Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã từng đưa ra một con số ước lượng, đó là có khoảng 500 tấn vàng còn nằm ở trong dân. Cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có số liệu chính thức về lượng vàng trong dân là bao nhiêu. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, giá vàng trong nước luôn ở mức cao hơn giá thế giới trên 10 triệu đồng/lượng, có thời điểm mức chênh lệch lên đến 20 triệu đồng/lượng, nguyên nhân chính là do vàng trong nước không liên thông với vàng thế giới. Bên cạnh đó, nguồn cung vàng trên thị trường không có cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng này.
Trong bối cảnh đó, lập sàn giao dịch vàng quốc gia là một giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu những rủi ro của thị trường vàng cũng như thiết lập lại một trật tự cho thị trường thông suốt, phát triển lành mạnh.
Trên thực tế, việc đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia không phải là mới. Cách đây vài năm, VGTA đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) có đề cập đến vấn đề này.
Điểm cơ bản và quan trọng nhất của sàn giao dịch vàng là tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước và quốc tế để đảm bảo không có chênh lệch lớn về giá, cũng như thị trường có tính thanh khoản cao, đẩy lùi hoạt động xuất nhập khẩu vàng lậu diễn ra phức tạp.
Theo nhận định của giới chuyên gia, sàn giao dịch vàng không chỉ góp phần giảm thiểu giao dịch vàng vật chất, huy động được nguồn vàng trong dân, mà còn tăng dự trữ vàng quốc gia, tăng thu thuế cho Nhà nước và quan trọng là sẽ loại bỏ những sàn vàng chui hoạt động bất hợp pháp.
Về vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, khi có sàn giao dịch vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Về tiện lợi là không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không,… vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế và vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.
Như vậy, khi trong giai đoạn nhiều người cần vàng, nhưng vàng nằm trên thị trường, thì lưu thông mua bán được, không phải ngay lập tức mua vàng thế giới về đúc thành miếng rồi bán, vẫn có vàng để bán trên thị trường. Công cụ để điều hòa về mặt cung vàng rất rộng rãi. Đặc biệt, khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp cả các công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng bán cho tương lai, không phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường, khi đó sẽ bảo đảm phản ứng rất kịp thời.
Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, một điểm quan trọng nữa, rất cần liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới. “Nếu chúng ta có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông sẽ rất dễ, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới”, ông Cường chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, GS.TS Trần Thọ Đạt cũng cho rằng, con số ước tính về lượng vàng dự trữ trong dân hiện nay khoảng 400-500 tấn, đây là số liệu ước chừng nhưng rõ ràng là một con số rất lớn. Lượng vàng này nếu có thể huy động thành nguồn lực tài chính trong sự phát triển kinh tế – xã hội thì rất tốt.
Nhưng để huy động được nguồn lực này và xây dựng được thị trường vàng trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với thị trường vàng mà chúng ta đề xuất là sở giao dịch vàng.
Vị chuyên gia khuyến nghị, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của các nước để cho phép Sở Giao dịch hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua các loại hợp đồng, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới nhưng đồng thời các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ và được phép xuất nhập khẩu vàng căn cứ vào các điều kiện hợp đồng… do sở giao dịch đó ban hành.
“Bên cạnh đó, cần thành lập quỹ tín thác vàng như công cụ tài chính quốc tế, và chứng chỉ quỹ này cũng có thể mua trên sở giao dịch để khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng” – ông Đạt đề xuất.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, việc thành lập sàn kinh doanh vàng cũng cần thiết, nhưng không phải mục tiêu chính.
“Vấn đề là chúng ta phải chấn chỉnh lại hoạt động của thị trường vàng, như một phần của hoạt động tài chính tiền tệ. Từ đó, làm sao cho việc quản lý vàng vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nhà nước, là tránh vàng hóa nền kinh tế, tránh đưa vàng vào một loạt tiền tệ trong thị trường; đồng thời đảm bảo yêu cầu sản xuất, sử dụng vàng trong dân. Từ đó, tạo ra thông thoáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Đây là mục tiêu chúng ta cần hướng tới, thay vì chỉ đơn thuần lập sàn giao dịch vàng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Link nội dung: https://pld.net.vn/quan-ly-thi-truong-vang-co-nen-lap-san-giao-dich-a15809.html