Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Báo cáo của huyện Chương Mỹ cho thấy, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn huyện đã có mưa, lượng mưa đo được từ 7 giờ ngày 22/7 đến 7 giờ ngày 29/7 là 406,1mm.
Tính đến 7 giờ ngày 29/7 mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt 7,40m (cao hơn báo động 3 là 0,4m); mực nước sông Đáy tại Ba Thá 6,30m (dưới mức báo động 3 là 0,3m).
Một số công trình thủy lợi như hai vai đập (tại xã Nam Phương Tiến và Tân Tiến) bị vỡ; hư hỏng 601m kênh (tại xã Hồng Phong, Phú Nghĩa, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến); 103 cầu, cống, đập nhỏ bị hư hỏng.
Đối với công trình đê điều, chiều dài đê bị ngập nước là 4.805m ( ngập từ 0,2 đến 90cm) thuộc địa bàn 11 xã.
Mưa lũ làm 1.343 hộ dân bị ngập từ 0,5-2m nước. 715ha lúa bị thiệt hại trên 70%; 444ha bị thiệt hại từ 30-70%. 242ha trồng ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70%. 1.540ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trên 70%.
Ước tính đến 7 giờ ngày 29/7/2024, qua thống kê sơ bộ, huyện Chương Mỹ bị thiệt hại khoảng 92 tỷ đồng do ảnh hưởng bão số 2.
Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ đã tổ chức cấp phát hơn 1.500 bình nước uống (loại 20lít/bình) và 50 thùng mì tôm tại các vùng ngập nặng; lắp đặt téc nước và cung cấp nước sạch tập trung tại 10 điểm; bố trí một trạm y tế lưu động trên địa bàn xã Nam Phương Tiến…
Để khắc phục những khó khăn trên, giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra, ổn định đời sống người dân, huyện Chương Mỹ đề nghị thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai và đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng một chương trình hoặc dự án tổng thể để đánh giá đưa ra giải pháp khắc phục mang tính chất lâu dài và bền vững.
Tại huyện Quốc Oai, tổng lượng mưa do ảnh hưởng của bão số 2 từ ngày 22 đến 29/7/2024 là 479mm.
Đến 11 giờ ngày 29/7/2024, trên địa bàn huyện có 789ha diện tích cây trồng nông nghiệp bị ngập. Các tuyến đường vẫn trong tình trạng ngập gồm: cầu Tân Phú, Cầu Đại Thành vẫn ngập sâu 0,4m; đường tỉnh lộ 421B đoạn từ thôn Cấn Thượng đi Đông Yên ngập sâu 1m.
Để bảo đảm đời sống người dân, huyện đã hỗ trợ 119 suất quà, mỗi suất gồm 10kg gạo, năm thùng mỳ tôm, 5 thùng nước uống loại 20 lít. Huyện đã hỗ trợ 30 triệu đồng cho một hộ tại xã Phú Mãn bị sập nhà do sạt lở đất.
Kiểm tra thực tế tại thôn Tân Tiến, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) và xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài biểu dương tinh thần chủ động của lãnh đạo, chiến sĩ, đoàn thể, ban ngành các huyện đã huy động tốt phương châm “4 tại chỗ” cùng với sự tham gia chung sức của người dân trong ứng phó với mưa lũ.
Lưu ý do điều kiện khách quan và khả năng lũ lụt còn tăng cường trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các huyện tiếp tục chủ động các phương án phòng, chống, hỗ trợ người dân.
Đối với huyện Chương Mỹ, đồng chí nhấn mạnh, vẫn còn hơn 1.000 hộ dân đang ở trong vùng lũ, huyện cần tính toán kỹ và tiếp tục sơ tán để bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.
“Trường hợp không vận động người dân sơ tán thì huyện phải báo cáo các sở, ban, ngành để yêu cầu người dân di chuyển. Phải đặt tính mạng của người dân lên hàng đầu”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Đồng chí đánh giá, huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo tốt, phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách” để hỗ hộ các hộ dân vùng ngập úng, tuy nhiên, về lâu dài, phải tính đến phương án bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho người dân ổn định chỗ ở. Trong đó, huyện phải bảo đảm đời sống cho người dân và không để ai bị đói, rét; bảo đảm sức khỏe, nhất là phải quan tâm đặc biệt tới người già, yếu thế, người tàn tật.
Đối với 4,8km đê nguy cơ suy yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ, lãnh đạo huyện phải khảo sát kỹ và báo cáo kịp thời lãnh đạo thành phố; bám sát tình hình trên quan điểm “lấy tính mạng người dân trên hết” để tập trung chỉ đạo trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu, khi nước rút, các huyện khẩn trương chỉ đạo, ổn định sớm cuộc sống cho người dân; quan tâm công tác vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh. Đối với lực lượng quân đội, xung kích tình nguyện, các huyện tính toán và có kế hoạch đề nghị thành phố chi viện khi cần thiết.
Cùng với đó, đồng chí cũng đề nghị các huyện phân công lực lượng chức năng ứng trực 24/24 giờ để xử lý kịp thời các sự cố do mưa lũ, không để bị động trước các tình huống nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản của người dân.
Link nội dung: https://pld.net.vn/bi-thu-thanh-uy-ha-noi-yeu-cau-bao-dam-doi-song-nguoi-dan-vung-ngap-lut-a17071.html