Một năm nhiều biến động
Thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2023 được xem là một năm có nhiều điểm nhấn và các biến động khó lường. Theo đó, VN-Index có giai đoạn tăng lên khu vực 1.250 điểm, nhưng ngay sau đó lại giảm rất mạnh, đưa chỉ số trở về khu vực 1.020 điểm chỉ sau chưa đầy 2 tháng. Những biến động này khiến không ít nhà đầu tư đánh mất hết thành quả chỉ sau vài tháng ngắn ngủi.
Ông Hồ Sỹ Hoà, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn đầu tư CTCK DNSE chia sẻ, điểm nhấn ấn tượng trong năm nay là độ nhạy của thị trường với chính sách tiền tệ. Thị trường “hưng phấn” tăng mạnh sau động thái cắt giảm lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, cũng phản ứng tiêu cực hơn khi có động thái hút tiền từ NHNN để ổn định tỷ giá.
Trong năm tới, theo dự báo của nhiều định chế tài chính, lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể được cắt giảm bắt đầu từ giai đoạn giữa năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường tài chính.
“Tuy nhiên, chúng ta cần quan sát thêm nhiều rủi ro trên thị trường quốc tế có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp lên thị trường chứng khoán, ví dụ như rủi ro địa chính trị gia tăng, dẫn đến giá nguyên vật liệu tăng mạnh… ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, cùng với sự đảo chiều về chính sách tiền tệ”, ông Hồ Sỹ Hoà cho biết.
Những lưu ý trong năm 2024
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin Việt Nam phân tích, năm 2024 có rất nhiều vấn đề nhà đầu tư cần quan tâm như: Thứ nhất, tình hình kinh tế toàn cầu trong bối cảnhViệt Nam là một quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, với tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP rất cao. Hơn một năm vừa qua, kinh tế thế giới khó khăn đã khiến xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm và lập tức phản ánh vào sự khó khăn của nền kinh tế trong nước.
“Chúng tôi đánh giá sức khỏe kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ yếu hơn, tăng trưởng GDP đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ dự báo suy giảm mạnh, đâu đó chỉ đạt khoảng hơn 1% đến 2%. Ngược lại, lãi suất thì tích cực bởi sẽ có các đợt giảm mạnh khiến cung tiền tăng cao tạo nên sự đối nghịch. Ngoài ra, bất ổn địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp, tác động đến tình hình của Việt Nam”, ông Phục nhìn nhận.
Thứ hai, là kinh tế vĩ mô Việt Nam có ba yếu tố quan trọng bao gồm tăng trưởng GDP, mặc dù năm 2023 chỉ đạt 5,2 – 5,25% nhưng có thể khẳng định xu hướng đang rất tốt. Năm 2024, dự báo GDP của Việt Nam có thể đạt trên 6% cùng với lạm phát được kiểm soát khá tốt.
Về lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam đang mức 2,361%, về mức gần thấp kỷ lục của cuối năm 2021. Với lợi suất trái phiếu chính phủ thấp như vậy, có rất nhiều ý nghĩa và hàm ý, điển hình là gánh nặng nợ công thấp, chính phủ phát hành vay vốn để phục vụ đầu tư công, đầu tư phát triển kinh tế, tăng lương… sẽ thuận lợi nhờ chi phí thấp.
Riêng với dự trữ ngoại hối và tỷ giá có liên quan đến đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Có thể thấy, Chính phủ Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia điều hành tỷ giá tốt nhất thế giới, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ ba, là hành động của nhà đầu tư nước ngoài. Trong gần 12 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 1 tỷ USD, đặc biệt từ giai đoạn tháng 4 đến tháng 12. Đây cũng là nguyên nhân khiến TTCK năm 2023 hồi phục chậm hơn và tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng.
Thực tế, việc rút ròng này diễn ra trên khắp châu Á chứ không chỉ ở riêng Việt Nam, cho thấy về cơ bản tài sản của người dân ở Mỹ, châu Âu và các nước phát triển đã bị bào mòn rất nhiều, khiến họ phải rút dòng vốn đầu tư về.
