So sánh quy định về thay đổi trọng tài viên trong Luật trọng tài thương mại năm 2010 với luật mẫu của UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế

Căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì hiện nay Hội luật gia Việt Nam được cho là cơ quan được giao nhiệm vụ chính trong việc tiến hành các nghiên cứu, rà soát nhằm đưa ra những kiến nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Với mong muốn góp một phần sức lực vào sự thành công của dự án trên, bài viết này sẽ nghiên cứu quy định pháp luật trọng tài hiện hành cùng với Luật mẫu của Uỷ ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) về vấn đề thay đổi Trọng tài viên để nhằm chỉ ra những bất cập và đề xuất hướng hoàn thiện.

SO SÁNH QUY ĐỊNH VỀ THAY ĐỔI TRỌNG TÀI VIÊN TRONG LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI NĂM 2010 VỚI LUẬT MẪU CỦA UNCITRAL VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

COMPARING LAW ON COMMERCIAL ARBITRATION 2010 WITH UNCITRAL MODEL LAW ON INTERNATIONAL COMMERCIAL ARBITRATION ABOUT CHALLENGE OF AN ARBITRATOR

Nguyễn Minh Phú*

Tóm tắt: Căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì hiện nay Hội luật gia Việt Nam được cho là cơ quan được giao nhiệm vụ chính trong việc tiến hành các nghiên cứu, rà soát nhằm đưa ra những kiến nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Với mong muốn góp một phần sức lực vào sự thành công của dự án trên, bài viết này sẽ nghiên cứu quy định pháp luật trọng tài hiện hành cùng với Luật mẫu của Uỷ ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) về vấn đề thay đổi Trọng tài viên để nhằm chỉ ra những bất cập và đề xuất hướng hoàn thiện.

Từ khoá: thay đổi Trọng tài viên, Dự thảo Luật Trọng tài thương mại, luật so sánh

Abstract: Based on the plan No. 81/KH-UBTVQH15 dated 5/11/2021 of the Standing Committee of the National Assembly, Vietnam Lawyers Association has been in charge of conducting some research and surveys in order to set out proposals aiming to formulate Draft Law on Amending and Supplementing a number of Articles of Vietnam’s Law on Commercial Arbitration 2010. With a desire to contribute to the project, this article studied the current arbitration law of Vietnam as well as Model Law of the United Nations Commission on International Trade Law (UNCITRAL) about the challenge of an arbitrator in order to point out some shortcomings and petition for the implications.

Keywords: challenge of an arbitrator, Draft Law on Commercial Arbitration, comparative law

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, kể từ thời điểm Luật Trọng tài thương mại năm 2010 ra đời số vụ tranh chấp được giải quyết tại cơ quan tài phán tư đã tăng lên một cách đáng kể theo từng năm. Chẳng hạn, theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (Vietnam International Arbitration Center - VIAC) thì vào năm 2010 số vụ tranh chấp được thụ lý giải quyết là 63 vụ, tuy nhiên đến năm 2022 số lượng trên đã tăng lên 292 vụ[1]. Điều này đã cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ trong vai trò của cơ quan trọng tài tại Việt Nam. Xu hướng trên là phù hợp với chủ trương của Đảng về “Phát triển hoạt động dịch vụ pháp lý và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án” tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII[2]. Dẫu vậy, xuất phát từ một số khiếm khuyết trong quy định của pháp luật trọng tài mà sự phát triển mạnh mẽ của cơ quan tài phán tư đang dần bị hạn chế.

Một trong những khía cạnh cần hoàn thiện nhất trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có liên quan tới vấn đề thay đổi Trọng tài viên. Dựa trên quá trình nghiên cứu quy định, tác giả nhận thấy nguyên nhân chính dẫn đến những yếu kém chủ yếu xuất phát từ việc luật pháp nước ta không dự liệu trước được các sự kiện có thể phát sinh trên thực tế cũng như chưa kế thừa được các nguyên tắc cơ bản của pháp luật trọng tài quốc tế. Bằng việc trắc lọc những điểm tiến bộ có được từ Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế, tác giả mong muốn xây dựng một số giải pháp hữu ích nhằm hoàn thiện hơn quy định pháp luật hiện hành đối với nội dung này.

2. Tổng quan nghiên cứu

Chủ đề trọng tài thương mại trong những năm gần đây đang nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia pháp lý, do đó các công trình nghiên cứu về lĩnh vực trên cũng tương đối đa dạng. Đối với vấn đề thay đổi Trọng tài viên, có thể lấy “Giáo trình Pháp luật Trọng tài thương mại” do tác giả Đỗ Văn Đại chủ biên như một ví dụ điển hình cho những nghiên cứu tiêu biểu. Trong phạm vi tác phẩm này, các cơ sở pháp lý cơ bản về chế định thay đổi Trọng tài viên đã được phân tích một cách đầy đủ, giúp cung cấp nền tảng lý thuyết cho các nghiên cứu có cùng đề tài. Hay như trong bài viết “Một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và giải pháp hoàn thiện” tác giả Nguyễn Thanh Tùng đã chỉ ra ý nghĩa của việc xây dựng quy định về thay đổi Trọng tài viên, cũng như nêu lên bất cập về việc pháp luật trọng tài Việt Nam mặc dù có viện dẫn thuật ngữ “người thân thích” nhưng lại không đưa ra được cách giải thích rõ ràng và thống nhất. Về phần công trình nghiên cứu quốc tế, ta không thể không nhắc đến quyển “Bình luận Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế” (UNCITRAL Model Law on International Commercial Arbitration A Commentary) được thực hiện bởi nhóm tác giả Manuel Alejandro Gomez, Michael Polkinghorne, Shahla F. Ali, Ilias Bantekas và Pietro Ortolani. Nội dung cuốn sách này giúp cung cấp những luận giải về nguồn gốc ra đời của quy định về thay đổi Trọng tài viên trong Luật mẫu, đồng thời làm rõ những điểm còn chưa được minh thị rõ trong văn bản trên.

Có thể thấy, mặc dù hiện nay đã có một số công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề thay đổi Trọng tài viên cả trong phạm vi trong và ngoài nước, tuy nhiên các nghiên cứu này chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp các kiến thức lý luận cơ bản cũng như giải quyết được một phần nhỏ vấn đề. Vậy nên, cần thiết phải có một công trình nghiên cứu toàn diện giúp giải quyết triệt để những hạn chế hiện còn đang tồn đọng trong quy định Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về thay đổi Trọng tài viên. Trong phạm vi bài viết này, ngoài việc kế thừa những thành tựu có trong các công trình trước đó, tác giả sẽ tiến hành phân tích chuyên sâu hơn nội dung luật trọng tài hiện hành của Việt Nam về thay đổi Trọng tài viên, cũng như tiến hành so sánh một cách toàn diện quy định của văn bản trên với Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế để nhằm đưa ra các giải pháp mới giúp giải quyết hiệu quả và triệt để các bất cập. Đây là điểm mới của công trình này mà các tác phẩm trước đó chưa làm được, hứa hẹn sẽ đóng góp một cách tích cực vào công cuộc hoàn thiện hoá và hiện đại hoá pháp luật trọng tài hiện hành.

