Kê khai tài sản thiếu trung thực: Xử lý chưa sát thực tế
Thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho biết, báo cáo kết quả thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4, Thanh tra Chính phủ cho biết, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trên nhiều mặt công tác.
Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023, Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, các cơ quan chức năng đã tổ chức cho 17.333.426 lượt cán bộ, Nhân dân tham gia; xuất bản 4.511.230 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; ban hành mới 52.431 văn bản để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, sửa đổi, bổ sung 1.410 văn bản, bãi bỏ 768 văn bản không phù hợp.
Liên quan đến công tác phòng ngừa tham nhũng, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trên các mặt về: công khai, minh bạch; xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
Các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 39.788 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 877 đơn vị vi phạm; tiến hành 17.535 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 1.331 vụ việc vi phạm, 1.898 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 802 tỷ đồng.
Tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội; tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 27.223 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 1.174 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Đáng chú ý, các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 116.059 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, có 1.528.775 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ; 31.317 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 10 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập là 14.251 cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước, các cơ quan đã phát hiện 289 vụ việc, 423 người có hành vi liên quan đến tham nhũng; 131 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 80 người.
Bên cạnh đó, ngành Thanh tra đã hoàn thành đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, năm 2022 của các địa phương; ban hành Bộ chỉ số và hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh hằng năm; xây dựng bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với bộ, ngành Trung ương làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước.
Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch Xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; ban hành Kế hoạch của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ và của Tổng Thanh tra Chính phủ - Thành viên Ban Chỉ đạo theo chương trình công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Thanh tra Chính phủ hằng năm; Kế hoạch luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác giai đoạn 2023-2027 của Thanh tra Chính phủ nhằm phòng ngừa tham nhũng; Kế hoạch, nghị quyết thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
Trong thời gian tới, ngành Thanh tra tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, tăng cường theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương; xây dựng bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với các bộ, ngành, địa phương; mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030; tiếp tục xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh...
Việc kê khai tài sản không trung thực là đã vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng và những người nào có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không đúng sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Đối với cán bộ, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 nghị định 112 CP có quy định về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Bãi nhiệm.
Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 20 nghị định 130CP cũng có quy định:
“Xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai
1. Người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.”
Dẫn chiếu, đến Điều 51 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định:
(1). Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
(2). Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
(3). Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Như vậy, những cán bộ không thuộc trường hợp quy định tại khoản (1), khoản (2 )nêu trên nếu kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, cách chức, hoặc bãi nhiệm.
Các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ có nêu ở trên bao gồm hình thức khiển trách, tuy nhiên đối với hành vi vi phạm về việc kê khai tài sản không trung thức thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.
Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí đã thông tin nhiều trường hợp phát hiện cán bộ vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm kê khai tài sản thiếu trung thực, vi phạm các quy định pháp luật hiện hành.
Góc nhìn thực tiễn qua các sự việc lùm xùm của cán bộ kê khai thiếu trung thực
Mới đây, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức, đã ký quyết định cách chức Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương do không trung thực và đối phó khi kê khai tài sản. Trước đó, bà Hương đã bị kỷ luật bằng cách cách chức Phó bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch.
Hồi tháng 3 vừa qua, bà Hương bị một nhóm lừa đảo sử dụng công nghệ cao, xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu bà Hương mở tài khoản để chuyển tiền vào. Tiếp đó, nhóm công nghệ cao đã xâm nhập vào tài khoản chiếm đoạt hơn 170 tỉ đồng trong tài khoản.
Vào cuộc kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai xác định bà Nguyễn Thị Giang Hương có khuyết điểm, vi phạm: kê khai tài sản không trung thực", vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định của Bộ Chính trị.
Thông tin trên các cơ quan báo chí cho thấy, thời gian qua, một số phản ánh việc ông Lê Đình Cường - hiện đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có dấu hiệu vi phạm các điều đảng viên không được làm đã chưa được làm rõ thì đến ngày 15/05/2024 vừa qua, ông Lê Đình Cường tiếp tục được bổ nhiệm lại chức vụ Phó Giám đốc khiến nhiều cán bộ, nhân viên hoài nghi.
