Phá đường dây lừa đảo 70 tỷ đồng, rửa tiền xuyên biên giới: Người dân cần làm gì để không trở thành nạn nhân?

Đường dây lừa đảo trên không gian mạng, rửa tiền xuyên quốc gia với số tiền hơn 70 tỷ đồng vừa bị triệt phá. Cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo đến người dân để tránh trở thành “con mồi” của kẻ lừa đảo?

Phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xuyên quốc gia trên không gian mạng
Công an huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) vừa triệt phá đường dây sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo và rửa tiền xuyên quốc gia. Với thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng mở tài khoản tín dụng, các đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt và rửa tiền với tổng số tiền trên 70 tỷ đồng.

Theo đó, Công an huyện Như Xuân đã khởi tố, bắt tạm giam Ngụy Phan Kiên (SN 1987, trú huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) về tội "Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản"; khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Lan Anh (SN 1999, trú huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Trần Hoàng Minh (SN 1991) và Hoàng Trọng Cường (SN 1989, đều trú huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) về tội "Rửa tiền".

doi-tuong-lua-dao-0905-1724512294.jpeg

Các đối tượng Ngụy Phan Kiên, Trần Hoàng Minh, Nguyễn Lan Anh và Hoàng Trọng Cường. (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an)

Ngoài ra, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội của hơn 20 đối tượng khác trong đường dây sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo và rửa tiền xuyên quốc gia.

Theo cơ quan công an, vào khoảng tháng 6/2024, Công an huyện Như Xuân tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của một công dân bị các đối tượng không rõ lai lịch trên không gian mạng mạo danh nhân viên ngân hàng mời chào, hướng dẫn mở thẻ tín dụng, sau đó chiếm đoạt số tiền 30 triệu đồng trong tài khoản vừa mở.

Vào cuộc điều tra, Công an huyện Như Xuân xác định đây là một đường dây tội phạm chuyên nghiệp trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi.

mau-tin-nhan-soan-san-cac-doi-tuong-luu-giu-0959-1724512294.jpeg

Mẫu tin nhắn soạn sẵn để mời chào, dẫn dụ người dùng được các đối tượng lưu giữ để thực hiện hành vi phạm tội. (Ảnh: Bộ Công an)

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa, sự phối hợp chặt chẽ của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, Ban chuyên án đã xác định được các đối tượng có liên quan.

Trong đó, một nhóm đối tượng tại Campuchia do Ngụy Phan Kiên làm trưởng nhóm đã thuê các căn hộ chung cư để cư trú và hoạt động. Tại đây, các đối tượng trang bị máy móc, thuê đường truyền Internet tốc độ cao để thu thập các tài khoản ngân hàng rác.

Tinh vi hơn, các đối tượng đã thuê lại phần mềm gọi điện qua Internet với 12 đầu số khác nhau; thuê phần mềm giả địa chỉ IP để phục vụ hoạt động phạm tội. Nhóm đối tượng này có nhiệm vụ giả mạo là nhân viên các ngân hàng để đăng thông tin quảng cáo trên các mạng xã hội như Telegram, Facebook, Zalo để thu thập thông tin khách hàng muốn mở thẻ với hạn mức từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Khi có thông tin khách hàng, chúng liền chuyển sang cho một nhóm khác (cũng hoạt động tại Campuchia) do Trần Hoàng Minh cầm đầu để nhóm này hướng dẫn khách hàng mở thẻ rồi dẫn dụ và đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, thông tin cá nhân của khách hàng.

Tiếp đến, các đối tượng chuyển về cho một nhóm đối tượng khác ở Việt Nam giả mạo bộ phận thẩm định của ngân hàng gọi điện lấy mã OTP và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Với các thủ đoạn trên, từ tháng 4 đến cuối tháng 6/2024, các đối tượng trong đường dây đã chiếm đoạt và rửa tiền hơn 70 tỷ đồng. Công an huyện Như Xuân đã thu giữ 35 điện thoại di động, 1 máy tính, 2 ô tô, toàn bộ phần mềm gọi điện lừa đảo của các đối tượng với 12 đầu số điện thoại ảo, hơn 7.847 cuộc gọi lừa lấy thông tin để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Mạo danh Ngân hàng Nhà nước gửi đường link cập nhật thông tin sinh trắc học
Liên quan đến thủ đoạn nói trên, gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ghi nhận có hiện tượng đối tượng lừa đảo mạo danh Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giả mạo giao diện hòm thư điện tử (email) của NHNN để gửi thông tin dẫn dụ người dân, khách hàng bấm vào đường link lừa đảo cập nhật thông tin sinh trắc học cho giao dịch ngân hàng.

