SSI Research ước tính năm 2024, doanh thu của ACV đạt 23.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) 14.500 tỷ đồng. Sang năm 2025, tình hình tiếp tục khả quan với doanh thu 27.500 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, và LNTT 17,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ.
Chuyển biến tích cực
ACV hiện đang nắm độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh… Đồng thời, quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.
Mới đây, ACV công bố nhiều thông tin về sản lượng khách quốc tế và chuyến bay quốc tế. Sản lượng hành khách đạt gần 54,7 triệu khách, chiếm 48% kế hoạch năm 2024 và giảm gần 4% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 20,3 triệu khách, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, sản lượng cất, hạ cánh quốc tế cũng tăng mạnh hơn 27%, lên 126.703 lượt chuyến. Trong khi đó, cất hạ cánh trong nước lại giảm hơn 22%, chỉ đạt 206.138 lượt chuyến.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa của ACV cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng sản lượng hàng hóa, bưu kiện đạt gần 730 nghìn tấn, thực hiện 53% kế hoạch năm và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hàng hóa, bưu kiện quốc tế đạt 498 nghìn tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023; còn hàng hóa, bưu kiện trong nước đạt 231 nghìn tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
LNTT quý 2 của ACV ước đạt 2.354 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, ACV ghi nhận tổng doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 21,7% LNTT ước đạt 5.983 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ.
Thách thức tăng trưởng
SSI Research kỳ vọng sự phục hồi số lượng hành khách quốc tế tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho ACV trong năm 2024 và 2025. Cụ thể, SSI giả định tổng lượng hành khách năm 2024 tăng 14% so với cùng kỳ trước khi quay trở lại mức tăng trưởng thông thường trong dài hạn là 10% trong năm 2025. Trong đó, hành khách nội địa năm 2024 có thể giảm 3% so với cùng kỳ do một số máy bay bị dừng bay để sửa động cơ trong 6 tháng đầu năm 2024 trước khi tăng trở lại 5% trong năm 2025. Trong khi đó, hành khách quốc tế năm 2024 dự kiến sẽ tăng 67% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên theo SSI Research, đồng yên Nhật sẽ biến động không đáng kể trong năm nay so với VND. Ngược lại, trong năm 2025 đồng yên có thể sẽ tăng giá khoảng 2-3%, gây ra khoản lỗ tỷ giá 340 tỷ đồng cho ACV. Về mặt chi phí, ACV có thể cắt giảm dần dự phòng nợ khó đòi đối với các hãng hàng không từ năm nay, do các hãng hàng không đã cải thiện được dòng tiền (HVN, VJC) hoặc cắt giảm quy mô (Bamboo Airways, Pacific Airways).
Bên cạnh đó, với vốn đầu tư 100 nghìn tỷ đồng và thời gian khấu hao 20 năm đối với dự án sân bay Long Thành, ACV sẽ phải ghi nhận thêm 5 nghìn tỷ đồng/năm chi phí khấu hao vào năm 2027, làm giảm tốc độ tăng trưởng của ACV.
Ngoài ra, việc ACV chuyển sang sàn HoSE đòi hỏi phải giải quyết mọi vấn đề còn tồn đọng. Trong đó, có 2 vấn đề được kiểm toán viên nhấn mạnh: (1) chờ quyết toán cổ phần hóa và (2) ACV bắt đầu ghi nhận doanh thu, chi phí liên quan đến tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư (bao gồm cả đường băng) từ năm 2021.
Link nội dung: https://pld.net.vn/chuyen-dong-moi-tai-acv-a16926.html