3. Quy định về thay đổi Trọng tài viên trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010

Nhận thức được từ sớm tầm quan trọng của các căn cứ thay đổi Trọng tài viên, ngay từ Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 luật pháp nước ta đã có ghi nhận cụ thể vấn đề trên. Theo đó, khoản 1 Điều 27 văn bản này quy định rằng một Trọng tài viên sẽ không được tham gia vào hoạt động tố tụng trọng tài nếu anh ta rơi vào một trong ba trường hợp sau: (i) Trọng tài viên là người thân thích của một bên hoặc đại diện của bên đó; (ii) Trọng tài viên có lợi ích trong vụ tranh chấp; hoặc (iii) Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan trong khi làm nhiệm vụ. Ta thấy, ba căn cứ được nhắc đến ở trên được xem là các tình huống làm vô hiệu tuyệt đối tư cách Trọng tài viên, bởi lẽ trong hoàn cảnh này các bên không có quyền thoả thuận việc cho phép Trọng tài viên có phát sinh căn cứ được phép tham gia xét xử.

Với mục đích hoàn thiện hơn quy định pháp luật trọng tài trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, năm 2010 Quốc hội đã cho ban hành Luật Trọng tài thương mại chính thức thay thế cho những quy định trước đó trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Về phần những căn cứ thay đổi Trọng tài viên, quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng đã có bổ sung thêm một trường hợp so với văn bản cũ[3]. Cụ thể, đó là trường hợp “[đ]ã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản”[4]. Khác với ba căn cứ được đề cập phía trên, trường hợp mới trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010 được xác định là căn cứ làm vô hiệu tư cách Trọng tài viên một cách tương đối. Do nếu một Trọng tài viên rơi vào tình huống trên, các bên tham gia vẫn sẽ có quyền thoả thuận việc cho phép Trọng tài viên này được tham gia vào quá trình xét xử. Cũng theo như quy định trên thì việc thay đổi Trọng tài viên sẽ được thực hiện thông qua yêu cầu của một hoặc các bên tham gia giải quyết tranh chấp hoặc từ chính bản thân Trọng tài viên được chỉ định tự mình từ chối tham gia xét xử vụ việc[5].

Tương tự như Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế, khoản 2 Điều 42 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng có ghi nhận nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên, tuy nhiên phạm vi thực hiện nghĩa vụ này lại có phần rộng hơn. Theo đó, kể từ thời điểm biết được việc mình sẽ được bổ nhiệm vào tư cách Trọng tài viên, bên này phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài và các bên về những tình tiết có thể ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư của mình.

Liên quan đến vấn đề xác định cơ quan có thẩm quyền xem xét, thay đổi Trọng tài viên, pháp luật trọng tài hiện hành phân chia thành hai trường hợp như sau:

+ Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài: Trường hợp chưa thành lập Hội đồng trọng tài, việc thay đổi Trọng tài viên sẽ do Chủ tịch Trung tâm trọng tài quyết định. Còn khi Hội đồng trọng tài đã được thành lập, thẩm quyền này sẽ được trao lại cho các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài. Khoản 3 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng có quy định thêm rằng nếu các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên này.

+ Đối với vụ tranh chấp do Hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết: Khi việc bổ nhiệm các Trọng tài viên vụ việc đã được hoàn thiện, thẩm quyền giải quyết việc thay đổi Trọng tài viên sẽ thuộc về các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài vụ việc. Trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài vụ việc không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, thì trong thời hạn 15 ngày kể từ thời điểm nhận được yêu cầu của một hoặc các Trọng tài viên nói trên hay yêu cầu từ một trong các bên tham gia, Chánh án Toà án sẽ phân công một Thẩm phán quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên này. Toà án có thẩm quyền trong trường hợp trên sẽ là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do các bên lựa chọn hoặc trong trường hợp không có thoả thuận về vấn đề này, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 Toà án cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp sẽ tiến hành thực hiện việc thay đổi Trọng tài viên vụ việc.

Ngoài những quy định cơ bản trong văn bản luật hiện hành, hiện nay điều khoản về thay đổi Trọng tài viên vụ việc còn được làm rõ hơn thông qua nội dung Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP về việc Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành ngày 20 tháng 3 năm 2014[6]. Theo đó, Điều 9 tài liệu này ghi nhận rằng khi có yêu cầu về việc thay đổi Trọng tài viên, người có yêu cầu phải nộp đơn bằng văn bản, gửi đến Toà án có thẩm quyền, trong đó nêu rõ trường hợp và lý do thay đổi Trọng tài viên. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phân công một Thẩm phán trực tiếp thực hiện việc thay đổi Trọng tài viên. Đồng thời, Tòa án có thẩm quyền cũng sẽ thông báo ngay cho Hội đồng trọng tài, các Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc, các bên tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu và Thẩm phán được phân công giải quyết. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xét đơn yêu cầu thay đổi Trọng tài viên mà không phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu, không phải triệu tập các bên tranh chấp. Trường hợp yêu cầu thay đổi Trọng tài viên là có căn cứ, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Thẩm phán căn cứ quy định tương ứng để quyết định việc thay đổi Trọng tài viên. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thay đổi Trọng tài viên, thì Thẩm phán phải ra quyết định bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do của việc không chấp nhận yêu cầu thay đổi. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án sẽ gửi quyết định cho các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Dựa trên quy định tại khoản 5 Điều 42 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì cho dù quyết định thay đổi Trọng tài viên được ban hành bởi Chủ tịch Trung tâm trọng tài hay Toà án hoặc trong trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài hay Hội đồng trọng tài vụ việc thì quyết định một khi đã được ban hành thì đều sẽ có hiệu lực chung thẩm, không được kháng cáo, kháng nghị. Quy tắc này cũng được khẳng định lại tại mẫu quyết định kèm theo Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP, chúng ta thấy nêu “[q]uyết định này có hiệu lực thi hành ngay, các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị”[7]. Sau khi quyết định thay đổi Trọng tài viên có hiệu lực, Trọng tài viên bị thay đổi sẽ không được tiếp tục tham gia vào quá trình xét xử. Lúc này, quá trình chọn, chỉ định Trọng tài viên thay thế sẽ được tiến hành theo như các quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn Trọng tài viên tại văn bản hiện hành.

Cần lưu ý rằng, ngoài việc rơi vào các căn cứ thay đổi Trọng tài viên tại khoản 1 Điều 42 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, một Trọng tài viên cũng có thể sẽ không tham gia vào quá trình xét xử nếu vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà anh ta không thể tiếp tục tham gia giải quyết tranh chấp. Mặc dù Luật Trọng tài thương mại năm 2010 không có giải thích nghĩa cho sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan, tuy nhiên dựa trên nguyên tắc luật chung – luật riêng, ta có thể viện dẫn quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 để làm rõ vấn đề này[8]. Theo đó, sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện, hiện tượng xảy ra một cách khách quan, vượt ra khỏi sự kiểm soát của các bên có liên quan, cản trở một hoặc các bên thực hiện nghĩa vụ dân sự. Còn trở ngại khách quan được ghi nhận như những khó khăn do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình[9]. Đối với hậu quả pháp lý trong trường hợp Trọng tài viên vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể tiếp tục tham gia giải quyết tranh chấp, vấn đề này sẽ được thực hiện tương tự như khi một Trọng tài viên được xác định rơi vào các trường hợp phải bị thay đổi tại khoản 1 Điều 42.