Để tạo sự tin tưởng của khách hàng nhận thư, đối tượng lừa đảo đã trích dẫn một số quy định tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, ngày 18/12/2023 của NHNN về việc triển khai các giải pháp, an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng và yêu cầu người nhận thư cập nhật thông tin sinh trắc học theo đường link lừa đảo có trong email. Cụ thể, hòm thư điện tử giả mạo có địa chỉ “no-reply@sbvgov.site” gửi thông tin lừa đảo kèm 2 đường link: cập nhật thông tin sinh trắc học, yêu cầu thực hiện trước ngày 30/08/2024; toàn văn Quyết định số 2345/QĐ-NHNN (đính kèm email giả mạo).

gia-mao-ngan-hang-nha-nuoc-1509-1724512294.jpg

Email mạo danh Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đây là hành vi mạo danh Ngân hàng Nhà nước lừa người nhận thư thực hiện theo yêu cầu của kẻ lừa đảo để thu thập thông tin khách hàng.

Cụ thể, bằng cách dẫn dụ khách hàng nhận thư bấm vào đường link giả mạo để tải và cài đặt ứng dụng thu thập thông tin sinh trắc học, nhưng thực chất là tải về tệp (file) có chứa mã độc, phần mềm gián điệp, khai thác thông tin của khách hàng để chiếm quyền kiểm soát thiết bị cá nhân, tài khoản ngân hàng của khách hàng hoặc đánh cắp thông tin, dữ liệu nạn nhân để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

Hiện nay, NHNN chỉ cung cấp thông tin đến công chúng chính thức qua Cổng thông tin điện tử NHNN tại địa chỉ (https://www.sbv.gov.vn). NHNN không gửi thư điện tử (email) trực tiếp đến khách hàng của tổ chức tín dụng đề nghị cập nhật thông tin sinh trắc học.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị người dân, khách hàng các tổ chức tín dụng hết sức đề cao cảnh giác, không bấm vào các đường link lạ được gửi qua chat, SMS hoặc email; không cung cấp thông tin cá nhân cho các trang web không rõ nguồn gốc; không cung cấp mật khẩu dùng một lần (mã OTP), mật khẩu ngân hàng điện tử/ứng dụng ngân hàng di động (internet banking/ mobile banking)... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng; phải cẩn trọng, cảnh giác khi tiếp nhận, xử lý thông tin, yêu cầu từ các kênh thông tin không chính thức, không rõ nguồn gốc (như thông tin không phải từ các kênh thông tin chính thức của cơ quan nhà nước đã được công bố công khai).

Nghiêm túc thực hiện các quy định mở tài khoản thanh toán cho khách hàng
Trước thực trạng lợi dụng việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán để lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương, nghiêm túc thực hiện một số nội dung liên quan đến việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng là tổ chức.

Theo đó, tại văn bản số 6768/NHNN-TT, NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2024/TT-NHNN (Thông tư số 17) quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán đối với khách hàng tổ chức.

the-tin-dung-1053-1724512294.jpeg

NHNN yêu cầu rà soát các tài khoản thanh toán mở từ tháng 6/2024 đến nay. (Ảnh minh họa)

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương, nghiêm túc rà soát, kiểm tra, cập nhật thông tin hồ sơ mở tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức, đặc biệt là các tài khoản thanh toán mở từ tháng 6/2024 đến nay; Thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của người đại diện hợp pháp (bao gồm cả trường hợp mở tại quầy và mở bằng phương tiện điện tử) theo quy định.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng nghiên cứu có giải pháp để sớm triển khai các quy định tại Thông tư số 17 liên quan đến việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tổ chức như: Ban hành quy trình, quy định nội bộ về mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho khách hàng là tổ chức theo quy định.

Bên cạnh đó, triển khai áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức và các biện pháp đảm bảo việc sử dụng tài khoản thanh toán được thực hiện bởi người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản…

Làm gì để không trở thành nạn nhân của tội phạm trên không gian mạng?

lua-dao-tren-khong-gian-mang-1100-1724512294.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, đồng thời nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò của đối tượng lừa đảo qua không gian mạng, người dùng cần chú ý một số biện pháp phòng tránh như sau:

1. Khuyến cáo không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc đăng tải lên mạng xã hội.

2. Không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.

3. Không cung cấp tên đăng nhập (username), mật khẩu truy cập/mã PIN internet banking, mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng.

4. Không nhập tên đăng nhập, mật khẩu truy cập/mã PIN internet banking, mã OTP, số tài khoản,… của mình vào trang wed hoặc liên kết lạ khác với những trang wed chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng.

5. Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn mạng xã hội, kể cả là người thân, bạn bè. Trước khi chuyển tiền cho người thân, bạn bè, cần gọi điện thoại cho người đó để xác định lại nội dung chuyển tiền.

6. Cẩn trọng với các cuộc gọi thoại từ số lạ, đặc biệt là các đầu số từ nước ngoài.

7. Không nên tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng, vay tiền qua mạng, làm việc online - cộng tác viên cho các nhãn hàng… rồi chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận.

8. Tuyệt đối không được sử dụng số tiền "chuyển nhầm" vào việc chi tiêu cá nhân, chỉ nên làm việc và liên lạc với ngân hàng để giải quyết.

Khánh Huyền

Link nội dung: https://pld.net.vn/pha-duong-day-lua-dao-70-ty-dong-rua-tien-xuyen-bien-gioi-nguoi-dan-can-lam-gi-de-khong-tro-thanh-nan-nhan-a17309.html