Ba chính sách kinh tế mới: Giá bán điện, quản lý tiền ký quỹ, mua bán ngoại tệ
Hướng dẫn phương pháp lập giá bán điện bình quân
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BCT ngày 30/7/2024 quy định tính toán giá bán điện bình quân.
Thông tư 09/2024/TT-BCT hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Thông tư gồm 3 chương, 15 điều, áp dụng cho EVN và các đơn vị thành viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, Thông tư hướng dẫn chi tiết về phương pháp lập giá bán điện bình quân hàng năm và trong năm cũng như công thức tính toán để có kết quả giá điện cuối cùng.
Giá bán điện bình quân hàng năm và trong năm được tính toán dựa trên các chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành trong giá bán điện bình quân hàng năm/trong năm.
Để có cơ sở tính toán, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể phương pháp lập tổng chi phí của các khâu phát điện; truyền tải; dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; dịch vụ phân phối - bán lẻ điện; dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực; chi phí điều hành - quản lý ngành và lợi nhuận định mức...
Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương việc kiểm tra, rà soát và giám sát phương án giá bán điện bình quân do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng, điều chỉnh theo quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg và quy định tại Thông tư này.
Thông tư có hiệu lực chính thức từ 14/9/2024.
Hướng dẫn quản lý tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 57/2024/TT-BTC ngày 1/8/2024 hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường.
Theo Thông tư, Bên ký quỹ là tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Bên nhận ký quỹ là Quỹ Bảo vệ môi trường.
Tiền ký quỹ là khoản tiền bên ký quỹ gửi vào bên nhận ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường và xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
Bên nhận ký quỹ phải gửi toàn bộ tiền ký quỹ vào tài khoản ký quỹ riêng mở tại ngân hàng thương mại. Tài khoản ký quỹ là tài khoản độc lập với các tài khoản khác tại ngân hàng thương mại của bên nhận ký quỹ và theo dõi chi tiết tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ của từng dự án, tổ chức, cá nhân ký quỹ.
Tiền từ tài khoản ký quỹ chỉ được phép chi ra khi đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 37, Điều 76 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (nếu có) và quy chế nội bộ về việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ.
Tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ được bên nhận ký quỹ gửi tại các ngân hàng thương mại.
Lãi suất tiền ký quỹ bên nhận ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ.
Lãi suất tiền ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ đối với hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 37 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Lãi suất tiền ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ đối với hoạt động chôn lấp chất thải thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 76 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Định kỳ 6 tháng (trước ngày 31/7 của năm báo cáo và ngày 31/3 của năm sau năm báo cáo), bên nhận ký quỹ phải gửi Thông báo số dư ký quỹ và tiền lãi ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ tại thời điểm ngày 30/6 và 31/12 của năm báo cáo theo Phụ lục 3 của Thông tư này và công khai trên trang thông tin điện tử hoặc tại Trụ sở của bên nhận ký quỹ. Đối với báo cáo năm, bên nhận ký quỹ phải gửi kèm theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ phải được thuyết minh chi tiết tình hình tăng, giảm trong Báo cáo tài chính hằng năm của bên nhận ký quỹ. Bên nhận ký quỹ phải thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính hằng năm theo quy định của pháp luật.
Việc kiểm toán, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/9/2024.
Sửa quy định mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 43/2024/TT-NHNN ngày 9/8/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
Thông tư 43/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư 01/2014/TT-NHNN về việc mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước như sau:
Mua ngoại tệ từ ngân sách nhà nước:
Căn cứ vào kế hoạch bán ngoại tệ hằng năm của ngân sách nhà nước và văn bản đề nghị bán ngoại tệ của Bộ Tài chính và/hoặc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước từ ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.
Bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước:
Căn cứ văn bản đề nghị mua ngoại tệ của Bộ Tài chính để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án cân đối bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và thông báo với Bộ Tài chính.
Căn cứ vào phương án cân đối bán ngoại tệ đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện việc bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.
Tỷ giá mua, bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước:
Trường hợp mua, bán USD, tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ bằng tỷ giá mua, bán giao ngay tại phương án can thiệp; nếu tại thời điểm thực hiện không có phương án can thiệp hoặc tại phương án can thiệp không có nội dung về tỷ giá giao ngay thì áp dụng tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ bằng tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng đối với ngày thực hiện giao dịch.
Trường hợp mua, bán ngoại tệ khác ngoài USD, tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ được áp dụng trên cơ sở tỷ giá tính chéo của tỷ giá xác định tại điểm nêu trên và tỷ giá bình quân của giá mua và giá bán giữa loại ngoại tệ được mua, bán và USD được niêm yết trên thị trường ngoại hối quốc tế thông qua hệ thống mạng thông tin Refinitiv hoặc Bloomberg trước 10 giờ sáng của ngày giao dịch.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/9/2024.
