Công viên cây xanh tạo nên nhiều điểm nhấn thẩm mỹ - xanh - sinh thái
Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều dự án nâng cấp, cải tạo vườn hoa, công viên trong khu vực nội đô. Những dự án này nằm trong Chương trình 03/CT-TU của Thành ủy Hà Nội, đối với hạng mục cải tạo công viên, vườn hoa trên địa bàn trong giai đoạn 2021-2025 để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Trong năm 2023, thành phố đã hoàn thành 6 công viên, 9 vườn hoa, trong số này có những công viên lớn, có mức đầu tư cao. Trong bối cảnh Hà Nội là một trong các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, với nhiều khu nhà cao tầng có diện tích và mật độ xây dựng lớn, việc gia tăng các công viên cây xanh góp phần tạo nên nhiều điểm nhấn thẩm mỹ - xanh - sinh thái cho khu vực nội đô.
Đồng thời, nâng cao tiện ích sống cho người dân đô thị, tiệm cận đến các giá trị sống xanh và sinh thái, cũng như cung cấp thêm các không gian thiết yếu cho nhu cầu giao lưu sinh hoạt cộng đồng, nghỉ ngơi thư giãn, luyện tập thể thao của người dân.
Để các công trình công viên, vường hoa phát huy đúng công năng, nâng cao chất lượng sống của người dân và góp thêm giá trị cho không gian đô thị, các chuyên gia cho rằng việc cải tạo các vườn hoa, công viên là rất cần thiết, tuy nhiên khi cải tạo cần phải chú trọng vào những vấn đề như tăng cường thiết kế nhiều mảng xanh cho vườn hoa, công viên. Bên cạnh đó, cần đồng bộ các tiêu chí trong công tác cải tạo, nâng cấp công viên trên địa bàn.
Cần tăng cường thiết kế nhiều mảng xanh
TS. KTS Ngô Doãn Đức, Khoa kiến trúc Trường đại học Nguyễn Trãi cho biết, đa số vườn hoa và công viên ở Hà Nội đã có tuổi đời rất lâu, dẫn đến tình trạng xuống cấp, không được chăm sóc, không được phát huy tác dụng một cách tích cực. Do đó, việc chỉnh trang là rất tốt, chủ trương này nên duy trì lâu dài và liên tục để chúng ta có những không gian cho chính những cư dân Hà Nội, không phải đi đâu xa mà có những không gian nghỉ ngơi, thư giãn ngay trong lòng Hà Nội.
Tuy nhiên, theo TS. KTS Ngô Doãn Đức, việc chỉnh trang cải tạo đang gặp phải một vấn đề. Đó là khi sửa chữa, việc phủ lên một khối lượng bê tông lớn, làm cho vườn hoa, công viên mất đi những mảng xanh.
Bên cạnh đó, bê tông hóa làm cho khả năng thấm hút nước của đất giảm đi đáng kể, vào mùa hè những mảng bê tông này hấp thu nhiệt độ, tỏa ra nhiều hơi nóng. Hơn thế nữa việc bê tông hóa sẽ làm cho mất đi cảnh quan tự nhiên vốn có của vườn hoa, công viên mà đây vốn là yếu tố được nhiều người dân quan tâm đến.
TS. KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, không nên chỉ vì những lợi ích trước mắt như dễ vệ sinh, quét dọn, hay lối đi cho người dân được mở rộng mà chúng ta sa đà vào việc phủ bê tông lên bề mặt đất.
Đối với vườn hoa, công viên nên để diện tích bề mặt đất cho tự nhiên, chỉ những nơi dùng để tụ họp, điểm dừng chân thì mới cần phủ bê tông. Nên hạn chế việc bê tông hóa nhiều nhất có thể. Khi thiết kế đường đi hay điểm dừng nghỉ có thể thiết kế các khe đất đan xen với bề mặt bê tông, gạch lát để tạo điều kiện cho cây cỏ phát triển, góp phần tăng thêm mảng xanh cho công viên.
Đặc biệt, nên tăng cường thiết kế màu xanh cho những công viên đã bị chúng ta bê tông hoá. Cần tính toán kỹ, vị trí nào cần thiết thì giữ lại, phần nào không cần thiết có thể phá dỡ để trồng lại cây, hay phủ xanh các mảng cỏ.
Cần đồng bộ 7 tiêu chí trong cải tạo, sửa chữa công viên, vườn hoa
Đồng quan điểm với TS. KTS Ngô Doãn Đức, KTS. Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc nâng cấp, cải tạo và xây mới các công viên, vườn hoa cần đồng bộ hệ thống các không gian công cộng nói chung, đặc biệt là các công viên, vườn hoa trong khu vực nội đô Hà Nội là rất cần thiết. Tuy nhiên, do đặc thù đa dạng về vị trí phân bố, loại hình, chức năng sử dụng nên để hoàn thành kế hoạch nâng cấp, cải tạo, xây mới đồng bộ hệ thống các công viên, vườn hoa đòi hỏi sự quyết tâm của chính quyền và người dân Thủ đô, cũng như một cách tiếp cận bài bản và khoa học.
KTS. Phạm Hoàng Phương cho rằng, việc cải tạo công viên, vườn hoa của Hà Nội phải tuân thủ theo đúng quy hoạch như Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các quy hoạch phân khu cấp dưới đã được phê duyệt gần đây cũng như các quy hoạch định hướng tiếp theo.
