Ngày 3/1, đại diện Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội đã thông tin với báo chí về kết luận thanh tra một số nội dung tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội do Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội được giao làm chủ đầu tư.
Tư vấn thực hiện dự án là Công ty Systra (Cộng hòa Pháp). Đây là dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, phức tạp, lần đầu tiên được triển khai tại thành phố Hà Nội.
Dự án sử dụng vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ (Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp - AFD, Ngân hàng Đầu tư châu Âu - EIB và Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB).
Tuyến đường sắt đi qua huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) và các quận (Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa), quy mô toàn tuyến dài 12,5km; trong đó, đoạn trên cao 8,5km, đi ngầm 4km, điểm đầu là Nhổn, điểm cuối là Nhà ga Hà Nội; diện tích đất xây dựng công trình 28,68ha, gồm depot 17,01ha, tuyến và ga trên cao 10,25ha, ga ngầm 14,08ha; tổng mức đầu tư và nguồn vốn là 783 triệu euro (vốn vay ODA là 653 triệu euro, vốn đối ứng là 130 triệu euro); thời gian thực hiện từ năm 2009-2015.
Sau đó, dự án đã được điều chinh tổng mức đầu tư là 1,176triệu euro, thời gian thực hiện dự án đến năm 2018.
Ngày 30/5/2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 588/QÐ-TTg về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (trong đó điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009-2027 và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án thành 34.826 tỷ đồng...).
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thịthí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội do Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra theo đơn tố cáo của công dân về một số nội dung của dự án.
Tại Kết luận số 506/KL-TTCP ngày 10/4/2018 thể hiện: “Đến thời điểm thanh tra vẫn chưa bàn giao đầy đủ mặt bằng của gói thầu CP03. Hiện tại mặt bằng các ga 9, 10,11 đang điều chỉnh quy hoạch chưa thể giải phóng mặt bằng được, dẫn tới chưa có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu trong thời gian này.
Việc chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công theo hợp đồng, dẫn đến nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch triển khai theo hợp đồng đã ký, do đó nhà thầu đã yêu cầu bổ sung khoản kinh phí cho việc này khoảng 40 triệu USD, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước...”
Ngày 29/12/2020, Kiểm toán Nhà nước có Thông báo số 485/TB-KTNN về kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án.
Tại thông báo, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị với Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan tham mưu thanh tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật các nội dung: “sử dụng tiêu chí đánh giá chi tiết hơn so với tiêu chí đánh giáhồ sơ dự thầu đã được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu; ký hợp đồng với nhà thầu khi chưa giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ, chưa xác định được kế hoạch bàn giao mặt bằng, di chuyển chướng ngại vật nhưng không thương thảo để điều chỉnh kế hoạch bàn giao mặt bằng; chủ đầu tư chưa giám sát, sử dụng các nhà thầu phụ tham gia thực hiện dự án...”
Về các nội dung trên, tại kết luận Thanh tra số 4805/KL-TTTP-P6 ngày 28/9/2023 của Thanh tra thành phố Hà Nội kết luận: Đối chiếu các tiêu chí đánh giá chi tiết được Tổ chuyên gia chấm thầu sử dụng để đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu CP02 cho thấy cơ bản phù hợp với nội dung của các tiêu chí đánh giá kỹ thuật và các hướng dẫn, yêu cầu chung trong hồ sơ mời thầu; phù hợp với nguyên tắc đánh giá hồ sơ mời thầu theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 63/2014/NÐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.