Chính sách mới trong ngành giáo dục, y tế
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số
Khoản 3 Điều 2 Thông tư 11/2024/TT-BYT (có hiệu lực từ 1/9/2024), Bộ Y tế quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số từ hạng III lên hạng II như sau:
Viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Bác sĩ chính (hạng II), Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II), Y tế công cộng chính (hạng II), Dược sĩ chính (hạng II), Điều dưỡng hạng II, Hộ sinh hạng II, Kỹ thuật y hạng II, Dinh dưỡng hạng II, Dân số viên hạng II phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chung quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 11/2024/TT-BYT và trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III đạt một trong các thành tích, kết quả hoạt động như sau:
- Được cấp bằng Chuyên khoa cấp II hoặc Tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng;
- Đạt danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú", "Thầy thuốc nhân dân";
- Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên;
- Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên;
- Chủ nhiệm ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên và nhiệm vụ khoa học và công nghệ này phải được nghiệm thu từ mức đạt trở lên;
- Chủ nhiệm ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên và thành viên tham gia ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên và nhiệm vụ khoa học và công nghệ này phải được nghiệm thu từ mức đạt trở lên;
- Chủ trì ít nhất 2 đề án hoặc hướng dẫn, quy trình kỹ thuật chuyên môn trong lĩnh vực công tác từ cấp cơ sở trở lên hoặc sáng kiến cải tiến kỹ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành;
- Thành viên tham gia ít nhất 2 đề án hoặc hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực công tác được cấp bộ, cấp tỉnh ban hành.
Cho phép một số trường học được bổ nhiệm 3 phó hiệu trưởng
Khoản 2 Điều 1 Nghị định 83/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/9/2024) quy định như sau: Với các trường phổ thông có nhiều cấp học mà có từ 40 lớp trở lên thì được bố trí không quá 3 Phó Hiệu trưởng. Với các trường còn lại thì số lượng hiệu phó tối đa là 2 người.
Quy định này đã tăng số lượng hiệu phó của các trường phổ thông có nhiều cấp học từ ngày 1/9/2024 bởi Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 120/2020/NĐ-CP trước đây chỉ quy định Phó Hiệu trưởng ở các trường là đơn vị sự nghiệp công lập không quá 2 người.
Chính sách mới về doanh nghiệp và tài chính nhà nước
Chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên
Ngày 16/7/2024 Chính phủ ban hành Nghị định 89/2024/NĐ-CP về chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, tại Điều 3 Nghị định 89/2024/NĐ-CP đã quy định nguyên tắc thực hiện chuyển đổi như sau:
- Nguyên tắc kế thừa quyền, nghĩa vụ:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi; được sử dụng toàn bộ tài sản, lao động, diện tích đất do công ty được chuyển đổi đang quản lý để tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật;
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi gồm: các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất đai theo quy định pháp luật về đất đai, các nghĩa vụ và trách nhiệm khác;
+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kế thừa toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty nhà nước, công ty con chưa chuyển đổi.
- Nguyên tắc kê khai và thực hiện đăng ký doanh nghiệp:
+ Doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo đúng các thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại Quyết định chuyển đổi công ty nhà nước, công ty con chưa chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (sau đây gọi tắt là Quyết định chuyển đổi). Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi chịu trách nhiệm về các thông tin đã phê duyệt tại Quyết định chuyển đổi.
Đối với các thông tin không có tại Quyết định chuyển đổi, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin do doanh nghiệp tự kê khai.
+ Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Việc đóng dấu đối với các tài liệu khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan;
+ Người có thẩm quyền ký hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quy định tại Quyết định chuyển đổi;
+ Việc ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định về đăng ký doanh nghiệp.
- Nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp:
+ Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau khi đăng ký doanh nghiệp;
+ Cơ quan đăng ký kinh doanh không giải quyết các tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp, giữa thành viên của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân khác.
Sửa đổi quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước
Ngày 25/07/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 97/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Theo đó, tại khoản 15, khoản 16 Điều 1 Nghị định 97/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số quyền, trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập hoặc được giao làm đại diện chủ sở hữu tại điểm a, điểm e khoản 1 Điều 15 Nghị định 10/2019/NĐ-CP như sau:
Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không thuộc đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định 10/2019/NĐ-CP được đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu:
- Quyết định tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ doanh nghiệp;
- Phê duyệt phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp có giá trị trên mức phân cấp cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty theo quy định của pháp luật.
Link nội dung: https://pld.net.vn/nhung-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-92024-a17367.html