Trúng gió có phải là đột quỵ không?

Hiện nay, nhiều người đang có sự hiểu nhầm về trúng gió là một dạng đột quỵ, dễ dẫn đến nhầm lẫn, khiến chậm trễ sơ cứu gây hậu quả đáng tiếc. Theo các bác sĩ, hai bệnh lý này có biểu hiện và cách xử trí hoàn toàn khác nhau.

z4963925342456-6ac7734ce381b45b636f59ddebf59fb6-3575jpg-1702390399.jpg

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Quang Thành, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai khám cho người bệnh.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Thành, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, trúng gió bao gồm gió lạnh là bị nhiễm lạnh biểu hiện như sốt, nhức đầu và đau nhức toàn thân, sổ mũi và ho. Người bị trúng gió sẽ có biểu hiện sốt, đổ mồ hôi, nhức đầu, mắt đỏ, đau họng, nhạy cảm ánh sáng, khát nước, ho có đờm vàng và đặc, các vấn đề về hô hấp, táo bón và chảy máu cam.

Gió ẩm có tác dụng tương tự như cảm lạnh thông thường, gây đau nhức chân tay, bơ phờ, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy và có thể gây ra các bệnh như viêm khớp. Gió nội sinh tấn công gan và gây chóng mặt, co thắt, co giật và thậm chí hôn mê.

Trong khi đó, đột quỵ hay tai biến mạch máu não của tây y theo y học cổ truyền Trung Quốc được định nghĩa là “đột quỵ gió” được đặc trưng bởi tình trạng bất tỉnh và suy sụp đột ngột, lệch lưỡi và miệng, liệt nửa người, nói ngọng hoặc chỉ lệch lưỡi và miệng và liệt nửa người mà không bị ngã.

Tác nhân gây bệnh “đột quỵ gió” có liên quan mật thiết đến sự chuyển động ngược của khí huyết do chế độ ăn uống và lối sống bất thường, căng thẳng tâm lý, rối loạn tâm thần...

Về cơ chế của đột quỵ não theo y học cổ truyền Trung Quốc lý giải là do sự mất cân bằng của khí huyết và âm dương làm trung gian cho "gió giật” dẫn đến huyết khối hoặc xuất huyết não.

Theo tây y, tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ là tình trạng mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hoặc vỡ mạch, gây chảy máu trong não.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Thành, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có hai loại tai biến mạch máu não là: Đột quỵ thiếu máu cục bộ (nhồi máu não) và đột quỵ xuất huyết não.

Với đột quỵ thiếu máu cục bộ, hơn 80% các trường hợp tai biến mạch máu não do thiếu máu, xảy ra khi mạch máu cung cấp máu cho não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn bởi cục máu đông.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Thành, nguyên nhân tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ là huyết khối hình thành tại động mạch bị vữa xơ, thường là động mạch cảnh, động mạch sống nền và động mạch não. Xơ vữa động mạch là tình trạng chất béo tích tụ trong trong lòng mạch thành các mảng xơ và cứng, gây hẹp động mạch. Khi mảng xơ vữa vỡ ra tạo điều kiện hình thành cục máu đông lấp kín lòng mạch.

Một nguyên nhân khác là thuyên tắc mạch, khi cục máu đông hình thành ở một vị trí khác trong hệ tuần hoàn, thường là từ tim, sau đó di chuyển theo dòng máu lên não gây thuyên tắc mạch máu não. Nguyên nhân chính của thuyên tắc thường là do bệnh lý từ tim, viêm nhiễm, ung thư.

Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu ra xung quanh, gây tổn thương nhu mô não. Có hai loại là xuất huyết nội sọ (trong não) và xuất huyết khoang dưới nhện.

Các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não do xuất huyết não là: Tăng huyết áp; các bệnh rối loạn đông máu; điều trị thuốc chống đông máu; liệu pháp tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp hoặc đột quỵ thiếu máu não cấp tính (có thể gây xuất huyết não); dị dạng động tĩnh mạch, phình động mạch và các dị tật mạch máu khác (u tĩnh mạch và xoang hang); viêm mạch.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thành nhấn mạnh, người mắc tai biến mạch máu não (đột quỵ) trong tây y, đông y gọi là đột quỵ gió (trúng phong) có triệu chứng nhận biết khác hoàn toàn so với trúng gió. Như vậy, trúng gió và đột quỵ là hai bệnh khác nhau về bản chất cũng như hướng điều trị.

Do đó, bác sĩ Thành khuyến cáo, những trường hợp có các biểu hiện rối loạn chức năng thần kinh khu trú, rối loạn vận động, ngôn ngữ, liệt… cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

"Trường hợp đột quỵ do thiếu máu não đến bệnh viện trước 4 giờ, chậm nhất là 6 giờ sẽ là thời gian vàng để can thiệp bằng phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy bỏ huyết khối. Nếu bệnh nhân đến viện muộn, hiệu quả điều trị giảm đi rất nhiều. Vì thế, người dân không nên mạo hiểm chờ xem những biểu hiện của mình là trúng gió hay đột quỵ vì có thể bỏ qua thời gian vàng điều trị", bác sĩ Thành nhấn mạnh.

Link nội dung: https://pld.net.vn/trung-gio-co-phai-la-dot-quy-khong-a15476.html