Theo đó, sau hàng loạt các lùm xùm liên quan đến Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh,… thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã trải qua không ít thăng trầm, thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho thấy, tính đến giữa tháng 12/2022, phát hành TPDN giảm tới gần 62% so với cùng kỳ năm 2021 và gần như đóng băng trong nửa cuối năm 2022.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành kỳ vọng đem đến sự khởi sắc mới khi sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm lành mạnh hóa thị trường, tuy nhiên, khi đi vào áp dụng trong thực tiễn, thị trường TPDN tiếp tục ảm đạm trong quý I và quý II/2023. Trong khi, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của tháng 5/2023 là 11.191 tỷ đồng.
Trước bối cảnh đã nêu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP với nhiều điều kiện nới lỏng hơn, giúp thị trường dần thích nghi. Và từ khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, khối lượng trái phiếu được phát hành là 179,5 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, lượng phát hành TPDN riêng lẻ bình quân mỗi tháng từ thời điểm Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực luôn duy trì trong khoảng 25.000 – 35.000 tỷ đồng/tháng. Tính từ tháng 7/2023 đến nay, khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 127.200 tỷ đồng (cao gấp 2,2 lần so với nửa đầu năm).
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực mà Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã mang lại, thị trường TPDN vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro khi Nghị định này sắp hết hiệu lực thi hành, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng chậm trả lãi, gốc trái phiếu, cùng với đó là áp lực đáo hạn trái phiếu trong 2024 là rất lớn với khoảng 330.000 tỷ đồng, chưa bao gồm số trái phiếu vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi. Năm 2025, lượng trái phiếu đáo hạn sẽ hạ nhiệt với khoảng 270 nghìn tỷ đồng nhưng con số này chỉ thấp so với năm 2024 và cao hơn đáng kể so với những năm trước đó.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế được dự báo còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, việc tiếp cận tín dụng ngân hàng cũng đang dần siết chặt, thì việc Nghị định 08/2023/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành quay trở lại áp dụng các quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP được cho sẽ tiềm ẩn nhiều khó khăn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp, bởi TPDN có vai trò và vị trí hết sức quan trọng, là kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời giảm sự phụ thuộc vốn vào kênh tín dụng ngân hàng.
Tại cuộc họp ngày 28/11 về lấy ý kiến đánh giá tình hình triển khai Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và định hướng chính sách trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã đưa ra những lý giải để chứng minh rằng việc áp dụng đầy đủ Nghị định 65/2022/NĐ-CP thời gian tới sẽ không gây vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, theo Bộ tài chính, trong thời gian thực hiện Nghị định 08/2023/NĐ-CP các doanh nghiệp đã tích lũy đủ thời gian để đáp ứng các quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm và giảm thời gian phân phối trái phiếu nên kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định này là không cần thiết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường TPDN Việt Nam thời gian vừa qua đã phục hồi tích cực, nhưng vẫn còn rủi ro. Đáng nói, trong năm 2024 thị trường dần thay đổi theo hướng lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc nhưng khó khăn vẫn còn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho hay, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã có bước “chạy đà” rất tốt trong 6 tháng qua và bước đầu đã phát huy tác dụng, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường TPDN và chắc chắn sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN trong quý IV/2023 – giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm 2023 với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng.
Sang năm 2024, giá trị TPDN đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng, là năm cao điểm nhất trong 3 năm gần đây (năm 2022 chỉ có 144.500 tỷ đồng, năm 2023 là 271.400 tỷ đồng), nên rất cần thiết tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP trong năm 2024.
Theo ông Châu, Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định “ngưng hiệu lực thi hành” đối với các quy định sau đây của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP gồm: “Quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu” chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023, nên rất cần thiết gia hạn việc áp dụng Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để bảo đảm sự phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho gia hạn việc áp dụng Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng, đến hết ngày 31/12/2024.
Còn theo TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, chúng ta quay trở lại Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhưng cần có lộ trình, có cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường phát triển.
“Ví dụ, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi 3 điều kiện, trong đó thời gian chào bán là không có vấn đề gì, vẫn 60 ngày; nhưng quan trọng là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì cân nhắc thời gian tới nên như thế nào. Hơn nữa, xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp với đơn vị phát hành cũng nên có lộ trình phù hợp hơn. Hiện nay, mới có 3 tổ chức phát hành; văn hoá, thói quen của những bên phát hành mua dịch vụ xếp hạng tín nhiệm rõ ràng chưa hình thành ngay được”, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Link nội dung: https://pld.net.vn/co-can-thiet-siet-ngay-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-a15591.html