Từ vụ bé trai bị hành hung ở sân chung cư New Horizon Hà Nội: Trẻ em được pháp luật bảo vệ như thế nào?

Vụ việc người đàn ông hành hung bé trai tại sân chung cư New Horizon Hà Nội đang gây xôn xao dư luận. Pháp luật quy định như thế nào về quyền trẻ em và việc bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi xâm hại? Những hành vi bạo hành trẻ em bị xử lý ra sao?

Bé trai bị hành hung tại sân chung cư New Horizon
Ngày 22/8, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại vụ việc hành hung trẻ em tại sân chung cư New Horizon 87 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, khiến dư luận bức xúc. Theo nội dung đoạn clip, khoảng 17h ngày 18/8, một người đàn ông lao tới hành hung, đánh đập bé trai khoảng 10-12 tuổi. Mặc cho cháu bé ngã xuống đất, người này tiếp tục dùng chân đạp vào mặt rồi dùng tay đánh liên tiếp vào đầu cháu bé.

Việc hành hung của người đàn ông trước sự chứng kiến của nhiều người dân xung quanh. Khi phát hiện sự việc, nhiều người đã chạy lại để can ngăn người đàn ông này.

chau-be-12-tuoi-1433-1724511671.jpg

Bé trai bị người đàn ông hành hung nhận nhiều thương tích.

Theo mẹ cháu bé, vụ việc diễn ra vào chiều 18/8. Thời điểm đó, bé trai đá bóng tại chung cư và có va chạm với một cậu bé khác. Sau đó, bé trai bị hành hung đến rách vùng đầu, nhiều thương tích khắp cơ thể.

Tiếp nhận thông tin về vụ việc, Công an phường Mai Động đã vào cuộc làm rõ, sau đó chuyển hồ sơ lên Công an quận Hoàng Mai thụ lý, điều tra.

Liên tiếp các vụ hành hung trẻ em gây rúng động dư luận
Liên quan đến hành vi hành hung trẻ em, ngày 16/8, tại quận Tây Hồ, một bé trai 9 tuổi trong khi bơi tại bể bơi ở phường Quảng An đã bị một người đàn ông quát mắng, dìm đầu xuống nước.

nguoi-dan-ong-quat-thao-dui-dau-be-trai-be-boi-45754702638871771841516-07220781966739958113987-1436-1724511671.jpg

Người đàn ông dìm đầu bé trai xuống bể bơi. (Ảnh: Chụp màn hình)

Theo Công an quận Tây Hồ, nguyên nhân của hành động trên là bé trai đã có những xô xát trong khi chơi tại bể bơi với 2 con trai của người đàn ông trên.

Trong clip ghi lại, người đàn ông mặc bộ quần áo màu trắng đã chửi mắng, buông những lời lẽ thô tục với một cháu bé và bắt cháu bé này phải xin lỗi con trai ông ta. Chưa dừng lại ở đó, người đàn ông này còn bước xuống bể bơi, dùng tay ấn đầu bé trai xuống nước khoảng vài giây. Hành động trên khiến cháu bé hoảng sợ, khóc và lập tức chạy ra xin lỗi theo yêu cầu của người đàn ông.

Công an phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng đã nắm được vụ việc và đang phối hợp Công an quận Tây Hồ tổ chức xác minh.

Trước đó, ngày 17/3/2024, tại sân đình Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội), một bé trai lớp 8 khi chơi bóng rổ đã xảy ra va chạm với bạn, sau đó bị người nhà của bạn đánh bất tỉnh, chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong.

Đến nay, vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Long Biên (Hà Nội) làm rõ và ra quyết định khởi tố bị can.

Mới đây nhất, ngày 19/8/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thị xã Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Công Minh (SN 1999, ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) về tội “Hành hạ người khác”.

Trước đó, Công an phường Phùng Chí Kiên (thị xã Mỹ Hào) nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc Trần Công Minh (hiện đang tạm trú tại tổ dân phố Long Đằng, phường Phùng Chí Kiên) có hành vi đánh đập cháu Vũ Quang H. (SN 2021, đang sống cùng với Minh). Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an phường Phùng Chí Kiên đã báo cáo vụ việc trên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thị xã Mỹ Hào để giải quyết.

Qua điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thị xã Mỹ Hào xác định, Trần Công Minh và chị Đặng Ngọc Huyền (SN 2001, ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) thuê trọ chung sống với nhau như vợ chồng (chưa đăng ký kết hôn). Chị Huyền có con riêng là cháu H.

