Theo đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp mới đây có kết luận kiểm tra đối với Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) của Ngân hàng Nhà nước, trong đó khẳng định có nội dung trái pháp luật.
Cụ thể, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, tại điểm c khoản 6 Điều 1 Thông tư 06, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu tổ chức tín dụng “phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm”.
Tuy nhiên, pháp luật về biện pháp bảo đảm quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021 của Chính phủ chỉ quy định việc gửi tiền vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp ký quỹ, không có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay như Thông tư 06.
Hơn nữa, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 101/2012 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt nêu rõ, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong 3 trường hợp: Khi không có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền; khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền; khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Cục Kiểm tra văn bản khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, Nghị định 101/2012.
Quy định đó cũng hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự giữa các bên liên quan. Từ đó, cơ quan này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xử lý các nội dung trái luật trên và rà soát quá trình thực hiện Thông tư số 06 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra.
Bình luận về nội dung này, Luật sư Lê Trung Phát – Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát cho biết, kể từ khi bị phát hiện là có nội dung trái pháp luật và bị kiến nghị, theo quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2020 thì Ngân hàng Nhà nước phải ngay lập tức rà soát và ban hành lại một văn bản pháp luật (dưới dạng thông tư) nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ những nội dung đang trái với quy định của pháp luật của Thông tư 06, theo những nội dung mà Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp đã chỉ ra khi rà soát.
“Phần nội dung nào của Thông tư 06 không bị vi phạm, vẫn sẽ tiếp tục có hiệu lực thi hành. Điều này cũng sẽ được thể hiện rõ trong văn bản tiếp theo mà Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành, như đã phân tích ở trên”, luật sư Phát chia sẻ.
Cũng trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện này, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho biết, với kết luận của Bộ Tư pháp thì việc Ngân hàng Nhà nước phải sửa điều khoản trên là bắt buộc. “Trước đó Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương sửa đổi, vì trước đây đã phải ngưng hiệu lực thi hành các điểm 8, 9, 10 khoản 2, Điều 1 rồi, giờ thêm ý kiến của Bộ Tư pháp thì cần sửa càng nhanh càng tốt”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Đưa ra quan điểm về hướng sửa đổi Thông tư này, vị luật sư cho rằng có 2 hướng để sửa. “Một là sửa cho rõ ràng, chính xác câu từ để đúng luật và không bị hiểu sai. Hai là bỏ đi, vì thực chất đó chỉ là một quy định “nhắc bài” để lưu ý ngân hàng tránh rủi ro. Thực tế là dù có quy định về việc “phong tỏa” như trên hay không, thì các tổ chức tín dụng vẫn phải làm đúng luật và đúng với yêu cầu quản lý rủi ro, kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay như vậy thôi, vì đó là trách nhiệm, là sự an toàn của họ”, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản cho rằng, hiện tình trạng “ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp đói vốn” là một trong những nghịch lý lớn nhất.
Mặc dù Chính phủ và Thủ tướng luôn ráo riết thúc giục các bộ, ngành chung tay tháo gỡ khó khăn, loại bỏ các quy định “trói chân” doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp. “Chưa bao giờ tôi thấy Chính Phủ, Thủ tướng quan tâm đến bất động sản đến vậy. Liên tiếp các công điện của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp bất động sản từ giữa năm 2023 đến nay”, ông Đính nói.
Theo ông Đính, sau 3 năm dịch bệnh và thời gian dài bị hạn chế tín dụng, trái phiếu, cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn hơn lúc nào hết, rất nhiều đơnvị thậm chí đang đứng bên bờ vực.
Thế nhưng, ông Đính cho rằng, ngân hàng càng tháo gỡ lại càng gây khó cho doanh nghiệp. Theo quy định tại Thông tư 06, khách hàng vay tiền để góp vốn mà ngân hàng phải phong tỏa nguồn tiền này thì quy định này hoàn toàn chỉ có lợi cho ngân hàng (vì nguồn tiền vẫn nằm tại ngân hàng). Trong khi đó người nhận tiền thanh toán, ở đây là chủ đầu tư, lại không được sử dụng số tiền này.
“Nếu quy định phong tỏa tiền vay cho hoạt động thanh toán vì sợ bên nhận thanh toán sử dụng sai mục đích, thiếu trách nhiệm hay lừa đảo thì không hợp lý. Việc sử dụng tiền có hiệu quả là trách nhiệm của bên nhận vốn góp, hay chủ đầu tư”, ông Đính nói và cho rằng doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm cần tái cấu trúc lại chính mình để chủ động giải quyết các khó khăn.
Link nội dung: https://pld.net.vn/can-som-sua-thong-tu-06-de-ho-tro-doanh-nghiep-duoc-nhieu-hon-a15665.html