Ngay sau khi Trọng tài viên mới được bổ nhiệm vào vị trí của đối tượng bị thay thế, Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia. Tuy nhiên, theo như nguyên tắc được ghi nhận tại khoản 7 Điều 42 Luật này thì Hội đồng trọng tài mới được thành lập không được tự mình lật lại các vấn đề đã được quyết định trước đó, thay vì vậy họ chỉ có thể tiếp tục giải quyết các vấn đề chưa được xem xét đến. Việc quay về xem xét các nội dung được đưa ra tại các phiên họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài trước đó chỉ được chấp nhận khi Hội đồng trọng tài mới được thành lập đã tham khảo ý kiến của các bên tham gia và đã nhận được sự đồng thuận từ các chủ thể này.

4. Quy định về thay đổi Trọng tài viên trong Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế

Ngày 21 tháng 6 năm 1985, theo sau Hội nghị ngoại giao kéo dài hơn ba tuần với sự góp mặt của các đại biểu đến từ năm mươi tám quốc gia và mười tám tổ chức quốc tế, UNCITRAL đã thông qua một luật mẫu trong lĩnh vực trọng tài. Văn bản này được soạn thảo và phát triển bởi Nhóm nghiên cứu về thực tiễn hợp đồng quốc tế (Working Group on International Contract Practices) kể từ năm 1981. Luật mẫu trên được ban hành với mục tiêu phục vụ như một hình mẫu cho việc xây dựng nên các chế định liên quan đến trọng tài trong pháp luật quốc nội, nó giúp hài hoà hoá cũng như tạo ra nhiều sự thống nhất hơn cho thực tiễn áp dụng tố tụng trọng tài quốc tế[10]. Đề cập đến vấn đề thay đổi Trọng tài viên, khoản 1 Điều 12 Luật mẫu của UNCITRAL ghi nhận rằng:

Nếu một người biết được việc mình có thể được bổ nhiệm với tư cách Trọng tài viên, anh ta sẽ phải cung cấp bất kỳ thông tin nào có thể làm phát sinh những sự nghi ngờ chính đáng đối với sự vô tư và độc lập của mình. Một Trọng tài viên, kể từ thời điểm được chỉ định cũng như trong toàn bộ quá trình tố tụng trọng tài, sẽ phải kịp thời cung cấp bất kỳ thông tin nào được đề cập phía trên cho các bên tham gia, ngoại trừ trường hợp trước đó anh ta đã thông báo cho họ về những thông tin này (When a person is approached in connection with his possible appointment as an arbitrator, he shall disclose any circumstances likely to give rise to justifiable doubts as to his impartiality or independence. An arbitrator, from the time of his appointment and throughout the arbitral proceedings, shall without delay disclose any such circumstances to the parties unless they have already been informed of them by him)[11].

Có thể thấy, nội dung trên đã minh thị rõ nét nghĩa vụ cung cấp thông tin của người sẽ và đã được chỉ định với tư cách Trọng tài viên trong tố tụng trọng tài. Theo đó, bên này có nghĩa vụ chứng minh về sự trong sáng của họ đối với hoạt động xét xử thông qua việc trình bày tường tận những thông tin có khả năng ảnh hưởng đến sự vô tư và độc lập của mình trước các bên tham gia. Và nghĩa vụ này được ghi nhận kéo dài từ trước khi anh ta được chỉ định đến khi quá trình tố tụng trọng tài đã kết thúc. Nhìn chung, nguyên tắc trên có nét tương đồng với pháp luật trọng tài của Pháp, theo đó Điều 1456 Bộ luật Tố tụng dân sự nước này (áp dụng đối với Trọng tài quốc tế thông qua Điều 1506 Bộ luật này) có quy định một cách cụ thể rằng nghĩa vụ cung cấp thông tin của Trọng tài viên không kết thúc tại thời điểm việc chỉ định đã hoàn thành. Thay vào đó, sự độc lập và vô tư chắc chắn phải được xác minh trong suốt quá trình tố tụng. Những phán quyết trước đó về vấn đề này đã lặp lại một cách thường xuyên rằng các Trọng tài viên nợ nghĩa vụ cung cấp thông tin trong toàn bộ quá trình xét xử cho đến khi hoạt động tố tụng kết thúc. Trong thực tiễn áp dụng pháp luật tại Pháp, nguyên tắc này cũng đã được minh thị một cách rõ ràng trong phán quyết Dommo Energia vào ngày 15 tháng 2 năm 2020 của Toà trọng tài quốc tế, theo đó cơ quan này cho rằng:

Nghĩa vụ cung cấp thông tin của một Trọng tài viên sẽ được áp dụng trong cả trước và sau khi việc chỉ định được chấp nhận, tuỳ thuộc vào việc liệu các thông tin liên quan có tồn tại hoặc phát sinh sau sự chấp nhận đó hay không (an arbitrator’s duty of disclosure applies both before the appointment is accepted and thereafter, depending on whether the relevant circumstances already exist or arise after acceptance)[12].

Việc ghi nhận nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người được chỉ định làm Trọng tài viên trong suốt quá trình tố tụng có ý nghĩa rất lớn đối với việc đảm bảo tính công bằng của phán quyết được tuyên, nhờ đó mà quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia sẽ được đảm bảo một cách thoả đáng. Phải hiểu rằng không phải lúc nào có xuất hiện các thông tin liên quan đến sự không độc lập và vô tư của Trọng tài viên thì mặc nhiên anh ta sẽ bị thay đổi. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật này thì một Trọng tài viên chỉ bị thay đổi khi và chỉ khi các trường hợp làm phát sinh những sự nghi ngờ chính đáng đối với sự vô tư và độc lập của anh ta được chứng minh là có tồn tại hoặc nếu anh ta không đáp ứng được các tiêu chuẩn được thống nhất bởi các bên. Trong trường hợp những căn cứ thay đổi Trọng tài viên đã được biểu hiện rõ thì Luật mẫu của UNCITRAL trao cho các bên tham gia quyền được yêu cầu thay đổi Trọng tài viên hoặc là người đã được chính họ chỉ định hoặc là đối với người mà họ có tham gia vào việc chỉ định. Quyền này có hiệu lực kể cả sau khi việc chỉ định đã được thực hiện bên đó mới nhận thức được về những cơ sở trên.

