Cảnh báo lấy hình ảnh tỷ phú Phạm Nhật Vượng và NSND Xuân Bắc cắt ghép để lừa đảo

Gần đây, trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh cắt ghép, chỉnh sửa, nội dung tỷ phú Phạm Nhật Vượng và NSND Xuân Bắc có "cú bắt tay lịch sử 2 triệu USD" với mục đích lừa đảo.

Mạo danh người nổi tiếng để lừa đảo

lua-dao-qua-mang-nsnd-xuan-bac-plpt2682024-1326-1724658082.jpeg

NSND Xuân Bắ cho biết, lừa đảo trên mạng bây giờ đã trở thành "phổ biến". (Ảnh minh họa).

Theo đó, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc đã lên tiếng khẳng định về sự việc hình ảnh của nam nghệ sĩ bị đối tượng xấu lấy cắp và sử dụng cho mục đích lừa đảo, đồng thời đề nghị các cơ quan thực thi pháp luật vào cuộc để tình trạng này không tiếp tục diễn ra.

Đây là hành vi vi phạm bản quyền về hình ảnh, vi phạm quyền của người tiêu dùng. Trong điểm tin an toàn thông tin trên không gian mạng tuần từ 19-25/8, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông tin đã cảnh báo người dùng mạng xã hội về hành vi lừa đảo tài chính liên quan giả mạo thông tin người nổi tiếng.

Cụ thể, ngày 15/8, trên Fanpage “Showbiz Trending - Đưa Tin 24h” xuất hiện bài viết giả mạo với nội dung về một hợp đồng trị giá 2 triệu đô giữa ông Phạm Nhật Vượng và nghệ sĩ Xuân Bắc cho nhãn hàng Tomford. Fanpage này đã cắt ghép hình ảnh của hai người để tăng tính thuyết phục cho người tiêu dùng, quảng cáo mã giảm giá nước hoa với mức giá chưa đến 1 triệu đồng một chai.

Chuyên gia bảo mật cảnh báo rằng với hình thức lừa đảo này, các đối tượng thường lập nhiều Fanpage giả mạo với giao diện tương tự như trang chính thức của thương hiệu. Họ sử dụng tên miền gần giống hoặc thay đổi một vài ký tự để làm cho trang web có vẻ hợp lệ, đồng thời cắt ghép hình ảnh của nghệ sĩ để tạo niềm tin.

Các bài đăng của các đối tượng lừa đảo thường có nội dung hấp dẫn như chương trình khuyến mãi, giảm giá sốc để thu hút người tiêu dùng. Kẻ xấu còn yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân như số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Đại diện Tập đoàn Vingroup khẳng định không có bất kỳ sự hợp tác nào với nhãn hàng nước hoa hay nghệ sĩ Xuân Bắc và việc sử dụng hình ảnh của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cùng nghệ sĩ Xuân Bắc là hành vi trái phép, nhằm mục đích lừa đảo.

Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo mọi người nên cẩn trọng với những thông tin trên mạng xã hội. Người dân cần kiểm tra tính xác thực của thông tin trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, đồng thời không cung cấp thông tin cá nhân trên các trang mạng không đáng tin cậy. Khi phát hiện các hoạt động giả mạo, người dân nên báo cáo ngay với các cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi gian lận.

2-130805-1724658133.jpg

Mạo danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các đơn vị thành viên của Petrolimex để lừa đảo. (Ảnh: Cục ATTT).

Đối với hình thức lừa đảo mạo danh trên, các đối tượng thường tạo lập các trang web giả mạo với tên miền tương tự như của công ty chính thức; sử dụng email giả mạo để gửi thông báo tuyển dụng, phỏng vấn hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

Đồng thời, các đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin của doanh nghiệp một cách trái phép để đăng tin tuyển dụng nhân sự với mục đích lừa đảo, gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các đối tượng còn yêu cầu ứng viên thanh toán các khoản phí hồ sơ, phí xử lý đơn tuyển dụng, hoặc phí đào tạo trước khi bắt đầu công việc; Đưa ra các lời hứa về mức lương cao, điều kiện làm việc tốt, hoặc các quyền lợi quá tốt so với thực tế, để thu hút ứng viên và lấy thông tin cá nhân.

Để làm tăng tính xác thực của công việc hoặc công ty, tạo lòng tin với nạn nhân, đối tượng còn cung cấp các giấy tờ hoặc chứng nhận giả mạo.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo mọi người cần cẩn trọng trước những bài đăng hoặc những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Người dân đặc biệt là người thường xuyên thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội cần kiểm tra tính xác thực của thông tin và người bán. Người tiêu dùng cần tìm kiếm thông tin về nghệ sĩ hoặc thương hiệu trên các trang web chính thức hoặc các nguồn tin cậy để xác minh sự hợp pháp của các sản phẩm được quảng cáo; tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ; không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc; không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức.

Khi phát hiện các hoạt động giả mạo, người dân cần gửi báo cáo/cảnh báo trên các nền tảng mạng xã hội, trang web liên quan hoặc cơ quan công an gần nhất để xử lý và ngăn chặn các hoạt động gian lận.

Tội phạm ghép hình ảnh nhạy cảm, lừa đảo, tống tiền 'người có địa vị'
Mới đây, Đại tá Trần Văn Dương - Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ - có văn bản gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện và doanh nghiệp nhà nước về việc "cảnh giác thủ đoạn cưỡng đoạt tài sản bằng công cụ trí tuệ nhân tạo".

