Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc triển khai trình nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác, và thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Trước đó, ngày 26/2, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về hai nội dung này.
Sau khi nghe báo cáo, ý kiến các đơn vị tham gia, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội về đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác trước ngày 10/3.
Đồng thời, gửi hồ sơ trình đến Bộ Tư pháp thẩm định, trình đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội trình Chính phủ thông qua.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ trình đảm bảo đúng trình tự, thủ tục.
Nội dung đề án phải nêu rõ tình hình, thực trạng vướng mắc cần giải quyết; đề xuất nội dung thí điểm phải xác định rõ phạm vi, quy mô, đối tượng, tiêu chí và thời gian sơ kết, tổng kết đề án.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo trước ngày 7/3, UBND các tỉnh, thành phố gửi báo cáo thực trạng, đề xuất cụ thể về giải quyết vướng mắc liên quan đến việc thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.
Đối với Đề án thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đề xuất danh mục dự án có vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cần tách thành dự án độc lập.
Đồng thời hoàn thiện hồ sơ trình đảm bảo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung Đề án đề xuất thí điểm chỉ công bố chính sách với đối tượng thí điểm là các dự án đầu tư công nhóm B, C và giao các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn, đề xuất danh mục dự án đảm bảo kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường bày tỏ hoan nghênh “Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận Quyền sử dụng đất đối với đất khác”.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, việc sử dụng đất để làm dự án phát triển kinh tế, xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đã được hình thành trong hệ thống pháp luật đất đai từ Luật Đất đai năm 1993 và tiếp tục duy trì cho đến nay.
Cơ chế này tồn tại song song cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua không cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với hai trường hợp “đất ở và đất khác” hoặc “đất khác không phải là đất ở” để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Do vậy, việc xây dựng đề án đã cụ thể hóa tinh thần nghị quyết 18, trong đó xác định nhiệm vụ tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Vấn đề mấu chốt là phải phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro gây thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai và không để xảy ra tình trạng nhà đầu tư chiếm hưởng không chính đáng chênh lệch khi "thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại" nên tại Điều 13 Luật Đất đai 2024 đã quy định "quyền của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai", trong đó Nhà nước có quyền quyết định chính sách tài chính về đất đai; điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
Diệu Trang
Link nội dung: https://pld.net.vn/khan-truong-trinh-de-an-cho-nhan-dat-khac-lam-du-an-nha-thuong-mai-a15928.html