Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm và bài học hàng vạn hợp đồng sai lệch thông tin tại ABIC

Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm

kinh-doanh-bao-hiem-pld-1722404290.jpg

– Kinh doanh tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam nhận một khoản phí tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài để cam kết bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.

– Nhượng tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chuyển giao một phần trách nhiệm đã nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài trên cơ sở thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm có các nghĩa vụ cơ bản sau:

– Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

– Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

– Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

– Cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;

– Bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

– Giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

– Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

– Lưu trữ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

– Bảo mật thông tin do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;

– Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh những nội dung được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, trước đó nhiều năm, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 50 về hoạt động này.

Ngày 15/5/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Để doanh nghiệp nắm vững quy định pháp lý và triển khai thống nhất, hiệu quả Thông tư số 50/2017/TT-BTC nêu trên, nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã thường xuyên tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp bảo hiểm, nhằm nâng cao năng lực cán bộ tại những doanh nghiệp làm công tác này, qua đó nắm bắt rõ các quy định hiện hành về tỷ lệ phí bảo hiểm, thông tin hợp đồng bảo hiểm, trích lập dự phòng nghiệp vụ, biên khả năng thanh toán, nguyên tắc hạch toán doanh thu, chi phí đảm bảo rõ ràng, cụ thể hơn, đồng thời tăng cường năng lực quản trị và an toàn tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm…

Đến bài học hàng vạn hợp đồng sai lệch thông tin tại ABIC

Mặc dù, Luật đã quy định rõ và các cơ quan quản lý nhà nước cũng ban hành đầy đủ chính sách, văn bản pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tuy nhiên thời gian qua, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc, thạm chí sai phạm tại những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có kết luận về việc thanh tra hoạt động bán bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài và nội dung liên quan tại Công ty Cổ phần bảo hiểm Nông Nghiệp (ABIC).

den-bai-hoc-hang-van-hop-dong-sai-lech-thong-tin-tai-abic-pld-1722404290.jpg

Theo đó, Bộ Tài chính đã nêu rõ, những sản phẩm bảo hiểm cháy nổ tự nguyện, khi thanh tra chọn mẫu 30 Hợp đồng bảo hiểm, đoàn thanh tra phát hiện 3 hợp đồng bảo hiểm áp dụng tỷ lệ phí bảo hiểm không đúng biểu phí do công ty ban hành.

Cụ thể, tỷ lệ phí bảo hiểm ngắn hạn dưới 1 tháng được quy định là 15% Tỷ lệ phí bảo hiểm năm, nhưng khi áp dụng lệ phí bảo hiểm thì công ty lại tính dựa trên số ngày được bảo hiểm thực tế. Theo đó, chỉ 3 hợp đồng bảo hiểm nhưng phí bảo hiểm thực tế bị giảm hơn 215 triệu đồng so với quy định tại hợp đồng.

Đối với sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng, thanh tra chọn mẫu thấy có 5 Hợp đồng có thời gian thu phí bảo hiểm vượt quá thời hạn so với quy định của hợp đồng đại lý bảo hiểm giữa các chi nhánh thuộc công ty và đại lý phân phối.

Tại sản phẩm Bảo an chủ thẻ Sucess, Công ty Bảo hiểm ngân hàng Nông nghiệp ghi nhận thông tin về 806.495 hợp đồng không chính xác thông tin hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Cụ thể, trên giấy chứng nhận bảo hiểm chữ ký số chủ thẻ ghi nợ nội địa, số tiền bảo hiểm được ghi 10 triệu đồng/người/vụ, nhưng trên hệ thống của công ty số tiền bảo hiểm được ghi 30 triệu đồng/người/vụ. Thêm nữa, có 3 điều khoản bổ sung trên hệ thống bán bảo hiểm nhưng trên Giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ có 2 điều khoản bổ sung.

Khi thanh tra chọn mẫu, đoàn thanh tra cũng chỉ ra có 10.663 hợp đồng bảo hiểm áp dụng mức phí bảo hiểm chưa đúng, phí bảo hiểm biểu phí ban hành là 28.000 đồng/năm, nhưng thực tế áp dụng là 12.000 đồng/năm. Theo đó, chênh lệch phí bảo hiểm thực thu so với biểu phí là 511 triệu đồng.

Cùng với đó, Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp chưa ban hành quy định, quy trình về việc giải quyết thông tin phản ánh, kiến nghị tố cáo của khách hàng.

Thêm nữa, quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ của Công ty chưa quy định việc trưởng các bộ phận, đơn vị nghiệp vụ, các cá nhân có liên quan phải thường xuyên xem xét, đánh giá về tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, đánh giá về kết quả kiểm soát nội bộ tại bộ phận do mình phụ trách hoặc trong phạm vi nhiệm vụ được giao, chưa thực hiện đầy đủ theo quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BTC.

Bộ Tài Chính đề nghị Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp thực hiện rà soát, hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống các quy trình, quy chế, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy trình, quy chế. Cùng với đó, rà soát tăng cường quản lý việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng. Thêm nữa, Thanh tra cũng đề nghị rà soát, chấn chỉnh việc ban hành, chấp hành quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm bảo hiểm.

Được biết, tại thời điểm 31/12/2023, Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp có tổng tài sản là 3.957 tỷ đồng, trong đó hơn 3.000 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng Nông nghiệp. Cũng tại cuối năm 2023, Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp có vốn đầu tư của chủ sở hữu là 723,9 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu là 1.532 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm hơn 1.140 tỷ đồng, doanh thu tài chính hơn 79 tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế TNDN là 146 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Với những tồn tại nêu trên, đang thể hiện rõ nhiều bất cập trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, và câu chuyện này không chỉ là bài học riêng của ABIC, mà còn là thông điệp cảnh báo đối với khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm, là vấn đề về văn hóa và uy tín doanh nghiệp, cũng là trách nhiệm cần siết chặt, nâng cao công tác quản lý nhà nước tại các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương.

Link nội dung: https://pld.net.vn/nghia-vu-cua-doanh-nghiep-bao-hiem-va-bai-hoc-hang-van-hop-dong-sai-lech-thong-tin-tai-abic-a17094.html