Phát hiện hơn 1,6 triệu người sở hữu từ 4-9 SIM di động

Theo Cục Viễn thông, hiện có khoảng 1,62 triệu giấy tờ tương ứng khoảng 7,89 triệu SIM thuộc tập thuê bao 1 giấy tờ đang đăng ký từ 4-9 SIM/giấy tờ.

Hơn 1,6 triệu người sở hữu từ 4-9 SIM di động

Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, báo cáo của các doanh nghiệp ước tính, hiện có khoảng 1,62 triệu giấy tờ tương ứng khoảng 7,89 triệu SIM thuộc tập thuê bao 1 giấy tờ đang đăng ký từ 4-9 SIM/giấy tờ .

ong-nguyen-phong-nha-pld-1712676102.jpg
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, các doanh nghiệp viễn thông di động đã và đang triển khai các biện pháp thông báo đề nghị các thuê bao rà soát, xác minh, làm rõ các SIM mình đang sử dụng. Từ đó giúp xử lý các SIM có thông tin không đúng quy định.

Cũng theo Cục Viễn thông, SIM điện thoại với các ưu điểm (sự phổ cập, dễ tiếp cận, giá thành rẻ,…) là một trong số các công cụ (cùng với các hình thức khác như mạng xã hội, OTT,…) mà các đối tượng ở Việt Nam, cũng như trên thế giới, lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật (bao gồm thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, giả danh).

Tương tự như việc ngăn chặn, xử lý tội phạm trong không gian thực hiện nay, để ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi rác trên không gian mạng cần sự chủ động vào cuộc của cơ quan, tổ chức có liên quan và của chính người dân.

Trong đó, việc Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định (SIM rác), chuẩn hoá thông tin thuê bao là một trong các biện pháp nhằm ngăn chặn các phương thức đối tượng lừa đảo có thể sử dụng.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ chỉ đạo tăng cường triển khai việc sử dụng cuộc gọi định danh, tin nhắn định danh (Voice brandname); xử lý các website có dấu hiệu lừa đảo…

Ngoài các biện pháp nêu trên, từ 1/7/2024, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học sẽ góp phần hạn chế tối đa tình trạng lừa đảo trên không gian mạng.

6 triệu lượt tin nhắn đến tổng đài 1414

Nghị định 91/2020/NĐ-CP cũng đã quy định rõ các cuộc gọi quảng cáo phải sử dụng tên định danh. Vì vậy, các công ty chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… cần đăng ký,sử dụng dịch vụ cuộc gọi định danh (Voice Brandname) để thực hiện các cuộc gọi quảng cáo khi có nhu cầu, thay vì thuê các đối tượng sử dụng các dịch vụ quảng cáo qua điện thoại không đúng quy định.

Thông tin về giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tình trạng cuộc gọi/tin nhắn từ SIM rác đã kích hoạt sẵn, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngoài triển khai những biện pháp đồng bộ để hạn chế SIM rác, cơ quan quản lý còn phát triển công cụ mới giúp tra cứu xem mình đang sở hữu bao nhiêu SIM.

Theo đó, người dân có thể kiểm tra thông tin chuẩn hoá thuê bao bằng việc nhắn tin qua đầu số 1414. Chủ thuê bao sẽ phải cung cấp kèm theo số căn cước công dân. Việc kiểm tra thông tin thuê bao này hoàn toàn bảo mật nên người dân có thể yên tâm sử dụng.

Sau một thời gian triển khai, báo cáo của các nhà mạng cho thấy đã có 6 triệu lượt tin nhắn đến tổng đài 1414, kèm theo số giấy tờ để kiểm tra thông tin thuê bao. "Nhiều người khi kiểm tra thông tin thuê bao qua tin nhắn 1414 mới phát hiện mình có nhiều SIM đang hoạt động, nhưng không phải do mình sử dụng" - ông Nhã nói.

Nhờ việc kiểm tra thông tin thuê bao, đã có khoảng 1.200 khách hàng phản ánh tới các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để được giải đáp vì sao mình có nhiều SIM dù không đăng ký hay sử dụng. Các nhà mạng cũng đã hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục để khóa những SIM mà khách hàng không sở hữu, không đúng tên trên giấy tờ.

Ông Nhã cho biết thêm: "Đến nay, đã có khoảng 200 thuê bao không chính chủ đã bị khóa sau khi khách hàng phản ánh đến nhà mạng".

Ngoài ra, nhằm thực hiện lộ trình chuẩn hoá thông tin thuê bao, hạn chế SIM rác, các nhà mạng đã xây dựng quy trình chặt chẽ, rõ ràng để giúp người sử dụng tìm hiểu thông tin hay đề nghị loại bỏ thông tin của mình khỏi các giấy tờ không đúng. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của người sử dụng và tránh việc khóa nhầm các thuê bao chính chủ mà người dân đang sở hữu.

SIM thuê bao chỉ là một trong các phương thức các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác, để ngăn chặn tình trạng này một cách triệt để cần sự tham gia toàn xã hội, đặc biệt là của các tổ chức, doanh nghiệp đang kinh doanh, cung cấp dịch vụ.

Link nội dung: https://pld.net.vn/phat-hien-hon-16-trieu-nguoi-so-huu-tu-4-9-sim-di-dong-a16488.html