Thẩm quyền của trọng tài được trao bởi các bên tham gia, do đó ý chí của những chủ thể trên cũng đã phần nào được khắc ghi vào trong nền tảng của cơ quan tài phán này[13]. Ví dụ, các bên có quyền thoả thuận một cách linh hoạt về việc giải quyết tranh chấp của mình thông qua các trình tự, thủ tục công bằng và khách quan mà không cần quan tâm đến các quy định của pháp luật quốc nội. Quy định này về mặt nguyên tắc được thiết lập thông qua sự ghi nhận quyền tự quyết cơ bản của các bên trong các Công ước về Trọng tài quốc tế cũng như pháp luật về trọng tài của các nước phát triển. Điều này cũng được làm nổi bật trong hầu hết trong các phán quyết trong tố tụng trọng tài[14]. Liên quan đến quy định về thủ tục thay đổi Trọng tài viên trong Luật mẫu của UNCITRAL, nguyên tắc được đề cập cũng phần nào được thể hiện trong phạm vi văn bản này. Cụ thể, khoản 1 Điều 13 Luật này cho phép các bên tham gia được quyền tự do thống nhất về thủ tục thay đổi Trọng tài viên. Thấy rằng không phải lúc nào các bên cũng có thoả thuận một cách đầy đủ về nội dung trên, do đó với tinh thần dự liệu trước được tình huống này khoản 2 Điều 13 Luật mẫu của UNCITRAL cũng có ghi nhận thêm thủ tục như sau:

Nếu thất bại trong việc thoả thuận vấn đề trên, bên có ý định thay đổi Trọng tài viên sẽ phải gửi một thông báo bằng văn bản ghi nhận đầy đủ các lý do cho việc thay đổi đến Hội đồng trọng tài trong thời hạn mười lăm ngày kể từ thời điểm nhận thức được việc thành lập Hội đồng trọng tài hoặc nhận thức được các trường hợp được nhắc đến tại khoản 2 Điều 12. Ngoại trừ trường hợp Trọng tài viên bị thay đổi đã rút khỏi vị trí của mình hoặc bên kia đã đồng ý với việc thay đổi, Hội đồng trọng tài sẽ phải xem xét, quyết định về việc thay đổi này (Failing such agreement, a party who intends to challenge an arbitrator shall, within fifteen days after becoming aware of the constitution of the arbitral tribunal or after becoming aware of any circumstance referred to in article 12 (2), send a written statement of the reasons for the challenge to the arbitral tribunal. Unless the challenged arbitrator withdraws from his office or the other party agrees to the challenge, the arbitral shall decide on the challenge)[15].

Căn cứ khoản 3 Điều 13 Luật mẫu của UNCITRAL thì cho dù việc thực hiện thủ tục thay đổi Trọng tài viên tuân theo các thoả thuận trước đó giữa các bên hoặc theo quy định tại Luật này thì khi có xuất hiện sự bất đồng đối với quyết định thay đổi Trọng tài viên được ban hành bởi Hội đồng trọng tài, một trong các bên sẽ có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác xem xét lại quyết định trên, quyết định này sẽ có hiệu lực chung thẩm. Quyền yêu cầu xem xét này của các bên tham gia sẽ phải được thực hiện trong thời hạn ba mươi ngày kể từ thời điểm nhận được thông báo về quyết định trên. Có một điểm đáng chú ý là trong khi yêu cầu này được xem xét, Hội đồng trọng tài bao gồm cả Trọng tài viên bị thay đổi, vẫn có thể tiếp tục quá trình tố tụng và ra phán quyết.

Dựa trên quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật mẫu của UNCITRAL thì ngoài những căn cứ được liệt kê cụ thể trong khoản 2 Điều 12 thì một Trọng tài viên còn có thể bị thay đổi nếu anh ta không thể thực hiện được chức năng của mình hoặc vì những lý do khác mà anh ta thất bại trong việc thực hiện nhiệm vụ này một cách kịp thời theo như quy định của luật hoặc hoàn cảnh thực tế (Nguyên tắc de jure or de facto). Trong trường hợp này, tư cách của bên đó sẽ bị chấm dứt nếu anh ta rút khỏi vị trí của mình hoặc nếu các bên thoả thuận được về việc chấm dứt. Ngược lại, nếu xuất hiện bất kỳ sự không đồng thuận nào đối với các căn cứ ở trên bất cứ bên nào cũng có thể yêu cầu Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quyết định vấn đề chấm dứt tư cách Trọng tài viên, quyết định này sẽ có hiệu lực chung thẩm.

Về phần căn cứ chấm dứt tư cách Trọng tài viên theo luật hoặc hoàn cảnh thực tế, ban đầu cơ sở này đã được thảo luận nhiều lần về tính mơ hồ trước khi ra mắt chính thức trong văn bản hiện hành. Nhóm nghiên cứu đã quyết định giữ lại căn cứ trên nhằm để đảm bảo tính thống nhất với Bộ quy tắc Trọng tài của UNCITRAL năm 1976. Cụ thể, Điều 14 văn bản Luật mẫu được xây dựng dựa trên khoản 2 Điều 13 Bộ quy tắc trên, và trong nội hàm tài liệu này đã sử dụng cụm từ “theo luật hoặc hoàn cảnh thực tế” (de jure or de facto). Giống như Điều 14 Luật mẫu, khoản 2 Điều 13 Bộ quy tắc này cũng cho phép Trọng tài viên được từ chức hoặc rút khỏi quá trình tố tụng và cho phép các bên được quyền chấm dứt tư cách Trọng tài viên nếu anh ta không thể thực hiện chức năng của mình đúng hạn do các trở ngại về mặt pháp lý hoặc thực tiễn. Cần lưu ý rằng, theo như khoản 2 Điều 14 Luật mẫu thì việc một Trọng tài viên rút khỏi vị trí của mình hoặc một bên đồng ý với sự chấm dứt tư cách Trọng tài viên, điều này không đồng nghĩa với việc chấp nhận tính hợp lệ của bất kỳ căn cứ nào được đề cập đến tại Điều này hoặc khoản 2 Điều 12.

Điều khoản cuối cùng về thay đổi Trọng tài viên trong Luật mẫu của UNCITRAL ghi nhận rằng trong trường hợp chấm dứt tư cách Trọng tài viên theo Điều 13 hoặc 14 hoặc do sự rút khỏi vị trí của anh ta vì bất kỳ lý do nào khác hoặc do sự thu hồi tư cách của Trọng tài viên theo như sự thoả thuận của các bên hoặc bất kỳ trường hợp nào khác làm chấm dứt tư cách của anh ta, một Trọng tài viên thay thế sẽ được chỉ định theo như các quy tắc mà nó đã được áp dụng cho việc chỉ định Trọng tài viên bị thay đổi. Trong quá trình soạn thảo Luật mẫu, ban đầu Điều khoản này không được xây dựng nhằm mục đích điều chỉnh các trường hợp chấm dứt tư cách Trọng tài viên. Tại bản thảo đầu tiên, Nhóm nghiên cứu chỉ hướng đến việc quy định những gì xảy ra sau khi việc chấm dứt tư cách đã được thực hiện mà thôi[16].

5. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật trọng tài của Việt Nam

5.1. Phải quy định thêm trường hợp Trọng tài viên không đáp ứng đủ tiêu chuẩn như một căn cứ thay đổi Trọng tài viên

Pháp luật trọng tài của Việt Nam được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thoả thuận giữa các bên tham gia[17]. Điều này phần nào được minh thị thông qua việc luật pháp hiện hành cho phép họ được quyền quyết định nhiều vấn đề trong hoạt động tố tụng. Dẫu vậy, phải hiểu rằng sự tự do trên chỉ được thực hiện trong khuôn khổ luật định, chẳng hạn trong trường hợp mà pháp luật đã có ghi nhận chi tiết về một vấn đề và không hề đề cập gì đến quyền thoả thuận giữa các bên (điều khoản cứng) thì mặc nhiên họ không có quyền bày tỏ ý kiến hoặc quyết định bất kỳ nội dung nào trong điều khoản trên, ngược lại các chủ thể đó phải tuân thủ chính xác những gì được ghi nhận trong luật. Việc đặt ra giới hạn đối với quyền tự do ý chí của các bên tham gia trong tố tụng trọng tài là cần thiết, nó giúp đảm bảo công tác giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán tư được tiến hành một cách phù hợp, không làm tổn hại đến các giá trị mà Nhà nước muốn bảo vệ hoặc lợi ích hợp pháp của các đối tượng liên quan[18].

