Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe.
Dự thảo nêu rõ, đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe bao gồm đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa, đào tạo để cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản và đào tạo để cấp chứng chỉ chuyên khoa sâu liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong lĩnh vực sức khỏe.
Công nhận trình độ đào tạo bác sĩ, dược sĩ và chuyên khoa
Theo dự thảo, sẽ công nhận trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam đối với các loại văn bằng sau:
1- Bằng bác sĩ, dược sĩ được cấp cho người học đã hoàn thành chương trình đào tạo đạt chuẩn chương trình đào tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2- Bằng chuyên khoa: Điều dưỡng chuyên khoa; hộ sinh chuyên khoa; kỹ thuật y chuyên khoa; dinh dưỡng lâm sàng chuyên khoa; tâm lý lâm sàng chuyên khoa; cấp cứu ngoại viện chuyên khoa.
Cũng theo dự thảo, sẽ công nhận trình độ tương đương bậc 8 theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam đối với văn bằng bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ chuyên khoa.
Học phí đào tạo chuyên sâu đặc thù
Theo dự thảo, học phí của đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa áp dụng mức thu học phí theo quy đinh của pháp luật đối với việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và các quy định sau đây:
Mức trần học phí đối với học viên các khóa đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa của các cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định bằng mức trần học phí đào tạo đại học quy định tại Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP nhân hệ số 1,5 đối với đào tạo điều dưỡng chuyên khoa, hộ sinh chuyên khoa, kỹ thuật y chuyên khoa, dinh dưỡng lâm sàng chuyên khoa, tâm lý lâm sàng chuyên khoa, cấp cứu ngoại viện chuyên khoa, nhân hệ số 2,5 đối với đào tạo bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ chuyên khoa của từng năm học theo các mức độ tự chủ. Mức học phí đào tạo hình thức vừa làm vừa học được xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế với mức thu không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng.
Cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đối với học viên các khóa đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí; thuyết minh lộ trình và tỷ lệ tăng học phí các năm tiếp theo, trong đó việc tăng học phí của năm sau phải bảo đảm không vượt quá 15% so với năm liền trước.
Dự thảo nêu rõ, học phí đối với người học các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 105 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 9/01/2023.
Học viên là người nước ngoài tham gia các khóa đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa nộp học phí theo mức thu do cơ sở đào tạo quy định hoặc theo hiệp định, thỏa thuận hợp tác với bên nước ngoài.
Cơ sở sử dụng nhân lực y tế căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị để quyết định chi trả hoặc hỗ trợ học phí đối với người được tuyển dụng và trúng tuyển vào học chương trình đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa.
Theo dự thảo, học phí đối với đào tạo để cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản và chứng chỉ chuyên khoa sâu do Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định mức thu trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo chi phí đào tạo thực tế của khóa học, bảo đảm tính công khai, minh bạch và giải trình với người học, xã hội.
Học bổng, thù lao, bồi dưỡng cho người học chuyên khoa
Dự thảo nêu rõ, học bổng cho người học chuyên khoa được cơ sở đào tạo cấp từ nguồn thu hợp pháp theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Học bổng đối với người học các ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 105 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 9/01/2023.
Người học chuyên khoa được cơ sở thực hành chi trả thù lao, bồi dưỡng từ các nguồn thu hợp pháp theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Hình thức đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu trong đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa
Dự thảo nêu rõ, hình thức đào tạo: Chính quy hoặc vừa làm vừa học.
Khối lượng học tập tối thiểu trong đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa được đề xuất như sau:
- Đào tạo bác sĩ chuyên khoa: Người đã có bằng bác sĩ, hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa, có khối lượng học tập tối thiểu 90 tín chỉ tương đương với ít nhất 03 năm học và đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra tương đương bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
- Đào tạo dược sĩ chuyên khoa: Người đã có bằng dược sĩ, hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa, có khối lượng học tập tối thiểu 90 tín chỉ tương đương với ít nhất 03 năm học và đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra tương đương bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Đào tạo điều dưỡng chuyên khoa, hộ sinh chuyên khoa, kỹ thuật y chuyên khoa, dinh dưỡng lâm sàng chuyên khoa, tâm lý lâm sàng chuyên khoa, cấp cứu ngoại viện chuyên khoa: Người đã có bằng cử nhân trình độ đại học của ngành học tương ứng, hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa, có khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ tương đương với ít nhất 02 năm học và đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Yêu cầu đối với chương trình đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa
Theo dự thảo, chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định và ban hành hoặc sử dụng chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo khác đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo hoặc đã được kiểm định còn hiệu lực khi được cơ sở đó đồng ý bằng văn bản và phải đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo chuyên khoa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trong thời gian học chương trình đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa, học viên hoàn thành thời gian, nội dung thực hành khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Nguyên tắc công nhận liên thông kết quả học tập đã tích luỹ trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa
Theo dự thảo, kết quả học tập của người học đã tích lũy trong chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành tương ứng với ngành trúng tuyển đào tạo chuyên khoa của người học được cơ sở đào tạo xét công nhận, chuyển đổi sang khối lượng học tập của các môn học, học phần, mô đun của chương trình đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa mà người học theo học.
Cơ sở đào tạo xét công nhận, chuyển đổi khối lượng học tập trên cơ sở đối sánh chuẩn đầu ra, nội dung và khối lượng học tập, cách thức và kết quả đánh giá môn học, học phần, mô đun trong chương trình đào tạo, hình thức tổ chức thực hiện chương trình và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, theo các cấp độ sau: 1- Công nhận, chuyển đổi theo từng môn học, học phần, mô đun; 2- Công nhận, chuyển đổi theo từng nhóm môn học, học phần, mô đun.
Dự thảo nêu rõ, một môn học, học phần, mô đun hoặc nhóm môn học, học phần, mô đun trong chương trình đào tạo được xem xét công nhận khi đảm bảo khối lượng học tập của môn học, học phần, mô đun hoặc nhóm môn học, học phần, mô đun trong chương trình đào tạo của người học đã tích lũy phải bằng hoặc lớn hơn so với khối lượng học tập của môn học, học phần, mô đun hoặc nhóm môn học, học phần, mô đun trong chương trình đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa.
Thủ trưởng cơ sở đào tạo xét công nhận liên thông kết quả học tập đã tích luỹ trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa.
Link nội dung: https://pld.net.vn/de-xuat-hinh-thuc-dao-tao-khoi-luong-hoc-tap-toi-thieu-trong-dao-tao-bac-si-duoc-si-chuyen-khoa-a16491.html