Thuế VAT cho phân bón: Áp mức 5% hay 0%?

Đánh giá việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là cần thiết, song các chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc thật kỹ xem mức thuế suất nào là phù hợp.

Thực tế, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được xây dựng với mục đích hoàn thiện quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách Nhà nước, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Theo đó, Dự thảo Luật: Giữ nguyên nội dung quy định tại 5 Điều của Luật thuế VAT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); thuế VAT (Điều 2); đối tượng chịu thuế (Điều 3); căn cứ tính thuế (Điều 6); phương pháp tính thuế (Điều 9).

Trong đó, đáng chú ý là sản phẩm phân bón được đưa vào chịu thuế, theo đề xuất của Chính phủ mức áp thuế VAT cho phân bón là 5% thay vì là đối tượng không chịu thuế theo như luật hiện hành.

dam-ca-mau-pvcfc-3555-1704777205-11-1719302239.jpg

Sản phẩm phân bón được đưa vào chịu thuế, theo đề xuất của Chính phủ mức áp thuế VAT cho phân bón là 5% thay vì là đối tượng không chịu thuế theo như luật hiện hành – Ảnh minh họa: ITN

Các chuyên gia đánh giá việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước. Song, cần cân nhắc thật kỹ xem mức thuế suất nào là phù hợp.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ tán thành khi Dự thảo Luật đã đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế. Theo ông Tùng, đây là một điểm bất cập đã được nêu nhiều năm, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón khi không được khấu trừ hoàn thuế VAT đầu vào (do được miễn thuế giá trị gia tăng) dẫn tới giá thành tăng lên.

Tuy nhiên, ông Tùng băn khoăn khi mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế thì nay được Chính phủ đề xuất đưa vào diện chịu thuế VAT 5%.

“Chúng tôi đề nghị làm rõ để xác định phù hợp là thuế suất 5% hay 0%. Bởi vì 5% thì không phải là mới. Luật Thuế VAT 2008 đã quy định phân bón là thuế suất VAT 5%. Tuy nhiên, đến năm 2014, khi sửa đổi luật thì đã đưa phân bón thành đối tượng không chịu thuế VAT. Bây giờ quay trở lại là 5% thì phải làm rõ tại sao ngày xưa chúng ta bỏ và tại sao bây giờ đặt lại là 5%”, ông Tùng bày tỏ.

cdn-congly-vn-de-xuat-dua-phan-bon-vao-dien-chiu-vat-hinh-anh0590884784-11-1719302239.jpg

Theo chuyên gia, việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là cần thiết, song cần cân nhắc thật kỹ xem mức thuế suất nào là phù hợp – Ảnh minh họa: ITN

Đồng quan điểm, bên lề hành lang Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này và người nông dân và những đối tượng liên quan.

Theo ông Hiếu, nếu so sánh, cả 2 kịch bản 0% và kịch bản 5% thì đều mang lại lợi ích cho nhà sản xuất và người tiêu dùng, do tạo cơ hội giảm chi phí sản xuất phân bón tại Việt Nam. Khi giảm được chi phí sản xuất đồng nghĩa tạo cơ hội lớn để giảm giá bán.

Tuy nhiên thị trường phân bón chúng ta là sản phẩm nhập khẩu. Đối với kịch bản 5%, thì đối với phân bón nhập khẩu mà không sản xuất trong nước thì rõ ràng không có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, do giá thành sẽ tăng và người tiêu dùng có thể phải chịu tác động tăng giá tương ứng.

Còn kịch bản 0% thì rõ ràng có lợi chung cho nhà nhập khẩu, người tiêu dùng nhưng lợi ích của nhà nước rõ ràng bị ảnh hưởng do hoàn thuế đối với chi phí sản xuất đầu vào.

“So sánh tổng thể 2 phương án thì tôi nhận thấy ở kịch bản thuế 5% tôi cho rằng đây là kịch bản tốt nhất có lợi ích hài hòa cho tất cả các bên: Doanh nghiệp sản xuất- Nhà nước- người tiêu dùng. Ngoài ra, thì phương án này còn giúp thúc đẩy sản xuất trong nước, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm. Điểm yếu của kịch bản này lại không có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng đối với sản phẩm nhập khẩu”, ông Phan Đức Hiếu cho hay.

Đối với kịch bản 0% thì có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu- người tiêu dùng nhưng không có lợi ích cho Nhà nước, đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn xã hội. Từ đó, chuyên gia Phan Đức Hiếu rất mong lần này Chính phủ cần tiếp tục tính toán kỹ lưỡng lợi ích chi phí của hai phương án để Quốc hội có thêm cơ sở lựa chọn phương án tối ưu.

Link nội dung: https://pld.net.vn/thue-vat-cho-phan-bon-ap-muc-5-hay-0-a16878.html