Theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), trong 10 tháng năm 2023, Công ty CP Dệt may – Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) ghi nhận kết quả doanh với doanh thu thuần đạt 2.793 tỷ đồng (khoảng 117 triệu USD), giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 122 tỷ đồng, giảm gần 48% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này chủ yếu do lượng đơn hàng nhỏ, cùng với đơn giá hàng dệt may giảm 20% – 30%.
Trong 10 tháng năm 2023, doanh thu ngành may vẫn là động lực tăng trưởng chính của TCM. Cụ thể, tỷ trọng ngành may chiếm khoảng 76,7% doanh thu thuần, tương đương gần 2.192 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Doanh thu từ vải ước đạt gần 454 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 15,9% doanh thu thuần.
Trong khi đó, giá sợi xuất khẩu Việt Nam khó cạnh tranh với sợi giá rẻ từ Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến tỷ trọng ngành sợi vẫn chỉ chiếm 6% trong cơ cấu doanh thu của TCM, tương đương với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm mạnh từ mức 11% vào năm 2021.
Tính đến tháng 8/2023, giá bông nhập khẩu đã giảm 33,7% so với cùng kỳ, nhờ xu hướng giảm của giá bông thế giới, dự kiến sẽ tác động tốt lên sự hồi phục của ngành sợi trong tương lai.
Về cơ cấu thị trường, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của TCM. Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ giảm 19,3% so với cùng kỳ, đạt 12 tỷ USD do sức ép tiêu thụ hàng tồn kho tăng cao kỷ lục vào quý III/2022 tại đây, khiến đơn hàng tại các doanh nghiệp dệt may bị cắt giảm. Qua đó, TCM cũng bị ảnh hưởng theo tình trạng này với doanh thu xuất khẩu sang Mỹ ước tính giảm 36,3% so với cùng kỳ, còn khoảng 793 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc ghi nhận mức sụt giảm thấp hơn với giá trị xuất khẩu đạt 2,6 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn giữ ổn định, đạt 3,3 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ.
“Trong 10 tháng năm 2023, TCM ghi nhận mức sụt giảm trong doanh thu xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản thấp hơn so với thị trường Mỹ, lần lượt đạt 701 tỷ đồng, giảm 15,8% và 554 tỷ đồng, giảm 24,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, TCM có đối tác chiến lược là E-land cũng giúp ổn định phần nào đơn hàng tại Hàn Quốc”, PHS cho biết.
PHS cho rằng, dù hàng tồn kho tăng cao tại Mỹ vào quý III/2022 là nguyên nhân khiến đơn hàng dệt may bị cắt giảm, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ quần áo tại Mỹ trong năm qua vẫn được giữ ổn định.
Do đó, đơn vị này đánh giá, rủi ro giảm thị phần tại Mỹ của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam như TCM là một vấn đề đáng lưu ý. Ngoài ra, quý IV là quý trọng điểm chuẩn bị cho mùa Tết và Lễ hội, nhưng trong năm nay, nhu cầu mua sắm và đơn hàng tại Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến vẫn chậm.
Từ đó, Công ty Chứng khoán này nhận định, tình hình khó khăn của TCM có thể vẫn sẽ kéo dài đến đầu năm 2024 và cho tín hiệu phục hồi mạnh vào quý II/2024 dựa trên mức nền thấp.
Đơn hàng yếu ớt do khách hàng đặt hàng rất cẩn trọng, cùng với giá bán bị ép giảm khoảng 20% – 30% đã bào mòn biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp dệt may. Theo đó, biên lợi nhuận gộp quý III/2023 của TCM giảm 240bps so với cùng kỳ còn 15,1%.
Trước áp lực sức mua yếu và tồn kho cao khiến cho đơn hàng sụt giảm, tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 dự kiến giảm 8,6% so với cùng kỳ, đạt khoảng 700 tỷ USD. PHS dự phóng, doanh thu thuần của TCM năm 2023F đạt 3.501 tỷ đồng, giảm 19,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế năm 2023F sẽ giảm 40% so với cùng kỳ, còn 169 tỷ đồng.
PHS cũng cho rằng, mức tăng trưởng hàng tồn kho các sản phẩm may mặc của Mỹ đã thu hẹp so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với nhu cầu tăng cao nhờ yếu tố tiêu thụ mùa lễ hội vào quý IV/2023, chúng tôi cho rằng hàng tồn kho từ các thương hiệu dự kiến sẽ giảm.
Theo đó, chu kỳ cắt giảm hàng tồn kho ở Mỹ được dự đoán đang gần kết thúc, các thương hiệu sẽ gia tăng đơn hàng mới vào các tháng tới. Qua đó, TCM sẽ ghi nhận dấu hiệu phục hồi từ quý II/2024 trên mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái và động lực gia tăng đơn hàng để bổ sung hàng tồn kho từ các thương hiệu.
Từ đó, PHS dự phóng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của TCM trong năm 2024F sẽ đạt lần lượt là 4.028 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước và 221 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, Công ty Chứng khoán này cũng chỉ ra hàng loạt rủi ro đối với TCM như: rủi ro tỷ giá; rủi ro cạnh tranh; rủi ro thanh toán; rủi ro nguồn nguyên liệu; rủi ro lạm phát; và rủi ro suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng tới nhu cầu đơn hàng.
Link nội dung: https://pld.net.vn/tcm-kho-khan-se-keo-dai-den-dau-nam-2024-a15439.html