Việt Nam xuất siêu hơn 14 tỷ USD

Trong 7 tháng năm 2024, xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 439,88 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD.

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

tong-kim-ngach-xuat-nhap-khau-hang-hoa-pld-1722401837.jpg
Trong tháng 7/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 69,72 tỷ USD.

Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%, nhập khẩu tăng 18,5%.Về xuất khẩu hàng hóa, tháng 7 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,87 tỷ USD, tăng 9,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 26,05 tỷ USD, tăng 5,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước tính tăng 19,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 25,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 16,7%.

Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%.

Trong 7 tháng năm 2024 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 70,8%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2024, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,48 tỷ USD, chiếm 1,1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 199,94 tỷ USD, chiếm 88,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 19,27 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 5,29 tỷ USD, chiếm 2,3%.

Đáng chú ý, trong 7 tháng xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 57,5 tỷ USD tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,1 tỷ USD, giảm 14%; nhập siêu từ Trung Quốc 45,8 tỷ USD, tăng 65,4%. Ngược lại, nhập siêu từ Hàn Quốc 17,7 tỷ USD, tăng 15,7%; nhập siêu từ ASEAN 5,5 tỷ USD, tăng 21%.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), có nhiều yếu tố tích cực trên thị trường thế giới và trong nước đã giúp Việt Nam đạt mức xuất siêu cao.

Cụ thể, lạm phát tại Mỹ và liên minh châu Âu bắt đầu chững lại. Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn trên thế giới ngừng tăng lãi suất, thậm chí đang tính tới chuyện giảm lãi suất nếu lạm phát có xu hướng tiếp tục chững lại hoặc đi xuống.

xuat-khau-hang-hoa-thang-7-pld-1722401837.jpg
Xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước.

Việc các ngân hàng trung ương tạm ngừng tăng lãi suất khiến nhu cầu sản xuất, đầu tư cũng như tiêu dùng tăng lên sau thời gian dài trì trệ. Cầu thế giới tăng nhẹ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu của các nền kinh tế lớn.“Đặc biệt, sau thời gian khá dài giảm hoặc không nhập khẩu, tồn kho tại nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu sụt giảm mạnh, họ phải nhập khẩu trở lại để bù đắp”, Lê Quốc Phương nói.

Còn trong nước, ông Lê Quốc Phương đánh giá các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp nội địa đều có sự chuẩn bị tương đối sẵn sàng để đón đầu khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường thế giới tăng trở lại, đơn hàng tăng lên.

“Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu rất khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, nhưng họ vẫn luôn chuẩn bị các yếu tố như vật tư, nguyên vật liệu. Nhiều doanh nghiệp còn chú trọng giữ chân người lao động, cho làm việc luân phiên. Nhờ vậy, khi đơn hàng tăng lên, doanh nghiệp lập tức đón bắt được cơ hội”, ông Lê Quốc Phương bày tỏ.

Ở góc độ ngành hàng ông Lê Quốc Phương cho biết, thời gian qua ngay cả những năm kinh tế thế giới khó khăn, xuất khẩu các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, rau quả… vẫn tăng khá mạnh. Đầu năm nay, xuất khẩu gạo tăng cả lượng và giá do tác động của khủng hoảng lương thực trên thế giới.

Xuất khẩu cà phê cũng tăng cả lượng và giá. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu rau quả tăng mạnh ở một số thị trường, đặc biệt là Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu rau quả Việt Nam.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế bình luận thị trường trọng điểm xuất khẩu là Mỹ đang có nhu cầu tiêu dùng lớn, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã nắm bắt được các yêu cầu, quy định của thị trường Mỹ. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong cả năm 2024 đang đứng trước cơ hội bứt phá.

Ngoài ra, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Mỹ chính là cầu nối giữa Việt Nam và Mỹ trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, du lịch, kiều hối… Chênh lệch giá hối đoái VND/USD tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao. Theo đó, sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ có lợi thế giá rẻ do giá nhân công rẻ.

Link nội dung: https://pld.net.vn/viet-nam-xuat-sieu-hon-14-ty-usd-a17091.html