Sự hạn chế trong nguyên tắc này cũng được thể hiện một cách rõ nét qua quy định về các căn cứ làm phát sinh việc thay đổi Trọng tài viên. Theo đó, khoản 1 Điều 42 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã liệt kê bốn trường hợp mà Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp hoặc các bên được quyền yêu cầu việc thay đổi Trọng tài viên tham gia tố tụng. Đây là một quy định cứng, bởi vì các bên không được quyền thoả thuận thêm hoặc lược bớt đi các căn cứ này, việc thay đổi Trọng tài viên chỉ thực sự khả thi khi và chỉ khi có sự hiện diện của một trong bốn trường hợp được đề cập. Câu hỏi đặt ra là liệu rằng việc pháp luật hiện hành chỉ ghi nhận duy nhất bốn cơ sở để thay đổi Trọng tài viên như trên là đã đủ để đáp ứng các yêu cầu trên thực tế hay chưa?

Tham khảo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế, thấy rằng hiện nay văn bản trên đang có ghi nhận một căn cứ thay đổi Trọng tài viên mà pháp luật nước ta vẫn chưa có. Đó là trường hợp Trọng tài viên được chỉ định không đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn lựa chọn Trọng tài viên. Hiện nay, quan điểm này của Luật mẫu cũng đang được thừa nhận rộng rãi trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Đơn cử như tại Điều 24 Luật Trọng tài của Anh năm 1996 có ghi nhận rằng trường hợp Trọng tài viên không sở hữu các chứng chỉ đã được các bên xác định trong thoả thuận trọng tài thì một bên tranh chấp có quyền đề nghị Toà án thay đổi Trọng tài viên[19]. Hay như trong Luật Trọng tài thương mại quốc tế của Liên bang Nga năm 1993 sửa đổi bổ sung năm 2015 khoản 2 Điều 12 cũng có quy định rằng “[m]ột Trọng tài viên có thể bị thay đổi…nếu anh ta không đáp ứng được các yêu cầu được quy định trong luật hoặc từ sự thoả thuận giữa các bên tham gia” (An arbitrator may be challenged…if he does not meet the requirements imposed by the law or the agreement of the parties)[20].

Đối với vấn đề Trọng tài viên không đáp ứng được tiêu chuẩn bổ nhiệm, thì khoản 1 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cho thấy rằng anh ta sẽ không thể tham gia vào hoạt động xét xử với tư cách là Trọng tài viên. Dẫu vậy quy định hiện hành lại chưa đưa ra hướng giải quyết trong trường hợp một người đã tham gia vào Hội đồng trọng tài với tư cách Trọng tài viên nhưng sau đó mới bị phát hiện là không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Câu hỏi đặt ra là liệu rằng chủ thể tài phán có thể áp dụng quy định về thay đổi Trọng tài viên trong tình huống này hay không? Bởi vì các căn cứ thay đổi Trọng tài viên tại khoản 1 Điều 42 Luật này không hề nhắc đến trường hợp trên. Khi sự việc này thực sự xảy ra trên thực tế, nó sẽ đặt chủ thể tài phán vào tình trạng “bối rối”, khó đưa ra được hướng giải quyết thuyết phục. Hiện tượng này đã phần nào cho thấy sự khiếm khuyết trong quá trình lập pháp khi nhà làm luật đã quên đi việc dự liệu trường hợp trên cũng như chưa đối sánh quy định được ban hành một cách thấu đáo. Thấy rằng, khi áp dụng quy định của Luật mẫu bất cập hiện hành trong pháp luật trọng tài nước ta có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Việc ghi nhận trường hợp Trọng tài viên không đủ tiêu chuẩn như một trong những căn cứ thay đổi sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để chủ thể có thẩm quyền mạnh dạn trong việc đưa ra hướng giải quyết trên thực tế. Lúc này, họ sẽ không còn bâng khuâng trong việc xem xét hậu quả pháp lý, do các quy định trong cơ chế thay đổi Trọng tài viên sẽ được áp dụng một cách thống nhất trong tình huống này.

Nghiên cứu thực tiễn áp dụng quy định Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về vấn đề thay đổi Trọng tài viên, có thể thấy mặc dù pháp luật trọng tài chỉ ghi nhận bốn căn cứ thay đổi Trọng tài viên cố định và như được phân tích trước đó đây là điều khoản cứng để viện dẫn việc thay đổi tư cách của Trọng tài viên. Tuy nhiên, trên thực tế các Trung tâm trọng tài thường có xu hướng ghi nhận thêm trường hợp Trọng tài viên không đáp ứng được tiêu chuẩn bổ nhiệm như một căn cứ thay đổi đối tượng này. Ví dụ, trong Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC khoản 3 Điều 16 có quy định các trường hợp thay đổi Trọng tài viên, bao gồm:

a) Là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên;

b) Có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp;

c) Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất kỳ bên nào trong chính vụ tranh chấp đang được đưa ra giải quyết tại Trung tâm, trừ khi các bên có chấp thuận bằng văn bản;

d) Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, độc lập hoặc không khách quan;

đ) Không đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể mà các bên đã thỏa thuận;

e) Không đáp ứng tiêu chuẩn theo pháp luật trọng tài được áp dụng.[21]

Mặc dù việc ghi nhận thêm căn cứ này trong Quy tắc tố tụng của các Trung tâm trọng tài là không phù hợp với quy định hiện hành. Tuy nhiên, nó lại đảm bảo khi áp dụng Quy tắc trên, các Trung tâm trọng tài sẽ có thể giải quyết được triệt để hơn các vấn đề liên quan đến việc thay đổi Trọng tài viên trên thực tế. Điều này trong một chừng mực nào đó cũng đã cho thấy yêu cầu cấp thiết của thực tiễn tố tụng trọng tài đối với việc ghi nhận thêm căn cứ trên trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Như vậy, xét về cả lý luận và thực tiễn pháp luật trọng tài của Việt Nam nên kế thừa quy định Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế trong việc thừa nhận trường hợp Trọng tài viên không đáp ứng được tiêu chuẩn được chọn hoặc được chỉ định như một căn cứ để thay đổi Trọng tài viên.

