Chứng khoán: Lợi nhuận tăng trưởng mạnh, định giá ngắn hạn kém hấp dẫn

Các công ty chứng khoán tiếp tục công bố lợi nhuận tăng trưởng trong quý II/2024. Tuy nhiên, ghi nhận kết quả kinh doanh có sự phân hóa.

Nếu nhìn trên kết quả kinh doanh quý I/2024 và ước 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy sự tích cực của ngành đã được phản ánh nhất định vào giá giao dịch theo kỳ vọng thị trường.

chungkhoan1-1721720739.jpg

Môi trường lãi suất thấp tiếp tục là một trong yếu tố kỳ vọng góp phần nâng thanh khoản thị trường. (Ảnh minh họa)

 

Thanh khoản thị trường tích cực

Ngành chứng khoán ghi nhận điểm sáng từ thanh khoản thị trường dồi dào trong 2 quý đầu năm 2024. Trung bình trong giai đoạn này, mỗi phiên giao dịch đạt 21.100 tỷ VND, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước.

ck-41-1721720739.jpg

 

Thị trường tiếp tục kỳ vọng duy trì thanh khoản dồi dào nhờ: Thứ nhất, nền lãi suất tiết kiệm thấp. Với áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nâng nền lãi suất trên thị trường mở, bán USD và tín dụng đang có tín hiệu cải thiện. Bên cạnh đó, ước tính lãi suất tiết kiệm sẽ tăng khoảng 1,0-1,5% ở các kỳ hạn, nhưng vẫn là mức lãi suất thấp tương đương với giai đoạn 2020-2021 và tăng trưởng huy động của hệ thống vẫn tiếp tục tích cực.

Thứ hai, trên thị trường chứng khoán, số lượng nhà đầu tư cá nhân tiếp tục tăng. Trong nửa đầu năm 2024, trung bình mỗi tháng có khoảng 120.000 tài khoản mở mới. Số liệu của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy luỹ kế từ đầu năm đến cuối tháng 6, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn 750.000 tài khoản. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tính đến cuối tháng 6 đạt xấp xỉ 8 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 7,98 triệu tài khoản, tương đương 8% dân số.

Chúng tôi kỳ vọng số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới với phổ cập của thị trường chứng khoán và sự kém hấp dẫn của các kênh đầu tư khác.

Định giá kém hấp dẫn trong ngắn hạn

Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành chứng khoán có nhịp tăng trưởng mạnh mẽ so với VN-Index, hiện tại đa số các cổ phiếu trong ngành chứng khoán đang giao dịch trên mức P/B trung bình 4 năm, phản ánh kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao được hỗ trợ bởi đà tăng của thị trường và cùng kỳ thấp, thêm đó là các thông tin về hệ thống KRX, cũng như tiến trình nâng hạng lên thị trường mới nổi được đẩy mạnh.

ck-51-1721720739.jpg

 

Dù vậy, chúng tôi đánh giá, các yếu tố hỗ trợ ngành chứng khoán trong giai đoạn tới đang yếu dần, khi tăng trưởng lợi nhuận của ngành dự báo sẽ chậm dần vào nửa cuối năm và thiếu các thông tin hỗ trợ thị trường như hệ thống KRX hay tiến trình nâng hạng. Do đó, chúng tôi đánh giá “Trung Lập” với ngành chứng khoán trong H2 2024.

Triển vọng sáng dài hạn nhờ nâng hạng

Trong báo cáo tháng 3/2024 của FTSE Russell, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nằm trong trong danh sách nâng hạng, 2 tiêu chí Việt Nam cần cải thiện là cơ chế Pre-Funding và Chi phí xử lý giao dịch thất bại.

Được biết, hiện Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các công ty chứng khoán đang quyết liệt phối hợp để nâng hạng thị trường, kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách thị trường mới nổi trong năm 2025 và chính thức lên hạng trong năm 2026 theo đánh giá của FTSE Russell.

Mới nhất, trong báo cáo tháng 6/2024 của MSCI, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục không nằm trong danh sách xem sét nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, nhưng đã có điểm cải thiện ở tiêu chí ” Khả năng chuyển nhượng không qua sàn” từ “” sang “+”.

Cập nhật từ phía cơ quan quản lý, UBCKNN mới đây cho biết đã hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi và bổ sung 4 Thông tư để đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường, đồng thời tích cực làm việc với phía tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư quốc tế. Theo đúng kế hoạch dự kiến, cơ quan quản lý đã đăng tải toàn bộ nội dung dự thảo sửa đổi 4 thông tư sau khi tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, các thành viên thị trường. Giới chuyên môn đánh giá các dự thảo với nội dung hoàn thiện có tính khả thi và mang đến hứa hẹn những cải thiện rốt ráo hơn nữa để đáp ứng các tiêu chí theo lộ trình nâng hạng. Đây là điều kiện rất quan trọng và rõ ràng cho triển vọng trung và dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm mang đến các cơ hội, triển vọng của ngành chứng khoán, hoạt động của các CTCK.

