mới về vốn góp tại ngân hàng liên doanh;... chính thức có hiệu lực.
Từ tháng 12/2023, nhiều thay đổi liên quan vay vốn ngân hàng người dân cần biết. Hình minh họa
Theo Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay vì 300 triệu đồng như hiện hành.
Quyết định này áp dụng với các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan như bất động sản, đổi tiền... nhằm mục đích kiểm soát, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.
Theo Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, các tổ chức tài chính phải báo cáo là các ngân hàng, dịch vụ trung gian thanh toán (như ví điện tử), công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ…
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính cũng thuộc đối tượng phải báo cáo gồm: kinh doanh trò chơi có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, Internet, xổ số, đặt cược.
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản, dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp… cũng phải báo cáo những giao dịch có trị giá từ 400 triệu đồng trở lên.
Từ ngày 14/12/2023, Thông tư 13/2023/TT-NHNN bổ sung quy định về điều kiện với đối tác mới là doanh nghiệp không phải ngân hàng khi chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp của ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài:
Cụ thể, việc chuyển nhượng phần vốn góp cho tổ chức không phải là thành viên góp vốn của ngân hàng liên doanh cần đảm bảo tỷ lệ góp vốn theo quy định và đáp ứng các điều kiện sau:
Đối tác mới là doanh nghiệp không phải ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài;
- Trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn vào ngân hàng liên doanh theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp là doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định liên quan của pháp luật;
- Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ trên 1% đến dưới 5% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh hoặc có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 400 tỷ đồng trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ 1% vốn điều lệ trở xuống của ngân hàng liên doanh;
- Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán của năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
- Kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
- Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
- Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Nghị định 78/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi thời hạn và lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước từ ngày 22/12/2023:
Theo quy định mới, Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án.
Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi phí hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày 22-12-2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này.
Phương Vũ (TH)
Link nội dung: https://pld.net.vn/tu-thang-122023-nhieu-thay-doi-lien-quan-vay-von-ngan-hang-nguoi-dan-can-biet-a15414.html