Bên canh đó, việc nâng cấp, cải tạo, xây mới các vườn hoa, công viên phải bảo đảm theo đúng số lượng và tiến độ đã đề ra, hạn chế tình trạng "quy hoạch treo" như một số trường hợp thời gian qua. Đặc biệt, cần bảo đảm cách tiếp cận theo các tiêu chí và đồng bộ các tiêu chí.
Theo KTS. Phạm Hoàng Phương, cần đồng bộ 7 tiêu chí. Thứ nhất là hài hòa với không gian tổng thể chung và có sự kết nối vững chắc với văn hóa bản địa trên cơ sở phù hợp đa dạng với nhiều hình thức hoạt động văn hóa cộng đồng, đặc biệt như lễ hội truyền thống.
Thứ hai là có bản sắc và tính nhận diện riêng để tạo dựng tính điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị kiến trúc/văn hóa đặc trưng cũng như tiếp thu tinh hoa văn hóa kiến trúc của thế giới.
Thứ ba là có tính thẩm mỹ và hướng đến các giá trị xanh, sinh thái trên cơ sở nghiên cứu tổ chức tốt hệ thống cây xanh bóng mát và trang trí, sử dụng đa dạng nhiều hình thức trang trí như tranh hoành tráng, phù điêu, tượng điêu khắc, trang trí ánh sáng ngoài trời, sử dụng các vật liệu bản địa, thân thiện môi trường.
Thứ tư là có công năng sử dụng đa dạng, tối ưu sử dụng quỹ đất nội đô cho cùng lúc nhiều giá trị sử dụng khác nhau như: Sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi thư giãn, luyện tập thể thao, dịch vụ (nếu có)… Ưu tiên khuyến khích tận dụng bố trí sử dụng bổ sung các không gian ngầm cho các chức năng phụ trợ.
Thứ năm là bảo đảm tính tiện nghi như bố trí đầy đủ hạ tầng thiết yếu: Bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng, thiết bị đô thị…
Thứ sáu là bảo đảm sự tự do tiếp cận của người dân.
Thứ bảy là bảo đảm an toàn cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người khuyết tật, người già, trẻ em… như bố trí đủ đường dốc cho xe lăn tại các vị trí tiếp cận, hạn chế các hố sâu, hồ nước không có rào chắn, gờ sắc nhọn, các cây trồng gây dị ứng, bố trí đủ hệ thống cảnh báo và giám sát an ninh như camera, nhà bảo vệ tại các vị trí thiết yếu…
Quyết tâm làm "sống lại" các công viên, vườn hoa
Với nỗ lực phải làm "sống lại" các công viên, thành phố Hà Nội đang tiếp tục tập trung nguồn lực, đa dạng các nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các công viên, vườn hoa để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ người dân.
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 63 công viên, vườn hoa. Sau khi rà soát, thành phố đặt kế hoạch giai đoạn 2021-2025 cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 45 công viên, vườn hoa để duy trì ổn định cảnh quan, phục vụ người dân, trong đó quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm, mỗi quận có 10 công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp; tiếp đến là các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa...
Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhìn chung tiến độ cải tạo, nâng cấp vườn hoa, công viên chậm, ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân. Đến nay, Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm) đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp. Vườn hoa Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã hoàn thành cải tạo 3/5 điểm thuộc phường Ngũ Xã phục vụ phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã. Năm 2023, các quận sẽ tiếp tục cải tạo các công viên, vườn hoa: Cổ Tân, Bác Cổ, 19/8, Tao Đàn (quận Hoàn Kiếm); Pasteur, Vườn hoa hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); Lý Tự Trọng (quận Tây Hồ); Ngọc Lâm (quận Long Biên); Công viên Bắc Linh Đàm, Đền Lừ (quận Hoàng Mai)...
Đối với ba công viên thuộc quản lý của thành phố gồm Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo sẽ được cải tạo, nâng cấp tổng thể trong giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng đang phối hợp các sở, ngành xác định tài sản phục vụ công cộng và tài sản thành phố giao cho các doanh nghiệp quản lý khai thác. Trên cơ sở đó, Sở đề xuất thành phố triển khai dự án cải tạo, nâng cấp cũng như đặt hàng, đấu thầu duy tu, duy trì theo quy định.
Bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp các công viên hiện có, thành phố đang thúc tiến độ các dự án đang trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện thủ tục đầu tư gồm: Công viên Chu Văn An (huyện Thanh Trì); Công viên CV1 (quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm); Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội (quận Cầu Giấy); Công viên văn hóa Kim Quy (huyện Đông Anh); Công viên hồ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) và Công viên Văn hóa-Vui chơi giải trí, Thể thao quận Hà Đông.
Theo Phó Chủ tịch UNBD thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên, vườn hoa để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở, phù hợp với hiện trạng và khu vực liền kề. Các công viên, vườn hoa sẽ được xây dựng theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, giảm chi phí đầu tư và chi phí duy tu, duy trì và thực hiện bằng đầu tư công.
Thành phố giao Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công viên xây mới, hoàn thành các dự án đúng kế hoạch; đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư dự án phát triển khu đô thị sớm hoàn thành, bàn giao các công viên, vườn hoa để phục vụ người dân.
Đáng chú ý, để khuyến khích xã hội hóa, giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý công viên cây xanh, thành phố Hà Nội khuyến khích đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Trong trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành việc đầu tư theo cam kết đầu tư, thành phố sẽ thực hiện thu hồi giấy phép để kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện hoặc chuyển sang hình thức đầu tư công.
Thuỳ Chi
Link nội dung: https://pld.net.vn/can-dong-bo-cac-tieu-chi-trong-cong-tac-cai-tao-nang-cap-cong-vien-a16023.html