Đến ngày 22/7, đã có 21 CTCK có báo cáo kết quả kinh doanh quý II. Có thể điểm qua kết quả một số CTCK như sau:

Báo cáo tài chính riêng quý II của Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) ghi nhận tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 2.311 và 1.041 tỷ đồng, lần lượt tăng 44,5% và 59% so với cùng kỳ 2023. SSI ước hợp nhất doanh thu đạt 2.368 tỷ đồng và LNTT đạt 1,060 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ước đạt 4,381 tỷ đồng tổng doanh thu và 2,002 tỷ đồng LNTT, hoàn thành lần lượt 54% và 59% kế hoạch ĐHĐCĐ 2024 giao.

Tại thời điểm 30/6/2024, Công ty mẹ SSI có tổng tài sản đạt 70.291 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt gần 24.093 tỷ đồng. Lũy kế 4 quý gần nhất, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) tại thời điểm cuối quý II/2024 lần lượt đạt 12% và 4,2%. Trong quý II/2024, SSI giữ thị phần môi giới vị trí thứ 2 sau VPS tại HoSE.

Chứng khoán HSC (HoSE: HCM) cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế quý 2/2024 đạt 390 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức cao nhất trong 11 quý liền kề gần đây. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HSC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 736 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 51% kế hoạch năm 2024.

HSC cho biết kết quả trên được ghi nhận trong bối cảnh thị trường thuận lợi, giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 24.000 tỷ đồng/ngày, chỉ số VN -Index tăng hơn 10% từ 1.130 điểm vào cuối năm 2023 lên mức 1.245 điểm. HSC tăng trưởng ở tất cả các mảng kinh doanh. Doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty đạt 1.581 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt 468 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023. Quý II/2024, HSC tiếp tục giữ vị trí top 5 thị phần môi giới lớn nhất HoSE với 6,4%, cải thiện hơn so với mức 5,3% của cả năm 2023.

Chứng khoán Vietcap (HoSE: VCI) có kết quả quý II đầy tích cực với doanh thu hoạt động quý II đạt 915,9 tỷ đồng, tăng 82,9% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 279,2 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với quý II/2023. Trong quý II, CTCK này tiếp tục giữ thị phần top 6 và một trong những CTCK có chiến lược không cạnh tranh bằng “zero fee” mà chỉ hạ phí giao dịch đồng thời tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, song vẫn thành công về thị phần tăng trưởng.

Theo kế hoạch dự kiến, Vietcap đã lên phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, thời gian thực hiện dự kiến trong quý III hoặc quý IV/2024. Theo đó, công ty dự kiến phát hành gần 133 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 10:3 (tương đương 30%). Sau khi hoàn tất đợt tăng vốn, vốn điều lệ của VCI sẽ được nâng từ 4.419 tỷ đồng lên 5.744,7 tỷ đồng. Ngoài ra, VCI cũng sẽ chào bán riêng lẻ gần 144 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài chính, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Việc tăng nguồn vốn sẽ giúp công ty tăng năng lực cạnh tranh cung cấp dịch vụ, bên cạnh nguồn vốn vay hợp vốn quốc tế giá rẻ mà công ty này vẫn đang tận dụng hiệu quả.

Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS), có báo cáo kinh doanh quý II với doanh thu hoạt động trong kỳ  đạt hơn 599 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ. Mảng tự doanh đem về 328 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 5,4 lần cùng kỳ khi Lãi từ các khoản đầu tư tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) ở mức 376 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ, ngược lại lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL giảm 14% về dưới 45 tỷ đồng. Mảng môi giới cũng ghi nhận tăng trưởng 15% trong quý II với 67 tỷ đồng doanh thu. Lãi từ cho vay và phải thu đạt 141.5 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ.

Mặc dù chi phí hoạt động và chi phí quản lý đều tăng 27% so với cùng kỳ, song song với mức tăng doanh thu, nhưng sau cùng, SHS vẫn ghi nhận lãi ròng 354 tỷ đồng, tăng 151% cùng kỳ và là mức lợi nhuận quý cao thứ hai trong 2 năm trở lại đây. Đáng chú ý nếu tính nửa đầu 2024, SHS ghi nhận tăng trưởng môi giới cổ phiếu tới 47%, kết quả nhờ việc liên tục triển khai loạt giải pháp nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh cho mảng môi giới, từ nâng cấp hệ thống, ra mắt các sản phẩm mới và chính sách môi giới mới, và dự kiến sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong 6 tháng cuối năm.

Chứng khoán VPBank (VPBankS) cũng ghi nhận doanh thu hoạt động quý II đạt 647 tỷ, tăng 36% so với quý II/2023. Tuy nhiên chi phí hoạt động cao gấp gần 5 lần cùng kỳ, xấp xỉ 198 tỷ đồng. Kết quả, VPBankS ghi nhận LNTT quý II giảm 19% so với cùng kỳ xuống 318 tỷ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, VPBankS báo lãi trước thuế giảm 30% so với cùng kỳ xuống 500 tỷ đồng…

Thống kê của FinnTrade cho thấy trong 21 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý II/2024, có 11 CTCK báo doanh thu tăng so với 10/21 CTCK báo doanh thu giảm. 13/21 CTCK báo lợi nhuận giảm, chủ yếu tập trung ở nhóm vốn hóa nhỏ.

L.MỸ

 

Link nội dung: https://pld.net.vn/chung-khoan-loi-nhuan-tang-truong-manh-dinh-gia-ngan-han-kem-hap-dan-a17007.html