Theo đó, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2024, Ngân hàng nhà nước đã thực hiện bơm ròng thông qua kênh thị trường mở khoảng 6.037 tỷ đồng trong 2 phiên của ngày 20/2 là 5.091 tỷ đồng và 21/2 là 946 tỷ đồng. Tuy nhiên, NHNN hút ròng trở lại 5.091 tỷ đồng vào ngày 27/2/2024.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng cũng bắt đầu tăng mạnh kể từ thời điểm giáp Tết nguyên đán và kéo dài sau Tết. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn O/N tăng từ 0,97% vào ngày 31/1/2024 lên 4,14% vào ngày 21/2/2024, tăng 3,17 điểm phần trăm. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ cuối tháng 5/2023.
Lãi suất qua đêm đang cao hơn so với kỳ hạn 3 tháng trở xuống cho thấy thanh khoản trong ngắn hạn đang có sự căng thẳng tạm thời. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn O/N giảm nhẹ xuống còn 3,85% vào ngày 22/2.
Một điểm đáng lưu ý nữa là tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức âm 0,6% trong tháng 1/2024, đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng tín dụng quá nhanh ở những tháng cuối năm 2023, cầu tín dụng thấp do đầu tư và sản xuất kinh doanh chưa phục hồi mạnh mẽ.
TPS kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ sớm được phục hồi trong thời gian tới do có nhiều yếu tố hỗ trợ như: (1) Bối cảnh vĩ mô khá tích cực, khả năng suy thoái Hoa Kỳ thấp sẽ góp phần cải thiện xuất khẩu của Việt Nam, cầu về vốn của các doanh nghiệp sẽ tăng lên; (2) NHNN thay đổi cơ chế, và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho toàn hệ thống ngay từ đầu năm; (3) Nhiều NHTM đã hạ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong những ngày đầu năm, cụ thể, tính đến ngày 31/1/2024, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các NHTM giảm lần lượt khoảng 0,15% và 0,25%.v
Trong bối cảnh tín dụng giảm, các ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất huy động làm cho mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm xuống. Điều này sẽ thúc đẩy dòng tiền gửi tiết kiệm dịch chuyển sang kênh đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao hơn.
Theo đó, thanh khoản và điểm số của thị trường chứng khoán đã cải thiện đáng kể ở những ngày sau Tết. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thấp cũng giúp các công ty chứng khoán tích cực tăng vốn để thúc đẩy cho vay ký quỹ (Margin). Điều này không chỉ giúp cải thiện thanh khoản mà số lượng tài khoản mở mới của các nhà đầu tư cũng tăng lên.
Theo số liệu của VSD, tính đến hết tháng 1/2024, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 7,35 triệu tài khoản, tăng 125.000 tài khoản so với thời điểm cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, tổng giá trị giao dịch 2 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 264,36 nghìn tỷ đồng, tăng 69%yoy. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh ghi nhận 237,56 nghìn tỷ VND, tăng gần 82%yoy.
Các chuyên gia phân tích của TPS cho biết đã sử dụng mô hình VAR để đánh giá tác động lẫn nhau giữa tỷ giá, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn O/N (chiếm gần 90% giá trị giao dịch liên ngân hàng) và chỉ số VNIndex. Qua đó, mô hình cũng cho kết quả dự báo của 3 chỉ tiêu này trong năm 2024. Từ kết quả dự báo mô hình VAR cho thấy, VnIndex được kỳ vọng sẽ đạt đỉnh 1.356 điểm trong năm 2024, tương ứng với mức tăng 19,8% so với đầu năm.
Khánh Chi
Link nội dung: https://pld.net.vn/cong-ty-chung-khoan-du-bao-vnindex-co-the-dat-1356-diem-trong-nam-2024-tang-198-so-voi-dau-nam-a16052.html