5.2. Cần đặt ra thời hạn thực hiện quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên cho các bên tham gia

Dựa trên các nội dung được quy định tại Điều 42 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, thấy rằng hiện nay pháp luật trọng tài Việt Nam không đặt ra bất cứ giới hạn nào đối với việc thực hiện quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên của các bên tham gia. Điều này có nghĩa là chủ thể trên sẽ có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên theo căn cứ tại khoản 1 Điều này từ trước khi Hội đồng trọng tài được thành lập đến khi kết thúc quá trình tố tụng. Tham khảo quy định Luật mẫu của UNCITRAL về vấn đề trên, khoản 2 Điều 13 văn bản này mặc dù cũng có thừa nhận phạm vi thực hiện quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên tương tự như pháp luật nước ta, tuy vậy văn bản trên lại cho thấy rằng khi một trong các bên có ý định thay đổi Trọng tài viên, họ sẽ phải gửi một thông báo bằng văn bản ghi nhận đầy đủ các lý do cho việc thay đổi đến Hội đồng trọng tài trong thời hạn mười lăm ngày kể từ thời điểm nhận thức được việc thành lập Hội đồng trọng tài hoặc nhận thức được các trường hợp được nhắc đến tại khoản 2 Điều 12. Dẫn chiếu thêm quy định tại Điều 4 Luật này thì trong trường hợp một bên đã có nhận thức về căn cứ thay đổi Trọng tài viên nhưng lại không yêu cầu thay đổi trong thời hạn quy định họ sẽ được hiểu là đã từ bỏ quyền phản đối của mình và quá trình tố tụng trọng tài sẽ vẫn được tiếp tục cho dù có phát sinh sự không phù hợp.

Ta thấy, việc Luật mẫu của UNCITRAL đặt ra giới hạn cho vấn đề thực hiện quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên của các bên trong tranh chấp cũng như ghi nhận hậu quả pháp lý bất lợi đối với chủ thể này khi họ không thực hiện quyền lợi của mình trong khoảng thời gian hạn định sẽ giúp tăng hiệu quả công tác xét xử của cơ quan trọng tài. Theo đó, xuất phát từ “nỗi sợ” bị mất quyền mà một hoặc một số bên có nhận thức được về căn cứ thay đổi Trọng tài viên sẽ tranh thủ hơn trong việc thực hiện quyền lợi của mình[22]. Nhờ vậy, chủ thể có thẩm quyền sẽ kịp thời nhận được các thông tin cần thiết nhằm thực hiện việc xem xét, thay đổi Trọng tài viên mới, giúp hạn chế tối đa tình trạng phán quyết sắp được tuyên nhưng phải xem xét lại do không đáp ứng được điều kiện về Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp.

Rõ ràng, quy định tại Luật mẫu của UNCITRAL thể hiện tính phù hợp hơn so với pháp luật trọng tài Việt Nam. Do đó, trong bối cảnh hiện tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cần phải kế thừa nguyên tắc được ghi nhận trong văn bản trên, cụ thể chỉ cho phép các bên tham gia được quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên trong thời hạn mười lăm ngày kể từ thời điểm họ nhận thức được các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 42. Việc chỉ kế thừa thời điểm phát sinh quyền thứ hai mà bỏ qua thời điểm nhận thức được việc thành lập Hội đồng trọng tài là vì pháp luật nước ta chỉ cho phép yêu cầu thay đổi Trọng tài viên theo căn cứ luật định chứ không cho phép các bên tham gia được tự do quyết định việc thay đổi này. Về phần ghi nhận hậu quả pháp lý bất lợi khi các bên không thực hiện yêu cầu thay đổi Trọng tài viên trong thời gian quy định, luật pháp hiện hành không cần minh thị thêm vấn đề trên. Bởi vì, căn cứ Điều 13 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì trong trường hợp một bên nhận thấy việc không phù hợp trong quá trình tố tụng trọng tài mà không phản đối trong thời hạn quy định thì mặc nhiên bên đó sẽ bị mất quyền[23].

5.3. Nên cho phép tiếp tục quá trình xét xử trong khi đợi quyết định thay đổi Trọng tài viên

Hiện nay, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã có ghi nhận tương đối đầy đủ các nội dung liên quan đến vấn đề thay đổi Trọng tài viên. Bao gồm những điều khoản về căn cứ, trình tự thủ tục thay đổi Trọng tài viên và nguyên tắc xét lại nội dung vụ án của Hội đồng trọng tài mới. Dẫu vậy, pháp luật hiện hành lại chưa có ghi nhận bất kỳ quy định nào đối với hiệu lực xét xử trong trường hợp tiến hành thủ tục thay đổi Trọng tài viên. Nói cách khác là trong quá trình đợi quyết định thay đổi Trọng tài viên từ chủ thể có thẩm quyền và trước đó Hội đồng trọng tài đã được thành lập và đang giải quyết tranh chấp thì liệu rằng hoạt động xét xử sẽ vẫn tiếp tục hay phải tạm đình chỉ?

Sự bỏ ngỏ này của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 sẽ gây tác động bất lợi tương tự như khía cạnh đầu tiên được tác giả phân tích về việc luật pháp hiện hành không ghi nhận trường hợp Trọng tài viên không đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn lựa chọn như một căn cứ thay đổi. Điều này vô hình trung gây nhiều khó khăn cho chủ thể áp dụng pháp luật, bởi lẽ họ sẽ dễ trở nên “lúng túng” do không có căn cứ rõ ràng giúp đưa ra quyết định một cách chắc chắn. Ngoài ra, tình trạng trên cũng đang thể hiện rõ sự thiếu cẩn trọng trong quá trình lập pháp, làm giảm hiệu quả áp dụng của văn bản quy phạm pháp luật do theo GS.TS. Trần Ngọc Đường thì với vai trò là công cụ giúp nhà nước quản lý, định hướng nền kinh tế, pháp luật phải đảm bảo dự liệu trước được những trường hợp có thể xảy ra chứ không nên để bất cập xuất hiện mới đi nghiên cứu, xây dựng quy định[24].

Phân tích Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế, ta thấy văn bản trên đã có ghi nhận cụ thể câu trả lời cho vấn đề được đề cập. Theo đó, cho dù việc thay đổi Trọng tài viên được thực hiện theo trình tự, thủ tục mà các bên đã chọn hoặc theo quy định của Luật mẫu thì trong khi chờ đợi quyết định chính thức từ cơ quan có thẩm quyền, Hội đồng trọng tài bao gồm cả Trọng tài viên bị thay đổi có thể tiếp tục quá trình tố tụng và ra phán quyết. Nguyên tắc này hiện cũng đang được kế thừa rộng rãi trong pháp luật của nhiều quốc gia. Ví dụ, theo quy định tại Điều 20 Đạo luật Trọng tài của Thái Lan năm 2002 thì sau khi Toà án nhận được yêu cầu về việc thay đổi Trọng tài viên từ một bên trong tranh chấp, họ sẽ xem xét và ban hành quyết định đối với vấn đề trên trong một khoảng thời gian hợp lý. Trong khi chờ đợi kết quả từ cơ quan có thẩm quyền, Hội đồng trọng tài và Trọng tài viên bị yêu cầu thay đổi có thể tiếp tục hoạt động tố tụng và ra phán quyết, ngoại trừ trường hợp Toà án ngăn cấm điều này.

Một cách tương tự, khoản 3 Điều 13 Luật Trọng tài thương mại quốc tế của Liên bang Nga năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2015 cũng có quy định rằng việc yêu cầu thay đổi Trọng tài viên không ngăn cấm Hội đồng trọng tài bao gồm cả Trọng tài viên bị thay đổi khỏi việc tiến hành hoạt động tố tụng và ra phán quyết. Ở Đức, nước này không ghi nhận các nội dung điều chỉnh lĩnh vực trọng tài thành một văn bản độc lập mà thực tế vấn đề trên lại được lồng ghép vào trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trải dài từ Điều 1025 đến Điều 1066. Liên quan đến hiệu lực xét xử khi yêu cầu thay đổi Trọng tài viên đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, Điều 1037 Bộ luật này cũng có quy định rằng “[t]rong khi yêu cầu này được tiến hành, Hội đồng trọng tài bao gồm cả Trọng tài viên bị thay thế có thể tiếp tục hoạt động tố tụng trọng tài và ra phán quyết” (While such a request is pending, the arbitral tribunal, including the challenged arbitrator, may continue the arbitral proceedings and make an award)[25].

