Bộ Quốc phòng đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với các đối tượng đang hưởng lương, phụ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh.
Nâng mức hưởng từ 180.000 lên 350.000 đồng/người/ngày
Dự thảo Quyết định đề xuất nâng chế độ bồi dưỡng đối với lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh.
Cụ thể, mức hưởng chế độ bồi dưỡng đối với lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh là 350.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ.
Đề xuất nâng mức hưởng từ 180.000 đồng/người/ngày lên mức 350.000 đồng/người/ngày nhằm khắc phục những bất cập hiện hành và phù hợp với tình hình thực tiễn; kịp thời động viên, khích lệ quân nhân, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng; cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương, phụ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Dự thảo cũng quy định về chế độ, chính sách đối với đối tượng khi làm nhiệm vụ nếu bị thương, bị bệnh hoặc hy sinh được xem xét, công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, liệt sĩ theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công. Nội dung này kế thừa quy định, phù hợp với Quyết định số 122/2007/QĐ-TTg và phù hợp với quy định của pháp lệnh về ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Có sự bất cập, cần thiết phải điều chỉnh
Bộ Quốc phòng cho biết, ngày 27/7/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 122/2007/QĐ-TTg về một số chế độ đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật nổ; trong đó quy định quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng biên chế thuộc các đơn vị Công binh chuyên trách trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật nổ được hưởng nguyên lương theo ngạch bậc, cấp bậc, quân hàm và phụ cấp lương (nếu có); được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật; hưởng sinh hoạt phí mức 60.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ tại khu vực bãi bom, mìn, vật nổ (chế độ sinh hoạt phí không phải là phụ cấp lương).
Ngày 21/5/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 30/2013/QĐ-TTg sửa đổi khoản 2 Điều 1 Quyết định số 122/2007/QĐ-TTg; trong đó, nâng mức sinh hoạt phí từ 60.000 đồng/người/ngày lên mức 180.000 đồng/người/ngày.
Sau hơn 16 năm thực hiện Quyết định số 122/2007/QĐ-TTg đã kịp thời động viên, khuyến khích quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong Quân đội khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh; góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng đất đai bị ô nhiễm, giúp ổn định đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cơ sở.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 122/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 30/2013/QĐ-TTg đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc đó là: Tại thời điểm ban hành Quyết định số 122/2007/QĐ-TTg, đối tượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh được hưởng sinh hoạt phí (cách gọi khác là chế độ bồi dưỡng) mức 60.000 đồng/người/ngày.
Trường hợp lấy mức lương cơ sở để so sánh tương quan thì mức hưởng sinh hoạt phí bằng 13,33% mức lương cơ sở (tại thời điểm năm 2007, áp dụng mức 450.000 đồng theo Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung).
Ngày 21 tháng 5 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 30/2013/QĐ-TTg về sửa đổi khoản 2 Điều 1 Quyết định 122/2007/QĐ-TTg; theo đó, đối tượng trực tiếp tham gia rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh được hưởng sinh hoạt phí mức 180.000 đồng/người/ngày. Trường hợp lấy mức lương cơ sở để so sánh tương quan thì mức hưởng sinh hoạt phí bằng 17,14% mức lương cơ sở (tại thời điểm năm 2012, áp dụng mức 1.050.000 đồng theo Nghị định số 31/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu chung).
Từ năm 2013 đến nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã 06 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, từ mức 1.050.000 đồng lên mức 1.800.000 đồng (tăng 71,43%); giá cả thị trường đã có sự biến động nhưng chế độ sinh hoạt phí đối với lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật nổ không thay đổi, so sánh tương quan với mức lương cơ sở hiện nay còn thấp; từ đó, tác động đến tư tưởng, tâm lý, đời sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ.
Ngày 01/2/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2019/NĐ-CP về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh; trong đó, nguồn tài chính thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh gồm: (i) Nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn viện trợ, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi); (ii) Nguồn vốn các doanh nghiệp; (iii) Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Các chương trình, dự án, nhiệm vụ sử dụng vốn ngân sách nhà nước được quản lý toàn diện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan. Chi phí dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và theo thỏa thuận với nhà tài trợ nước ngoài; trong đó, chi phí bồi dưỡng đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi tham gia thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ thuộc chi phí nhân công trong hoạt động điều tra, khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh; mức hưởng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, mức hưởng hiện nay đang áp dụng theo Quyết định số 122/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 30/2013/QĐ-TTg đang có sự bất cập như đã nêu ở trên nên cần thiết phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.
Để đảm bảo khắc phục bất cập hiện hành; động viên lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng đề xuất xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với các đối tượng đang hưởng lương, phụ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh thay thế Quyết định số 122/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 30/2013/QĐ-TTg là cần thiết và phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 Nghị định số 18/2019/NĐ-CP.
Link nội dung: https://pld.net.vn/du-kien-nang-muc-boi-duong-voi-nguoi-ra-pha-bom-min-vat-no-sau-chien-tranh-a16404.html