Công an TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, trên địa bàn ghi nhận một số vụ việc có dấu hiệu “cưỡng đoạt tài sản” trên không gian mạng. Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để thực hiện cắt ghép hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân vào các hình ảnh được cắt ra từ clip có nội dung nhạy cảm và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định.

Theo đó, các đối tượng lừa đảo nhắm đến những người có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, chủ yếu là nam giới. Các đối tượng thu thập thông tin, hình ảnh, số điện thoại của nạn nhân từ các trang mạng xã hội hoặc tài khoản mạng xã hội. Đặc biệt, các đối tượng thu thập thông tin của các nạn nhân được chia sẻ ở chế độ công khai (public).

“Các thông tin này thường bị lộ, lọt trên không gian mạng do người dùng không thực hiện các biện pháp bảo mật khi sử dụng Internet, đặt mật khẩu không đủ mạnh hoặc truy cập vào các trang web kinh doanh hoạt động giải trí không lành mạnh (cờ bạc, mại dâm), truy cập vào các đường dẫn có đính kèm mã độc thường được gửi qua tin nhắn SMS hoặc thư điện tử” - Công an TP Cần Thơ đưa ra cảnh báo.

Sau khi có thông tin và hình ảnh, các đối tượng sử dụng công nghệ deepfake để ghép hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân vào các cảnh quay nhạy cảm trong nhà nghỉ, khách sạn.

Sau đó, các đối tượng giả danh là thám tử tư, liên hệ với nạn nhân, thông báo về việc phát hiện nạn nhân có mối quan hệ bất chính. Đối tượng gửi hình ảnh nhạy cảm đã được chỉnh sửa cho nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền để "chuộc lại" các clip và hình ảnh này.

Nếu nạn nhân không đồng ý, các đối tượng đe dọa sẽ phát tán những hình ảnh, clip nhạy cảm lên mạng xã hội hoặc gửi đến nơi làm việc, nhằm lợi dụng tâm lý hoang mang, sợ hãi, lo lắng của bị hại do ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân và thực hiện chuyển tiền.

“Khi bị hại thực hiện chuyển tiền lần đầu tiên, các đối tượng sẽ có cơ sở để gây áp lực, yêu cầu tiếp tục thực hiện chuyển thêm tiền với số lượng ngày càng tăng đến khi nạn nhân không còn khả năng tài chính”, Công an TP Cần Thơ đưa ra cảnh báo.

Công an TP khuyến cáo mọi người không cung cấp, trao đổi thông tin, hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội; thận trọng, cảnh giác với lời mời kết bạn từ người lạ; bình tĩnh, tuyệt đối không thực hiện yêu cầu chuyển tiền của các đối tượng và liên hệ với cơ quan công an gần nhất để trình báo và được hướng dẫn.

“Không hoảng sợ - Không làm theo yêu cầu chuyển tiền của đối tượng”
Hồi cuối tháng 7/2024, qua công tác tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của người dân, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện thủ đoạn mới của các đối tượng sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của người dân.

Cụ thể, các đối tượng tìm kiếm thông tin, hình ảnh, số điện thoại của nạn nhân (chủ yếu là nam giới, có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội) từ nhiều nguồn khác nhau (phố biến là hình ảnh, thông tin đăng tải trên các trang mạng xã hội hoặc tài khoản mạng xã hội của nạn nhân) và tiến hành cắt ghép hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân vào các hình ảnh được cắt ra từ các clip có nội dung “nhạy cảm” ở các nhà nghỉ, khách sạn…

Sau đó, đối tượng giả danh là thám tử tư gọi điện thoại thông báo nạn nhân về việc đối tượng phát hiện nạn nhân có mối quan hệ bất chính với những người phụ nữ khác; đồng thời, gửi cho nạn nhân các hình ảnh “nhạy cảm” đã được chỉnh sửa, cắt ghép với khuôn mặt của nạn nhân; yêu cầu nạn nhân phải chuyển một khoản tiền điện tử (USDT) với giá trị 80.000 USDT (tương đương hơn 2 tỷ đồng) vào ví điện tử (tài khoản: TTJAEq4mUB3PbiVJrutd2QjWWstCJmTZcY) để không bị đăng lên mạng xã hội, gửi tới các nơi làm việc và cho “chuộc lại” các clip và hình ảnh nhạy cảm trên.

Trường hợp nạn nhân bị “sập bẫy”, các đối tượng sẽ hướng dẫn mua tiền điện tử và chuyển đến các tài khoản ví điện tử theo chỉ định, sau đó bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, truy xét, xác minh làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước tình hình trên, Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân khi gặp các trường hợp tương tự phải nâng cao tinh thần cảnh giác với phương châm “Không hoảng sợ - Không làm theo yêu cầu chuyển tiền của đối tượng”; đồng thời, phải liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất (Công an phường, xã, thị trấn, Công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức) hoặc liên hệ Trực ban Công an Thành phố (qua số điện thoại 069.3187.344), Trực ban Phòng Cảnh sát hình sự (qua số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp Cơ quan Công an nhanh chóng điều tra, xử lý.

Nhật Duy

Link nội dung: https://pld.net.vn/canh-bao-lay-hinh-anh-ty-phu-pham-nhat-vuong-va-nsnd-xuan-bac-cat-ghep-de-lua-dao-a17331.html