Ngày 8/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN).
Theo báo cáo của PVN, năm 2023 hầu hết các chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, với nhiều kỷ lục mới.
Đồng thời, đưa nhiều dự án vào vận hành và triển khai đầu tư, giải quyết dứt điểm các dự án khó khăn, vướng mắc của một số dự án tồn tại kéo dài. Trong đó, đã đưa vào vận hành nhà máy điện Thái Bình 2; ký kết các hợp đồng EPC dự án phát triển mỏ thuộc Chuỗi dự án khí điện Lô B; khánh thành và đưa vào vận hành Kho cảng LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải là kho cảng đầu tiên của Việt Nam...
Cũng trong năm 2023, PVN đã gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 13 triệu tấn, vượt 8,3% kế hoạch năm.
PVN có 2 phát hiện dầu khí mới tại lô 16-2 và tại lô PM3-CAA; đưa vào hoàn thành và khai thác sớm 4 mỏ/công trình dầu khí. Sản lượng khai thác dầu đạt 10,4 triệu tấn, vượt 12% kế hoạch, riêng trong nước đạt 8,6 triệu tấn, giảm 3,9% so với năm 2022.
Sản lượng khai thác khí đạt 7,47 tỷ m3, lượng điện toàn tập đoàn đạt 23,07 tỷ kWh. Các nhà máy đạm đạt 1,76 triệu tấn. Sản xuất xăng dầu (không gồm NSRP) đạt 7,36 triệu tấn - là mức kỷ lục cao nhất kể từ khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại. Doanh thu khối đơn vị dịch vụ đạt 94.400 tỷ đồng.
Kết quả, năm 2023 tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 942.800 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11.600 tỷ đồng, tương đương 9,2% GDP cả nước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 54.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, PVN đảm bảo việc làm cho hàng chục nghìn lao động với mức tiền lương bình quân 26,87 triệu đồng/người/tháng.
Đánh giá cao các kết quả đạt được, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ngành dầu khí không được say sưa, thỏa mãn với những kết quả đạt được, không chủ quan, lơ là bởi còn rất nhiều việc phải làm.
Theo đó, cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược, huy động được sức mạnh tổng hợp. Chú trọng và tăng cường công tác đầu tư, nghiên cứu và phát triển (R&D) để tận dụng các cơ hội mới, có các sản phẩm mới, nhất là trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý nhóm giải pháp về quản trị thông minh, bám sát tình hình để quản trị tốt biến động, tập trung công tác dự báo, đánh giá dư địa, động lực tăng trưởng.
Về tài chính, đầu tư, cần duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh, cân đối các nguồn lực, kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc và bảo đảm tiến độ, hiệu quả các dự án trọng điểm ngành năng lượng, dầu khí, đặc biệt là chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn, dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 (hoàn thành vào cuối năm 2024, đầu năm 2025), nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, khí điện đạm Cà Mau…
Phối hợp các đối tác nước ngoài tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, khởi động lại dự án nhiệt điện Long Phú 1; nghiên cứu các dự án mới để tạo ra các sản phẩm mới, nâng cao chuỗi giá trị dầu khí.
Thúy Hà