Có thể thấy, nguyên tắc cho phép tiếp tục hoạt động xét xử khi chờ quyết định thay đổi Trọng tài viên trong Luật mẫu của UNCITRAL và các quốc gia trên thế giới đang tạo nhiều thuận lợi cho tiến trình tố tụng tại trọng tài. Bởi vì yêu cầu về việc thay đổi Trọng tài viên được trình lên cơ quan có thẩm quyền không nhất thiết sẽ làm mất đi tư cách của Trọng tài viên bị yêu cầu, mà kết quả được đưa ra có thể là việc chấp nhận hoặc bác bỏ các căn cứ được trình bày. Trong trường hợp yêu cầu thay đổi Trọng tài viên là thiếu cơ sở, thì nguyên tắc được đề cập sẽ giúp rút ngắn hơn thời gian tố tụng trên thực tế, do quá trình xét xử đã được tranh thủ giải quyết trong khoảng thời gian chờ đợi quyết định trên. Điều này giúp đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho các bên, vì quá trình tố tụng càng dài thì càng khiến các bên tham gia hao tốn chi phí, công sức[26]. Đối sánh với quy định hiện hành trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010, nơi mà hiệu lực xét xử của Hội đồng trọng tài vẫn chưa được minh thị rõ ràng, thiết nghĩ luật pháp nước ta nên thừa hưởng nguyên tắc được ghi nhận trong Luật mẫu của UNCITRAL, bởi lẽ việc này vừa giúp lấp đầy những khiếm khuyết đang tồn đọng cũng vừa tạo nhiều thuận lợi hơn cho các bên tham gia.

6. Kết luận

Quá trình phân tích đối sánh Luật Trọng tài thương mại năm 2010 với Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế đã giúp chỉ ra cụ thể một số bất cập hiện còn đang tồn đọng trong quy định pháp luật nước ta đối với vấn đề thay đổi Trọng tài viên. Đồng thời, thông qua công tác trắc lọc những điểm tiến bộ có được từ Luật mẫu, các giải pháp hữu ích cũng đã được đưa ra nhằm hoàn thiện hơn luật pháp trọng tài hiện hành. Ngày nay, các quy tắc trong Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế đang được kế thừa một cách rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng trên Việt Nam lại vẫn chưa được xem là quốc gia theo Luật mẫu, điều này tạo ra rào cản khá lớn cho sự hội nhập kinh tế quốc tế bởi ta chưa có một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại phù hợp với khung pháp lý chung toàn cầu. Do đó, việc nghiên cứu quy định của Luật mẫu nhằm chỉnh sửa lại văn bản pháp lý nội địa trong lĩnh vực trọng tài ngoài việc hỗ trợ quy định trong nước được cải thiện một cách hiệu quả còn giúp hài hoà hoá pháp luật quốc gia, góp phần hạn chế xung đột pháp luật. Nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam trong việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, điều này là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5 tháng 11 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Mong rằng, công trình nghiên cứu này sẽ có thể đóng góp một phần vào sự thành công của việc soạn thảo văn bản điều chỉnh hoạt động trọng tài của Việt Nam trong tương lai, cũng như mở đường cho nhiều nghiên cứu khác được thực hiện theo lĩnh vực và cách thức được trình bày.

Tài liệu tham khảo

1.    Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12, ngày 17 tháng 6 năm 2010, điểm d khoản 1 Điều 42.

2.    Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 hướng dẫn thi hành quy định Luật Trọng tài thương mại, Mẫu số 1.

3.    Germany, Code of Civil Procedure 2005, Article 1037.

4.    Russia, Russian Federation Law on International Commercial Arbitration 1993, Article 12 clause 2.

5.    UNCITRAL, UNCITRAL Model Law on International Commercial Arbitration 1994, Article 12 clause 1 and Article 13 clause 2.

6.    BÙI THỊ HUYỀN, BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015, NXB LAO ĐỘNG, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 297 (2016).

7.    Bùi Thị Thu, Chọn luật áp dụng tại tòa án và trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài - một số khác biệt cơ bản, Nghề luật, số 3, 24, 25 (2023).

8.    Đoàn Trung Kiên, Nguyễn Thị Vân Anh, Giải pháp hoàn thiện pháp luật về Trọng tài thương mại ở Việt Nam, Nghề luật, số 06, 3, 4 (2020).

9.    Đinh Công Tuấn, Doãn Nhật Linh, Pháp luật về Trọng tài thương mại ở Singapore và một số khuyến nghị cho Việt Nam, Kiểm sát, số 15, 58, 63 (2021).

10.ĐỖ VĂN ĐẠI, GIÁO TRÌNH PHÁP LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI, NXB HỒNG ĐỨC, HÀ NỘI, 149 (2021).

11.G. E. Fisher, Remedies for Breach of Contract: International Sales Convention, Macarthur Law Review, Volume 01, 236, 243 (1997).

12.GARY BORN, THE PRINCIPLE OF JUDICIAL NON NTERFERENCE IN INTERNATIONAL ARBITRAL PROCEEDINGS, PENN LAW: LEGAL SCHOLARSHIP REPOSITORY, THE U.S.A., 999-1000 (2014).

13.ILIAS BANTEKAS , PIETRO ORTOLANI , SHAHLA ALI , MANUEL A. GOMEZ AND MICHAEL POLKINGHORNE, UNCITRAL MODEL LAW ON INTERNATIONAL COMMERCIAL ARBITRATION A COMMENTARY, CAMBRIDGE UNIVERSITY PRESS, ENGLAND, 277 (2020).

14.Michael F. Hoellering, The UNCITRAL Model Law on International Commercial Arbitration, American Bar Association, Volume 20, 327, 327 (1986).

15.NGÔ HUY CƯƠNG, GIÁO TRÌNH LUẬT HỢP ĐỒNG (PHẦN CHUNG), NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, HÀ NỘI, 30, (2013).

16.Neil Modi, The Rule of Competence-Competence: A Historical and Comparative Analysis between English-Indian Law, Willamette Journal of International Law and Dispute Resolution, Volume 26,  75, 75 (2019).

17.Nguyễn Văn Hiển, Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản do cùng một chủ thể ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, Nghiên cứu lập pháp, số 07, 24, 27 (2020).

18.Nguyễn Thanh Tùng, Một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và giải pháp hoàn thiện, Công thương, số 13, 44, 45 (2022).

19.Nguyễn Thị Thu Trang, Một số vướng mắc trong áp dụng pháp luật trọng tài thương mại để giải quyết các tranh chấp Quốc tế tại Việt Nam, Tạp chí điện tử Pháp lý (17h20 15/6/2023), https://phaply.net.vn/mot-so-vuong-mac-trong-ap-dung-phap-luat-trong-tai-thuong-mai-de-giai-quyet-cac-tranh-chap-quoc-te-tai-viet-nam-a249355.html.

