Doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối năm 2023, cả nước còn 676 doanh nghiệp Nhà nước, gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Các doanh nghiệp Nhà nước hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực có vai trò, vị trí quan trọng của nền kinh tế.
Về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023, khu vực doanh nghiệp Nhà nước cơ bản hoàn thành vượt kế hoạch đề ra: Tổng doanh thu đạt 1.652.442 tỷ đồng, tổng lãi phát sinh trước thuế là 125.847 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch được phê duyệt; nộp ngân sách Nhà nước 166.218 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhà nước có nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước năm 2023 là 60.275 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch.
Doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước.
Trong giai đoạn 2021-2023, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước duy trì nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước; thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Trong năm 2023, các doanh nghiệp Nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư để nâng cao năng lực, quy mô sản xuất kinh doanh, tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Một số dự án trọng điểm của doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); dự án mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC),… Các dự án cơ bản được khẩn trương thực hiện bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những hạn chế cơ bản của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Đơn cử, kết quả hoạt động chưa tương xứng với tiềm lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, một số doanh nghiệp còn thua lỗ,...
Bên cạnh đó, công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp trong điều hành sản xuất kinh doanh còn chậm, chưa thật sự hướng theo các nguyên tắc và thông lệ tốt, phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại; chi phí sản xuất kinh doanh còn lớn…
Tăng lương để tuyển dụng người tài
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vị trí, vai trò và sứ mệnh của doanh nghiệp Nhà nước được xác định là rất lớn và đầy thách thức nhưng quyền hạn, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp nói chung và người lao động nói riêng chưa tương xứng.
Cơ chế hiện hành chưa trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh; lãnh đạo quản lý doanh nghiệp Nhà nước chưa được khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nỗ lực phát huy tối đa năng lực của mình cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Hệ thống pháp luật về doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều bất cập; quy trình thủ tục báo cáo, phê duyệt quá nhiều tầng nấc, chưa được phân cấp triệt để; các doanh nghiệp Nhà nước phải xin ý kiến, xin chấp thuận và phê duyệt của nhiều cơ quan quản lý trong việc quyết định các vấn đề quản trị kinh doanh của doanh nghiệp.
Sự chậm trễ trong việc ra quyết định làm mất cơ hội, giảm hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty có căn cứ pháp lý để thực hiện quyền tự chủ, tự quyết trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh năm 2024.
Dự thảo nghị định đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện, trình Chính phủ với nhiều nội dung đẩy mạnh phân cấp quyền của đại diện chủ sở hữu cho Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty và cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Đáng lưu ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ có cơ chế tiền lương và lợi ích tương xứng cho đội ngũ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp. Theo đó, cần rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về lương, thưởng của người quản lý và người lao động tại doanh nghiệp Nhà nước; lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ quản lý doanh nghiệp Nhà nước có trình độ, kinh nghiệm quản lý giỏi.
Từ góc nhìn chuyên gia, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, điểm nghẽn cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước là đổi mới cơ chế, chính sách để khu vực doanh nghiệp này hoạt động theo cơ chế thị trường, có quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vận hành theo đúng nghĩa là một doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp đồng bộ về chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp để có thể giữ chân và tuyển dụng người có trình độ vào làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước.
Link nội dung: https://pld.net.vn/tang-quyen-tu-chu-de-doanh-nghiep-nha-nuoc-hoat-dong-hieu-qua-hon-a16017.html