Thí điểm cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn chưa thật sự là động lực và nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Một nguyên nhân là, nhiều quy định trong lĩnh vực khoa học và công nghệ còn bất cập, chậm được tháo gỡ. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, cơ quan, liên quan rà soát, xây dựng các chính sách đặc thù nhằm đổi mới mạnh mẽ, thúc đẩy khoa học, công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

nghien-cuu-khoa-hoc-tai-vien-cong-nghe-nano-pld-1710077508.jpg
Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ Nano, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: XUÂN TRIỆU)

Vừa qua, Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thí điểm, thử nghiệm một số cơ chế, chính sách, các sản phẩm mới, dịch vụ mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2028.

Việc ký kết nhằm triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong các nội dung phối hợp công tác, đáng chú ý là thí điểm một số cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ, tháo gỡ một số điểm nghẽn trong công tác quản lý khoa học, công nghệ như: Xây dựng đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng và áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay chưa có quy định.

Ngoài ra, thí điểm cơ chế tài chính sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ… nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ.

Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ là vướng mắc lâu nay, do quy định hiện hành không phù hợp đặc thù của sản phẩm khoa học, công nghệ, có thể dẫn đến những rủi ro, tâm lý e ngại, sợ quy kết trách nhiệm trong công tác định giá tài sản. Liên quan đến thí điểm chính sách này tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Bộ đã phối hợp Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tham gia các đoàn giám sát tại các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp để tổng hợp, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thị trường khoa học và công nghệ, trong đó chỉ ra những vướng mắc trong các quy định của luật pháp hiện hành cản trở hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học.

Nhiều quy định chưa thể giải quyết được ngay do thời gian sửa đổi các luật rất lâu, do đó, rất cần áp dụng thử nghiệm chính sách này tại thành phố và ở một số viện nghiên cứu, trường đại học như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh... Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tổng kết, rút kinh nghiệm để đề xuất chính sách áp dụng chung trên toàn quốc. Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành có liên quan, viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai đề án.

Thí điểm chính sách hỗ trợ cho các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo xuất phát từ bất cập trong Đề án 844/QĐ-TTg về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, đó là không hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư tư nhân.

Từ thực tiễn đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo nghị định về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo để quy định các vấn đề về quản lý nhà nước, chính sách hỗ trợ đối với các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các đối tượng khác. Để chính sách đi vào thực tiễn, cần có môi trường thử nghiệm, do đó, trên cơ sở thí điểm một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổng kết để đưa vào các quy định tại dự thảo Nghị định nêu trên.

Ông Phạm Hồng Quất cũng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu để xây dựng chương trình quốc gia về ươm tạo và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ nghệ nhằm khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ và tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Các chính sách này được thử nghiệm tại thành phố sẽ giúp Bộ Khoa học và Công nghệ tổng kết được lý luận và thực tiễn để xây dựng Chương trình một cách hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội không chỉ là cơ hội cho Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn cho ngành khoa học và công nghệ trong việc thử nghiệm các chính sách, từ đó, sẽ đánh giá hiệu quả, tác động và báo cáo Chính phủ xem xét, cho phép nhân rộng mô hình ra cả nước.

Link nội dung: https://pld.net.vn/thi-diem-co-che-chinh-sach-khuyen-khich-doi-moi-sang-tao-a16138.html