20.Trần Quỳnh Anh, Một số vướng mắc và hướng hoàn thiện Luật trọng tài thương mại, Luật học, số 07, 3, 7 (2012).

21.Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC, Quy tắc tố tụng trọng tài, VIAC (1/3/2017), https://www.viac.vn/quy-tac-trong-tai.html.

22.Trần Ngọc Đường, Phát huy vai trò của pháp luật trong góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Tạp chí Cộng sản điện tử (22h08 15/11/2017), https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/47975/phat-huy-vai-tro-cua-phap-luat-trong-gop-phan-phat-trien-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-nuoc-ta.aspx.

23.Trần Văn Duy, Một số vụ việc tranh chấp thương mại liên quan đến “sự kiện bất khả kháng” trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Công thương, số 23, 30, 30-31 (2022).

24.Vincent Bouvard, The Arbitrator’s Duty of Disclosure: Case Law from the International Chamber of the Paris Court of Appeal, Kluwer Arbitration Blog (Apr. 10, 2021), https://arbitrationblog.kluwerarbitration.com/2021/04/10/the-arbitrators-duty-of-disclosure-case-law-from-the-international-chamber-of-the-paris-court-of-appeal/.

25.Vietnam International Arbitration Center, Annual Report 2022, VIAC (Aug. 22, 2023, 4:35 PM), https://www.viac.vn/images/Resources/Annual-Reports/2022/VIAC_Annual-report-2023_230822.pdf.

 

Thông tin tác giả:

Nguyễn Minh Phú: Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ;

- E-mail: nmphu080301@gmail.com;

- Điện thoại: 0836.987.499;

- Địa chỉ liên lạc: Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ, số 09, Hải Thượng Lãn Ông, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

 


* Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ.

[1] Vietnam International Arbitration Center, Annual Report 2022, VIAC (Aug. 22, 2023, 4:35 PM), https://www.viac.vn/images/Resources/Annual-Reports/2022/VIAC_Annual-report-2023_230822.pdf.

[2] Đinh Công Tuấn, Doãn Nhật Linh, Pháp luật về Trọng tài thương mại ở Singapore và một số khuyến nghị cho Việt Nam, Kiểm sát, số 15, 58, 63 (2021).

[3] ĐỖ VĂN ĐẠI, GIÁO TRÌNH PHÁP LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI, NXB HỒNG ĐỨC, HÀ NỘI, 149 (2021).

[4] Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12, ngày 17 tháng 6 năm 2010, điểm d khoản 1 Điều 42.

[5] Nguyễn Thanh Tùng, Một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và giải pháp hoàn thiện, Công thương, số 13, 44, 45 (2022).

[6] Đoàn Trung Kiên, Nguyễn Thị Vân Anh, Giải pháp hoàn thiện pháp luật về Trọng tài thương mại ở Việt Nam, Nghề luật, số 06, 3, 4 (2020).

[7] Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 hướng dẫn thi hành quy định Luật Trọng tài thương mại, Mẫu số 1.

[8] Nguyễn Văn Hiển, Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản do cùng một chủ thể ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, Nghiên cứu lập pháp, số 07, 24, 27 (2020).

[9] Trần Văn Duy, Một số vụ việc tranh chấp thương mại liên quan đến “sự kiện bất khả kháng” trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Công thương, số 23, 30, 30-31 (2022).

[10] Michael F. Hoellering, The UNCITRAL Model Law on International Commercial Arbitration, American Bar Association, Volume 20, 327, 327 (1986).

[11] UNCITRAL, UNCITRAL Model Law on International Commercial Arbitration 1994, Article 12 clause 1.

[12] Vincent Bouvard, The Arbitrator’s Duty of Disclosure: Case Law from the International Chamber of the Paris Court of Appeal, Kluwer Arbitration Blog (Apr. 10, 2021), https://arbitrationblog.kluwerarbitration.com/2021/04/10/the-arbitrators-duty-of-disclosure-case-law-from-the-international-chamber-of-the-paris-court-of-appeal/.

[13] Neil Modi, The Rule of Competence-Competence: A Historical and Comparative Analysis between English-Indian Law, Willamette Journal of International Law and Dispute Resolution, Volume 26,  75, 75 (2019).

[14] GARY BORN, THE PRINCIPLE OF JUDICIAL NON NTERFERENCE IN INTERNATIONAL ARBITRAL PROCEEDINGS, PENN LAW: LEGAL SCHOLARSHIP REPOSITORY, THE U.S.A., 999-1000 (2014).

[15] UNCITRAL, UNCITRAL Model Law on International Commercial Arbitration 1994, Article 13 clause 2.

[16] ILIAS BANTEKAS , PIETRO ORTOLANI , SHAHLA ALI , MANUEL A. GOMEZ AND MICHAEL POLKINGHORNE, UNCITRAL MODEL LAW ON INTERNATIONAL COMMERCIAL ARBITRATION A COMMENTARY, CAMBRIDGE UNIVERSITY PRESS, ENGLAND, 277 (2020).

[17] Bùi Thị Thu, Chọn luật áp dụng tại tòa án và trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài - một số khác biệt cơ bản, Nghề luật, số 3, 24, 25 (2023).

[18] NGÔ HUY CƯƠNG, GIÁO TRÌNH LUẬT HỢP ĐỒNG (PHẦN CHUNG), NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, HÀ NỘI, 30, (2013).

[19] Trần Quỳnh Anh, Một số vướng mắc và hướng hoàn thiện Luật trọng tài thương mại, Luật học, số 07, 3, 7 (2012).

[20] Russia, Russian Federation Law on International Commercial Arbitration 1993, Article 12 clause 2.

[21] Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC, Quy tắc tố tụng trọng tài, VIAC (1/3/2017), https://www.viac.vn/quy-tac-trong-tai.html.

[22] G. E. Fisher, Remedies for Breach of Contract: International Sales Convention, Macarthur Law Review, Volume 01, 236, 243 (1997).

[23] Nguyễn Thị Thu Trang, Một số vướng mắc trong áp dụng pháp luật trọng tài thương mại để giải quyết các tranh chấp Quốc tế tại Việt Nam, Tạp chí điện tử Pháp lý (17h20 15/6/2023), https://phaply.net.vn/mot-so-vuong-mac-trong-ap-dung-phap-luat-trong-tai-thuong-mai-de-giai-quyet-cac-tranh-chap-quoc-te-tai-viet-nam-a249355.html.

[24] Trần Ngọc Đường, Phát huy vai trò của pháp luật trong góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Tạp chí Cộng sản điện tử (22h08 15/11/2017), https://www.tapchicongsan. org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/47975/phat-huy-vai-tro-cua-phap-luat-trong-gop-phan-phat-trien-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-nuoc-ta.aspx.

[25] Germany, Code of Civil Procedure 2005, Article 1037.

[26] BÙI THỊ HUYỀN, BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015, NXB LAO ĐỘNG, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 297 (2016).

Nguyễn Minh Phú

Link nội dung: https://pld.net.vn/so-sanh-quy-dinh-ve-thay-doi-trong-tai-vien-trong-luat-trong-tai-thuong-mai-nam-2010-voi-luat-mau-cua-uncitral-ve-trong-tai-thuong-mai-quoc-te-a16596.html