Một điểm đáng chú ý là TTCK Việt Nam có tính đầu cơ cao, trong năm vừa qua hồi phục không như ý muốn, nhất là cuối năm lại suy giảm nên các nhà đầu tư nước ngoài cũng có phần chán nản.
“Chúng tôi đánh giá áp lực trên TTCK Việt Nam vẫn còn trong năm 2024, tuy nhiên sẽ giảm dần và từ giữa đến cuối năm 2024, xu hướng mua ròng sẽ quay trở lại vì thị trường vẫn hấp dẫn”, ông Phục dự báo.
Thứ tư, là câu chuyện KRX và nâng hạng thị trường chứng khoán. Chúng ta đã chờ KRX trong khoảng thời gian rất dài, dự kiến sẽ vận hành vào ngày 25/12 tới nhưng đến nay vẫn chưa chắc chắn có thể diễn ra hay không. Tuy nhiên, đến đầu năm 2024 KRX nhất định sẽ bắt đầu đi vào triển khai, góp phần giúp TTCK Việt Nam có thêm nhiều công cụ, tính năng và là động lực giúp thanh khoản tốt hơn.
Cùng với đó là câu chuyện nâng hạng TTCK, hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự bám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì tiến trình này sẽ đạt được tiến bộ, từ đó kỳ vọng những năm sau có thể nâng hạng. Đây vẫn là câu chuyện hấp dẫn cho thị trường trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thứ năm, TTCK Việt Nam phân hóa rất mạnh, có nhiều nhóm cổ phiếu định giá quá đắt, nhưng ngược lại không ít nhóm cổ phiếu được định giá rẻ. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư để lựa chọn cổ phiếu giá rẻ và có lợi suất vượt trội.
Tiêu chí lựa chọn cổ phiếu
Đối với việc lựa chọn cổ phiếu trong năm 2024, AzFin Việt Nam cho rằng thời điểm đầu năm, cổ phiếu nhóm phục vụ hàng hóa trong nước sẽ tốt hơn so với nhóm xuất khẩu, vì kinh tế thế giới còn khó khăn thì xuất khẩu của chúng ta chưa thể tăng nhanh.
Ngoài ra, các nhóm ngành liên quan đến vật liệu, xây dựng cơ bản, đầu tư công, hàng thiết yếu, hay những nhóm có sự phục hồi ban đầu của chu kỳ kinh tế đều được hưởng lợi nhất và nhanh nhất. Nhà đầu tư cần tập trung vào các cổ phiếu vừa phòng thủ, vừa tấn công, vì rủi ro kinh tế thế giới vẫn còn, đây cũng là năm kinh tế trong nước phục hồi mạnh nên có thể ưu tiên các cổ phiếu có đặc điểm tấn công.
Một tiêu chí tiếp theo là lựa chọn cổ phiếu đầu ngành, có tài chính mạnh, trả cổ tức tiền mặt cao, ngay cả khi có nợ vay lớn. Bởi vì lãi suất hạ sẽ giúp chi phí tài chính giảm, trong khi sức mạnh tài chính của một doanh nghiệp thông qua khả năng tạo ra tiền và khả năng trả nợ và lãi tốt chứ không phải nhờ nợ vay ít. Đặc biệt, những doanh nghiệp đầu ngành phải lấy thêm được thị phần từ các doanh nghiệp khác.
Theo ông Phục khuyến nghị, nhà đầu tư có thể so sánh doanh thu của các doanh nghiệp cùng ngành với nhau, nếu doanh nghiệp nào có doanh thu giảm ít hơn, hoặc vẫn tăng nhẹ thì đó chính là lấy thêm thị phần.
“Cuối cùng, định giá là yếu tố tối quan trọng để có kết quả cao hơn trung bình trong việc lựa chọn cổ phiếu, vì trong giai đoạn mọi thứ còn chưa rõ ràng, chúng ta có quyền lựa chọn và không nên vội vàng mua vào bằng mọi giá, vì vậy hãy chọn những cổ phiếu giá rẻ”, vị chuyên gia nói.
Link nội dung: https://pld.net.vn/nam-2024-nha-dau-tu-can-luu-y-nhung-yeu-to-gi-khi-tham-gia-chung-khoan-a15525.html