Quyết tâm đạt tăng trưởng 7% dù thách thức hơn do siêu bão

Các kịch bản tăng trưởng cao, nhiều khả năng đạt, thậm chí vượt ngưỡng trên của mục tiêu GDP năm 2024 tăng từ 6-6,5% được các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước dự đoán. Những mất mát, thiệt hại do siêu bão Yagi là một tham số cần phải tính đến, song Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm khoảng 7%.

img9103-17257863502661186265896-17265429304761621052734-1726545566.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tốc độ tăng trưởng ấn tượng 6,93% của nền kinh tế Việt Nam trong quý II/2024, cao hơn mức 5,66% vào quý I/2024 tạo cơ sở để chúng ta tin tưởng vào một kỳ tích mới của kinh tế Việt Nam năm 2024. Điều này cũng là cảm quan chung của các tổ chức kinh tế khi nhìn nhận về nền kinh tế nước ta.

Đầu tháng 7/2024, tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng", Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 2 kinh bản dự báo kinh tế vĩ mô năm 2024. Theo đó, tại kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55%, xuất khẩu cả năm dự kiến tăng 9,54%%, thặng dư thương mại ở mức 5,7 tỷ USD; tại kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,95%, xuất khẩu cả năm tăng 11,64%, thặng dư thương mại ở mức 7,3 tỷ USD.

Trong khi đó, giữa tháng 7/2024, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 lên 6,3%, cao nhất trong khối ASEAN. Từ góc nhìn của World Bank trong báo cáo điểm lại công bố cuối tháng 8/2024 dự báo, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong 2 năm 2025 và 2026.

Tinh thần quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao trong các quý III và quý IV/2024, phấn đấu cả năm đạt ngưỡng trên trong mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 do Quốc hội đề ra đã được thể hiện xuyên suốt trong các hội nghị và chỉ đạo về kinh tế, xã hội của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Kết quả kinh tế quý II/2024 và những thành tích được ghi nhận trong 2 tháng đầu của quý III/2024 chứng tỏ tinh thần đã biến thành hành động, các chỉ đạo đã được hiện thực hoá một cách hiệu quả.

Trong tháng 7 và 8/2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 và tháng 8 lần lượt tăng 11,2% và 9,5%. Sau 8 tháng năm 2024, chỉ số này tăng 8,6%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%.

Xuất khẩu vẫn là điểm sáng của toàn nền kinh tế, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá sơ bộ trong 8 tháng đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%, nhập khẩu tăng 17,7%, xuất siêu ước tính 19,07 tỷ USD.

Đáng chú ý, xu hướng phục hồi của doanh nghiệp tiếp tục được duy trì trong tháng 7 và 8.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2024, có 168.100 doanh nghiệp gia nhập thị trường, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 135.300 doanh nghiệp.

Nếu nền kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 6,5-7% trong quý III/2024, theo một chuyên gia kinh tế, để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 6,5%, tăng trưởng quý IV/2024 cần đạt khoảng 6,2%.

Trước thời điểm xảy ra trận bão Yagi, nhiệm vụ nêu trên tương đối khả thi. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 54,7 điểm, tháng 8 đạt 52,4 điểm, chứng tỏ ngành sản xuất vẫn đang phát triển tốt. Theo quy luật thông thường, đơn hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục dồi dào trong quý IV hàng năm, để phục vụ cho các dịp lễ hội cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Vì vậy, nhiều khả năng, xuất khẩu sẽ tiếp tục khả quan với chỉ số PMI từ tháng 9 tới cuối năm cao hơn mức trung bình.

Về đầu tư công, dù theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến ngày 31/8/2024, giải ngân đầu tư công đạt 274.501 tỷ đồng, đạt 37,01% kế hoạch và đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng thông thường, tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ tăng nhanh trong các tháng cuối năm. Cũng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ Chính phủ, đầu tư công chắc chắn là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam từ nay tới kết thúc năm 2024.

Tuy nhiên, siêu bão Yagi đã tàn phá rất ghê gớm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính bão Yagi gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó.

anh-ts-nguyen-tri-hieu-172654293027339083691-1726545566.jpg
Về động lực tăng trưởng trong những tháng sắp tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhất trí cho rằng đầu tư công là một trong những trọng điểm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh: VGP/Hoàng Hạnh

Quyết tâm rất lớn của Chính phủ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão số 3 và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa. Các địa phương này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước. Hải Phòng - một trong 2 địa phương bị bão Yagi "càn quét" - chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023. Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua - thiệt hại khoảng 23.770 tỷ đồng.
"Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết thêm, tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35%, quý IV hạ 0,22% so với kịch bản không có bão Yagi.

Tính chung cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (6,8-7%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng hạ 0,05% và dịch vụ 0,22%.

GRDP năm nay của nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5%.

Dù vậy, tại hội nghị ngày 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%. Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng cũng chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, mà trước hết là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình địa phương; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng…

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính, đều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ, bởi rõ ràng tham số bão Yagi cần phải được tính đến trên con đường chinh phục mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024. Trận bão vừa qua đã gây ra những thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Bắc, ảnh hưởng tới hạ tầng cầu đường, các cơ sở sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các diện tích lúa, hoa màu… Để giúp các tỉnh miền Bắc phục hồi, sẽ mất rất nhiều ngân sách và nguồn lực.

"Theo dự báo của World Bank, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 13% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Trận bão Yagi sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2024 nói riêng và cả năm 2024. Chúng ta sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa", TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Về động lực tăng trưởng trong những tháng sắp tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhất trí cho rằng đầu tư công là một trong những trọng điểm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngoài việc đầu tư lại các hạ tầng đã bị bão Yagi tàn phá, đầu tư công nên hướng đến các công trình, dự án quan trọng, có sức lan toả, làm nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2025 và các năm về sau.

Vị chuyên gia kinh tế tài chính lưu ý thêm, một nhiệm vụ cấp thiết nữa là hỗ trợ sự phục hồi hoàn toàn của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý… Đây cũng chính là những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo.

"Trong tháng 9/2024, nhiều khả năng, Fed sẽ khởi động quá trình giảm lãi suất. Điều này sẽ có tác động tích cực, giúp nền kinh tế Mỹ và thế giới dần hồi phục, nhu cầu hàng hoá từ Việt Nam sẽ gia tăng. Triển vọng kinh tế năm 2025 có thể sáng sủa hơn so với năm 2024", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Hoàng Hạnh

Link nội dung: https://pld.net.vn/quyet-tam-dat-tang-truong-7-du-thach-thuc-hon-do-sieu-bao-a17562.html