Về việc giám sát, sử dụng các nhà thầu phụ tham gia thực hiện tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội đối với gói thầu CP01, CP02, Thanh tra thành phố kết luận, việc quản lý nhà thầu chính sử dụng các nhà thầu phụ tại gói thầu CPO1 và CP02 của Ban Quản lý Đường sắt Đô thị cơ bản đã thực hiện đúng theo Hợp đồng của Chủ đầu tư đã ký với các nhà thầu (Gói thầu CPO1-Hợp đồng số 04/2014/HÐ-TCXD ngày 11/4/2014 với nhà thầu DAELIM INDUSTRIAL Co. , LTD và gói thầu CP02-Hợp đồng sổ 13/2013/HĐ-TCXD ngày 14/8/2013 với Công ty POSCO Engineering & Construction Co., Ltd) và quy định tại Khoản 12, Điều 2 và Khoản 1, Điều 47 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về Hợp đồng xây dựng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ tài liệu do Ban Quản lý Đường sắt Đô thị cung cấp cho đoàn Thanh tra về việc lập thẩm định, phê duyệt dự toán và việc ký hợp đồng điều chỉnh giá giữa chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện gói thầu CP01 và gói thầu PC02, cho thấy tại thời điểm điều chỉnh giá gói thầu CP01 và gói thầu PCO2, chủ đầu tư chưa thực hiện việc lập dự toán điều chỉnh theo phương pháp bù trừ trực tiếp, hệ số điều chỉnh hoặc phương pháp điều chỉnh bằng chi số giá xây dựng theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 11, Nghi định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Khoản 3, Điều 36 Nghị định số 48/2010/NÐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng và Khoản 1, Điều 7 Thông tư số 08/2010/TT-BXD ngày 29/7/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng “khi điều chỉnhgiá hợp đồng theo công thức (1) thì cơ sở dữ liệu đầu vào để tính toán điều chỉnh giá phải phù hợp với nội dung công việc trong hợp đồng” dẫn tới việc thanh toán, quyết toán gói thầu CP01, CP02 chưa chính xác. Trách nhiệm thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.
Đối với nội dung tố cáo, việc ký hợp đồng với nhà thầu khi chưa giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ, chưa xác định được kế hoạch bàn giao mặt bằng, di chuyển chướng ngại vật nhưng không thương thảo để điều chỉnh kế hoạch bàn giao mặt bằng, kết luận Thanh tra nêu rõ Dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2009.
Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao Ủy ban Nhân dân các quận Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy thực hiện giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đường sắt thực hiện dự án.
Như vậy, về cơ bản Ủy ban Nhân dân các quận: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm đã thực hiện trình tự thủ tục giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định và chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Tuy nhiên, về tiến độ thời gian giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa thực hiện đúng về thời gian theo quy định tại Điều 67, Điều 68, Điều 69, Điều 70, Điều 93 Luật Đất Đai năm 2013; Khoản 2, Điều 108 Luật Xây Dựng số 50/2014/QH132.
Trách nhiệm này thuộc Ủy ban Nhân dân các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và các đơn vị liên quan trong việc chậm giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án qua từng thời kỳ.
Việc di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án vẫn chưa thực hiện xong dẫn đến dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội bị kéo dài, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt Đô thị qua từng thời kỳ (từ năm 2013-2022).
Việc chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu dẫn đến dự án bị kéo dài, làm tăng chi phí thực hiện dự án, Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố đã báo cáo Thường trực, Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 30/5/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 588/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó đã điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009-2027, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án thành 34.826 tỷ đồng.
Ngày 25/7/2023, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 3785/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (theo Quyết dịnh số 588/QĐ-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Tại Quyết định số 3785/QĐ-UBND ngày 25/7/2023 đã nêu rõ việc chậm tiến độ phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án là có nguyên nhân do việc giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công bị chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án; năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư và các sở, ngành thành phố liên quan còn nhiều hạn chế; ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; chế độ chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thay đổi... trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội qua từng thời kỳ (từ năm 2013-2022).
Thanh tra thành phố đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Nội vụ xem xét trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân để xảy ra các tồn tại nêu tại phần kết luận tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố xử lý theo quy định; đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức kiểm tra rà soát lại các đơn giá áp dụng trong việc lập, thẩm định phê duyệt dự toán ban đầu đối với gói thầu số CP01, CP02 làm căn cứ để thực hiện việc điều chỉnh giá theo quy định đối với nhà thầu thực hiện gói thầu CP01 và gói thầu CP02, trên cơ sở kiểm tra, rà soát làm căn cứ để thanh toán, quyết toán với đơn vị thực hiện gói thầu CP01 và gói thầu CP02; khẩn trương thực hiện di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thực hiện dự án./.
Link nội dung: https://pld.net.vn/de-nghi-xem-xet-trach-nhiem-khien-duong-sat-nhon-ga-ha-noi-doi-von-cham-tien-do-a15625.html