Thông tin từ ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, năm nay, toàn thành phố có 108.573 thí sinh đăng ký dự thi tại 196 điểm thi tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Trong đó, có 94.935 thí sinh dự thi theo chương trình Giáo dục Trung học phổ thông (THPT) và 13.638 thí sinh dự thi theo chương trình Giáo dục thường xuyên.
Năm nay thành phố Hà Nội đã điều động 15.115 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi cùng gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi.
Trước khi bước vào kỳ thi, bạn N.V. Hòa, học sinh trường THPT Thường Tín (Hà Nội) cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng tốt nghiệp THPT đã phải dành nhiều công sức ôn thi, tự luyện, tự nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm thi cử của những người đi trước. Ngoài ra cũng chuẩn bị tốt về kiến thức, sức khỏe, tâm lý… Dù vậy cũng không tránh khỏi lo lắng, bồn chồn vì đây là kỳ thi quan trọng sau 12 năm đèn sách.
“Nếu kết quả thi mà tốt thì tất nhiên là vui vẻ. Nhưng nếu không đạt được kết quả kỳ vọng, sẽ cảm thấy xấu hổ, không biết tương lai sẽ ra sao, gia đình cảm thấy thế nào? Cho nên không chỉ riêng em mà nhiều bạn khác cũng đều cảm thấy áp lực”, N.V. Hòa chia sẻ.
Một số học sinh cũng cho biết, trước kỳ thi nhiều gia đình tạo điều kiện thời gian, tiền bạc để các con tập trung ôn luyện, và đặt rất nhiều kỳ vọng vào con cái. Điều này là rất tốt, nhưng áp lực thành tích cao chính nỗi lo cho các học sinh.
L. H. Quân, học sinh Trường THPT Lý Tử Tấn (Hà Nội) chia sẻ: “Bố mẹ tạo điều kiện hết sức để em tập trung vào việc ôn thi, em hiểu bố mẹ không muốn con bị trượt, kết quả thi thấp. Em hiểu và cảm thấy lo lắng, vì áp lực thành tích rất lớn”.
Thực tế, nhiều năm trở lại đây do bị ảnh hưởng bởi xu hướng số đông, với nhiều phụ huynh ngày nay, việc con trượt các kỳ thi được xem là một thất bại lớn. Do đó, trong hầu hết các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp, phụ huynh luôn đặt kỳ vọng con em mình sẽ đạt kết quả thật cao, sẽ trúng tuyển vào trường đại học mà mình mong muốn, nên đôi lúc chẳng để tâm đến nguyện vọng, ước mơ của con em mình.
Để giảm áp lực tâm lý cho học sinh, trong giai đoạn ôn thi nước rút, phụ huynh và nhà trường nên quan tâm giải quyết vấn đề từ gốc rễ bằng việc động viên, chia sẻ khó khăn mà học sinh đang gặp phải trong quá trình học tập, ôn luyện. Qua đó, sớm nhận ra những vấn đề tâm lý đang tồn tại để có biện pháp tác động, can thiệp một cách kịp thời.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, đối với phụ huynh khi các con bước vào giai đoạn quan trọng thi cử, căng thẳng học tập thì sự trợ giúp, quan tâm và đồng hành của cha mẹ chính là giải pháp hữu hiệu nhất để tiếp thêm động lực cho con. Phụ huynh cần khích lệ để con vượt qua áp lực trong mùa thi. Hãy dành thời gian bên con, động viên và chăm sóc con đầy đủ cả về sức khỏe lẫn kiến thức.
Các bậc phụ huynh không nên so sánh con mình với bất kỳ một ai. Con sẽ rất áp lực trong mùa thi và khó chịu khi phụ huynh hay so sánh các con với một người khác.
Mặt khác, cũng không nên đặt nặng vấn đề "trượt - đỗ", để tâm lý căng thẳng của mình ảnh hưởng đến việc ôn tập và làm bài của con. Hãy để tâm lý các con thoải mái, giúp con cảm thấy bớt lo sợ hơn trước kỳ thi, biến những lo lắng của con làm động lực tích cực.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần đảm bảo con ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc. Một chế độ ăn uống cân bằng là rất quan trọng đối với sức khỏe của các con, sẽ giúp chúng cảm thấy khỏe mạnh trong thời gian ôn thi. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp các con cải thiện khả năng tư duy và sự tập trung.
Link nội dung: https://pld.net.vn/phu-huynh-lam-gi-de-giup-cac-con-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2024-a16884.html