Khi nào Ngân hàng Nhà nước ngừng phát hành tín phiếu?

Theo chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì phát hành tín phiếu cho đến khi chênh lệch lãi suất giảm, tỷ giá ngân hàng thương mại hạ nhiệt và lạm phát ổn định trở lại.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn thành đợt phát hành gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo hình thức bán hẳn và theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 6/18 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 15.000 tỷ đồng.

hoat-dong-bom-hut-tien-cua-nhnn-pld-1710514221.jpeg
Hoạt động bơm hút tiền của NHNN chỉ nằm trong tác động vào giá của chính sách tiền tệ, để nắn lãi suất thị trường liên ngân hàng hướng đến mục tiêu vĩ mô.

Mức lãi suất trúng thầu trong phiên ngày 11/3 là 1,4%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 2,13%/năm của lãi suất kỳ hạn 1 tháng trên thị trường liên ngân hàng, cho thấy thanh khoản hệ thống đang khá dư thừa.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital phân tích, chính sách tiền tệ có hai phần gồm giá là lãi suất và phần khối lượng. Thông thường một chu kỳ kinh tế kéo dài phải đo theo lượng cung tiền, còn việc điều chỉnh giá sẽ có hoạt động của ba thị trường gồm: thị trường dân cư, thị trường liên ngân hàng và thị trường giữa NHNN với các ngân hàng thương mại.

Trong đó, hoạt động bơm hút tiền của NHNN chỉ nằm trong tác động vào giá của chính sách tiền tệ, để nắn lãi suất thị trường liên ngân hàng hướng đến mục tiêu vĩ mô. Đối với đợt hút tín phiếu kỳ này, mục tiêu của NHNN chính là kiểm soát các rủi ro về tỷ giá có thể xảy ra.

“Nếu đứng từ góc nhìn của nhà điều hành, tôi cho rằng vấn đề chúng ta cần giữ là lạm phát – một trong những chỉ tiêu quan trọng vì nếu lạm phát tăng cao thì người dân sẽ không có xu hướng gửi tiền. Đồng thời phải kiểm soát tỷ giá đô – đồng do Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ xuất nhập khẩu rất cao”, ông Tuấn cho biết.

Khi so sánh hai thời điểm NHNN phát hành tín phiếu vào tháng 9, tháng 10/2023 và thời điểm tháng 3/2024, theo vị chuyên gia, ở thời điểm trước có các yếu tố quốc tế tác động rất mạnh bên cạnh việc thanh khoản ngân hàng thương mại dư thừa như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng lãi suất sẽ còn tăng một lần nữa trong năm 2023, dẫn đến chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đồng loạt tăng.

Thời điểm đó, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm lên tới 5%, khiến tỷ giá USD/VND căng thẳng. Sức ép tỷ giá là nguyên nhân chính cho đợt hút tiền mạnh mẽ kéo dài cả tháng và chỉ kết thúc vào tháng 12, khi biên bản họp FOMC cho rằng đây là lần cuối cùng tăng lãi suất của Fed.

Trong tháng 3 này, các dữ liệu đều phản ánh chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ các kỳ hạn đều sẽ sớm giảm, cho thấy chúng ta không gặp tác động nhiều bởi các yếu tố từ bên ngoài, nhưng lại đang gặp các vấn đề trong nước. Cụ thể là thanh khoản ngân hàng thương mại dư thừa; nhu cầu USD tăng do nhập khẩu tăng; và hiện tượng giá vàng, giá Bitcoin đồng loạt phi mã kéo theo nhu cầu USD trên thị trường tự do cũng lên cao.

“Điều quan trọng chúng ta phải xử lý lúc này là các vấn đề nội tại, khi tỷ giá USD tự do đã tăng thì tỷ giá USD của ngân hàng thương mại không được tăng theo. Động thái mới nhất này của NHNN đã thể hiện sự chủ động để chuẩn bị đón các thông tin quốc tế, đặc biệt vào ngày 20/3 tới đây sẽ diễn ra cuộc họp của FOMC.

Thêm một vấn đề đáng chú ý nữa là nếu giá vàng vẫn neo ở mức cao và chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới lớn thì sức ép cho tỷ giá chưa thể giảm. Từ đó, chúng ta cần phải theo dõi các yếu tố khiến tỷ giá căng thẳng để biết việc hút tiền thông qua tín phiếu này sẽ kéo dài bao lâu. Chúng tôi nhìn nhận, NHNN sẽ duy trì phát hành tín phiếu cho đến khi chênh lệch lãi suất giảm, tỷ giá ngân hàng thương mại hạ nhiệt và lạm phát ổn định trở lại”, ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.

Link nội dung: https://pld.net.vn/khi-nao-ngan-hang-nha-nuoc-ngung-phat-hanh-tin-phieu-a16227.html