Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 Chương và 260 Điều. So với Dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 6, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã bỏ 5 Điều, hoàn thiện, chỉnh lý, sửa đổi 250 Điều.
Đáng nói, bên cạnh những quy định được cho đã hoàn thiện, quy định về Quỹ phát triển đất vẫn còn đó những ý kiến trái chiều. Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự án Luật) mới đây tiếp tục trình 2 phương án tại Dự thảo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp giữa 2 đợt họp của Kỳ họp thứ 6.
Cụ thể, Phương án 1 – bỏ điều quy định về Quỹ phát triển đất, nghiên cứu theo hướng ghép chức năng, nhiệm vụ của Quỹ vào Tổ chức phát triển quỹ đất.
Phương án 2 – giữ lại điều về Quỹ phát triển đất, như ý kiến của Chính phủ đề xuất tại Báo cáo số 598/BC-CP.
Theo lập luận của cơ quan thẩm tra Dự án Luật, Quỹ phát triển đất chỉ là một đơn vị trung gian của Tổ chức Phát triển quỹ đất, được giao nhiệm vụ tiếp nhận nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, tạo lập quỹ đất. Trong khi đó, Dự thảo Luật Đất đai đang quy định đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách, vì vậy không thống nhất với một số quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và Nghị quyết 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, tại Dự thảo Báo cáo ngày 28/12/2023, Chính phủ vẫn kiên trì quan điểm cần giữ lại quy định về Quỹ phát triển đất.
Theo Chính phủ, Quỹ phát triển đất không phải là một chính sách mới, mà đã được quy định từ Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, Quỹ phát triển đất có chức năng nhận vốn từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và huy động các nguồn khác theo quy định để ứng vốn và chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thực tế thời gian qua, Quỹ phát triển đất là nguồn tài chính quan trọng để Nhà nước chủ động thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, xây dựng các khu tái định cư, phát triển quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo việc tiếp cận đất đai kịp thời, minh bạch, khách quan, hạn chế tiêu cực và tăng thu ngân sách.
Đồng thời cho rằng, nếu bỏ Quỹ phát triển đất, các dự án đầu tư phát triển quỹ đất do Tổ chức phát triển quỹ đất đề xuất phải chờ bố trí vốn theo kế hoạch bố trí vốn của pháp luật về đầu tư công, sẽ dẫn đến thiếu linh hoạt, chủ động trong việc tạo quỹ đất, xây dựng các khu tái định cư, các dự án sẽ phải kéo dài trong khâu giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công, không khả thi trong việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Như vậy là chưa thể chế đầy đủ quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, “hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.
Mặt khác, việc tiếp tục quy định về Quỹ phát triển đất nhằm đảm bảo kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã dành một điều quy định về Quỹ phát triển đất (Điều 111) đã ổn định và phát huy tác dụng, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (đã có 3 điều đề cập Quỹ phát triển đất, gồm các điều: 63, 113 và 115).
Xoay quanh nội dung này, đồng quan điểm với Chính phủ, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần thiết phải giữ quy định về Quỹ phát triển đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo ông Trần Văn Khải – Trưởng ban Quản lý Dự án thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, có tốc độ đô thị hóa nhanh thì Quỹ phát triển đất có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo lập quỹ đất sạch, phục vụ đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế – xã hội. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Quỹ phát triển đất là tổ chức tài chính Nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh, có nhiệm vụ tiếp nhận nguồn vốn ngân sách Nhà nước phân bổ và từ các nguồn vốn khác.
Thực hiện ứng vốn và thu hồi vốn đã ứng cho Tổ chức Phát triển quỹ đất và các tổ chức khác để thực hiện việc bồi thường GPMB, tạo quỹ đất sạch nhằm thực hiện những dự án đầu tư theo quy hoạch. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là tiếp nhận nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Thông qua Quỹ sẽ tạo lập và phát triển quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương. Vì vậy, cần phải tiếp tục duy trì mô hình hoạt động của Quỹ phát triển đất.
Còn theo đại biểu Hà Sỹ Đồng – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên giữ quy định về Quỹ phát triển đất như phương án Chính phủ đề xuất. Trên thực tế, Quỹ phát triển đất đang hoạt động theo Quyết định số 40/2010/QĐ/TTg ngày 12/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, có vai trò tích cực trong tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…
Được biết, dự kiến tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 tới đây (khai mạc ngày 15/01 và bế mạc ngày 18/01), Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ là một trong hai Dự án Luật được Quốc hội xem xét thông qua nếu đủ điều kiện.
Link nội dung: https://pld.net.vn/sua-luat-dat-dai-can-thiet-giu-quy-dinh-ve-quy-phat-trien-dat-a15703.html