Giảm lãi suất, tăng tiếp cận vốn nhưng cầu tín dụng cần thời gian phục hồi

Theo các chuyên gia, cần thời gian để các biện pháp hỗ trợ phát huy hiệu quả phục hồi kinh tế trong năm 2024, và khả năng thời gian phục hồi mạnh lễn sẽ từ nửa cuối năm sau.

qt1-6809-enternews-1703039278-1703081385.jpg

Xuất khẩu đã bắt đầu ghi nhận phục hồi nhưng chưa rõ ràng. Ảnh: Quốc Tuấn

Dự báo tăng trưởng GDP trong mục tiêu Quốc hội giao
Nhìn lại kinh tế 11 tháng năm 2023, đã có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Trong đó, đáng chú ý nhất là xuất khẩu nhiều ngành khác phục hồi, đi cùng nhu cầu nhập khẩu tăng lên trở lại từ các thị trường lớn. Tuy nhiên, tín hiệu phục hồi của xuất khẩu nói chung vẫn chưa rõ ràng. Tại báo cáo của CTCK VCBS, các nhà phân tích vẫn ghi nhận Chỉ số PMI sản xuất trong tháng 11 ở mức 47,3 điểm vẫn ở dưới mức mở rộng (ngưỡng 50 điểm)cho thấy các hoạt động sản xuất vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng không đáng kể so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư tăng mạnh đặc biệt ở khía cạnh đầu tư vốn ngân sách vốn Nhà nước, trong đó vốn TW đạt 99,4 ngàn tỷ (+25,1%) trong 10 tháng 2023, vốn Địa phương đạt 449,7 ngàn tỷ (+21,5%)

Cùng với đó, vốn đầu tư nước ngoài FDI tiếp tục khởi sắc với vốn đăng ký đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, vốn giải ngân đạt 20,9 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cầu tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh nhưng đà tăng chậm.

Như vậy, trong các trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế, đầu tư vốn Nhà nước và đầu tư FDI vẫn đang là trụ cột tích cực nhất, trong khi tiêu dùng và xuất khẩu thực sự cần thời gian để phục hồi mạnh hơn. Đây cũng là yếu tố mà theo VCBS, là tiền đề cho tăng trưởng GDP của năm sau với kỳ vọng mục tiêu 6-6,5%.

“Chúng tôi đánh giá nhìn chung sẽ mất thêm thời gian trước khi các đơn hàng có thể tăng trở lại theo đó tăng trưởng chỉ phục hồi mạnh mẽ từ nửa đầu năm 2024.

Nhìn nhận thấy các khó khăn đối với nền kinh tế, Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công (trọng điểm các dự án hạ tầng tăng cường kết nối vùng), cân nhắc gia hạn thời gian giảm thuế VAT sang năm 2024,…

Với chính sách tiền tệ, việc kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân là định hướng xuyên suốt và được ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước.

Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được dự báo sẽ tạo ảnh hưởng tích cực lên tăng trưởng.Theo đó, VCBS dự báo tăng trưởng năm 2024 là 6%- 6,5%”, nhóm chuyên gia nhận định.

Ngoài ra cũng cần nói thêm rằng đang có nhiều kiến nghị về việc tiếp tục kéo dài các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế như giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, thuê đất…; cùng với đó Chính phủ đang yêu cầu NHNN nghiên cứu triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội, công nhân 120.000 tỷ đồng và các chương trình khác; đi cùng còn có kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là việc Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu về hạn mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân… tạo nên nhiều kỳ vọng tích cực hơn đối với tăng trưởng từ tiêu dùng, xuất khẩu trong năm sau.

Cầu tín dụng cũng cần thời gian
VCBS cũng dự báo trong 2024, lạm phát sẽ ổn định và trong tầm kiểm soát giúp NHNN có dư địa điều hành chính sách tiền tệ. NHNN tiếp tục sử dụng hài hòa công cụ tỷ giá, lãi suất tương tự như các năm gần đây.

dmhl8930-enternews-1658918634-1-1703081382.jpg

Lãi suất có xu hướng tạo đáy. Ảnh: Quốc Tuấn

Cũng theo CTCK này thì năm 2024, lãi suất huy động huy động khó giảm thêm, do lãi suất huy động đã giảm sâu về mốc trước dịch Covid – 19. Tuy vậy, trong giai đoạn nền kinh tế trong quá trình phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là mục tiêu được ưu tiên. Đồng thời, việc duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp trong thời gian đủ lâu là cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn chưa giảm đủ nhiều đối với các hoạt động của nền kinh tế.

Cùng với đó, quá trình xử lý trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến hạn vẫn cần rất nhiều nguồn lực và điều kiện tiên quyết để quá trình diễn tiến nhanh hơn là mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp.

Trên thị trường, hiện lãi suất huy động đang ghi nhận thấp kỷ lục với Vietcombank, SCB huy động kỳ hạn 1-2 tháng chỉ 2,2%/năm. Mới đây, một loạt ngân hàng đã công bố biểu lãi suất mới theo hướng giảm dần. BIDV, Agribank và VietinBank đồng loạt điều chỉnh các mức lãi suất đầu vào, trong đó lãi suất cao nhất chỉ còn 5,3%/năm, giảm thêm từ 0,3-0,4 điểm % so với trước đó trong đó BIDV có 3 ngày điều chỉnh giảm liên tiếp, riêng Vietcombank tiếp tục có 1 đợt giảm sâu mới sau khi điều chỉnh lãi suất tiền gửi tất cả các kỳ hạn ở đầu tháng 12.

Đáng chú ý lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở các ngân hàng dao động trong khoảng 5 đến dưới 6%/năm, gần như không còn ngân hàng nào huy động 6%/năm. Mức lãi suất tiền gửi 6%/năm cũng chỉ còn xuất hiện tại một vài ngân hàng quy mô nhỏ.

VCBS dự báo lãi suất cho vay dự báo giảm nhưng tốc độ chậm và tiếp tục thể hiện sự phân hóa. Theo đó, năm 2023 ghi nhận biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động: Khi lãi suất huy động năm 2023 đã giảm 250-270 điểm cơ bản, dư địa giảm thêm đối với lãi suất cho vay vẫn còn. Đồng thời, giai đoạn này các ngân hàng sẽ cẫn nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

“NIM trong xu hướng giảm trong khi nợ xấu có xu hướng tăng sẽ khiến các ngân hàng có xu hướng thận trọng về khẩu vị rủi ro đối với các khoản tín dụng. Do đó, sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay sẽ vẫn diễn ra.

Tương tự như tiền đề cho sự phục hồi rõ ràng của cầu tiêu dùng và xuất khẩu, đi cùng là nhu cầu vốn, thị trường cần thêm thời gian trước khi tín dụng tăng khá trở lại.

Link nội dung: https://pld.net.vn/giam-lai-suat-tang-tiep-can-von-nhung-cau-tin-dung-can-thoi-gian-phuc-hoi-a15533.html