Trong khoảng thời gian từ 17/7/2024 - 17/8/2024, Minh đã nhiều lần bực tức, trút giận đánh đập cháu H., làm cháu bị bất tỉnh, được người dân đưa vào Bệnh viện Đa khoa Phố Nối cấp cứu. Tại đây, cháu H. được chẩn đoán tụ máu thái dương phải, chấn thương bàng quang, chấn thương phần mềm nhiều vùng cơ thể do bị đánh.

Trẻ em được pháp luật bảo vệ như thế nào trước những hành vi xâm hại?
Từ những vụ việc trên, câu hỏi được đặt ra là trẻ em được pháp luật bảo vệ như thế nào trước những hành vi xâm hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng? Những hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý ra sao?

Trao đổi với PV Pháp luật và Phát triển, TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam - nêu rõ, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, thể hiện qua chính sách và pháp luật về bảo vệ trẻ em. Những hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em, xâm phạm đến quyền trẻ em đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Quyền trẻ em, các cơ chế bảo vệ quyền trẻ em
Theo TS. Đặng Văn Cường, năm 2004, Việt Nam đã ban hành Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, đến năm 2016 sửa đổi thành Luật Trẻ em. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam có đầy đủ các quy định và cơ chế để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành, bị xâm hại.

Điều 37, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các cơ quan tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chức năng nhiệm vụ của mình. Mọi hành vi bạo hành, ngược đãi, xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em là những hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị áp dụng các chế tài của pháp luật.

Luật Trẻ em 2016 quy định 23 quyền trẻ em, trong đó có các quyền:

...."16. Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

19. Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính

Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác"...

Như vậy, có thể thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam, từ Hiến pháp đến các văn bản luật và các văn bản dưới luật, đều quy định rất đầy đủ cụ thể về quyền trẻ em, về các cơ chế bảo vệ quyền trẻ em.

Vì vậy những hành vi xâm phạm trái pháp luật đến quyền trẻ em, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em 2016, bạo lực đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm. Do đó, hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tuỳ vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính đối với hành vi bạo hành trẻ em
Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP
quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên;

+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

Bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hầu hết những hành vi gây ra thương tích cho trẻ em đều bị xử lý hình sự. Bộ luật Hình sự quy định hành vi xâm phạm đến trẻ em là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc có thể cấu thành tội danh độc lập.

Người có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Với hành vi đánh đập trẻ em có khả năng dẫn đến nạn nhân tử vong, đối tượng hành hung trẻ em có thể xử lý hình sự về tội "Giết người" với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết người dưới 16 tuổi. Điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào giết người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình."

Vì vậy, hành vi hành hung, đánh đập trẻ em dù vì bất kỳ lý do gì, người thực hiện hành vi này cũng sẽ bị xã hội lên án, cơ quan chức năng cũng sẽ khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu hành vi được xác định là cố ý gây thương tích, dù thương tích chỉ một vài phần trăm thì cơ quan điều tra cũng vẫn sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý đối với người đã gây thực tích cho trẻ em về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Cần làm gì để bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành?
Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam - trường hợp trẻ em bị hành hung, bị bạo hành, những người xung quanh cần phải có sự hỗ trợ, can thiệp kịp thời để ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra; đồng thời trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được xử lý theo quy định của pháp luật.

Để bảo vệ trẻ em có hiệu quả, giảm bớt những vụ việc trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành, cần có sự vào cuộc chung tay của cộng đồng xã hội. Ngoài việc giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em để dần dần hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện khả năng bảo vệ bản thân, các bậc phụ huynh cũng cần dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Các cơ quan tổ chức có chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em thì cần chủ động tích cực trong công tác bảo vệ trẻ em từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp những vụ việc trẻ em bị xâm hại quyền để giảm thiểu đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra.

Cộng đồng xã hội sẵn sàng chung tay giúp sức để bảo vệ trẻ em, đấu tranh với những hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em để tạo ra một sức mạnh cộng đồng, những lá chắn trong hành trình bảo vệ trẻ em.

Phương Thúy

Link nội dung: https://pld.net.vn/tu-vu-be-trai-bi-hanh-hung-o-san-chung-cu-new-horizon-ha-noi-tre-em-duoc-phap-luat-bao-ve-nhu-the-nao-a17307.html