Cụ thể, trong năm 2023 ông Lê Đình Cường đã thực hiện 2 lần kê khai tài sản thu nhập hàng năm. Mặc dù 2 lần thực hiện kê khai tài sản nhưng ông Lê Đình Cường vẫn không thống kê đầy đủ những tài sản mà vợ ông (bà B.T.T.H. đã thực hiện giao dịch mua bán - ở đây là các bất động sản có giá trị).
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Giáo dục thời đại, trong năm 2023 ông Lê Đình Cường đã thực hiện hai lần kê khai tài sản thu nhập hàng năm.
Tại bản kê khai tài sản, thu nhập hàng năm (năm 2023) ký ngày 08/8/2023, ông Lê Đình Cường kê khai đang sở hữu thửa đất thứ nhất tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, với diện tích 55,1m2; được thừa kế năm 2018.
Về nhà ở, ông Cường sở hữu nhà ở thứ nhất tại địa chỉ trên; với loại nhà ở riêng lẻ 4 tầng, diện tích sử dụng 220m2, gắn liền với GCN quyền sở hữu số CH0007x.
Ngoài ra, ông Cường sở hữu ngôi nhà thứ 2 là căn hộ ở Khu Đoàn ngoại giao, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, với diện tích 211,5m2, có giá trị 6,33 tỷ đồng. Căn hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17/03/2023, chủ sở hữu là ông Lê Đình Cường và vợ là bà B.T.T.H.
Về phương tiện, ông Cường kê khai gồm: xe ô tô Mercedes E200, có giá trị 2,15 tỷ đồng; và xe ô tô Toyota Yaris, có giá trị 400 triệu đồng.
Thu nhập từ lương, thưởng, phụ cấp, thu nhập tăng thêm do bệnh viện chi trả của ông Cường là 268 triệu đồng và 105 triệu đồng từ tiền cho thuê 01 căn nhà 4 tầng.
Tại lần kê khai tài sản lần thứ 2 vào cuối năm 2023, ông Cường đã bổ sung thêm một số tài sản khác. Về đất đai, ông Cường kê khai thêm thửa đất thứ 2 là lô 4.2-11 tại Dự án Nhà ở để bán khu đô thị Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội). Mảnh đất này có diện tích 333,3m2, trị giá hơn 3 tỷ đồng. Theo ông Cường, mảnh đất trên có được là từ nguồn tiền mẹ vợ và anh vợ giao cho vợ ông quản lý, đầu tư, sử dụng, kinh doanh.
Tuy đã hai lần thực hiện kê khai tài sản nhưng ông Cường vẫn không thống kê đầy đủ những tài sản mà vợ ông (bà B.T.T.H.) đã thực hiện giao dịch mua bán.
Theo Thanh tra Bộ Y tế, sau khi nhận phản ánh của một số cơ quan báo chí, Bộ Y tế đã giao Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ phối hợp kiểm tra, xác minh.
Sau đó, ngày 1/3/2024 Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 176/TTrB-P4 do ông Nguyên Mạnh Cường - Chánh Thanh tra ký phản hồi một số nội dung báo chí nêu.
Văn bản trên nêu rõ: Việc đồng chí Lê Đình Cường thực hiện kê khai bổ sung trong bản kê khai tài sản thu nhập ngày 22/12/2022 chưa đúng với hướng dẫn quy định tại Điểm 5 Mục III phần B phụ lục 1 kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thanh tra Bộ Y tế cho biết: Theo báo cáo giải trình của đồng chí Lê Đình Cường: Vợ đồng chí có giao dịch, mua bán bất động sản, diện tích khoảng 300m2, ở địa chỉ Lô 4.2-11 tại Dự án nhà ở để bán khu đô thị Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) có giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số CS 11629.
Số tiền chuyển nhượng mảnh đất có nguồn gốc là từ mẹ vợ (kèm theo biên bản họp ngày 12/9/2023 của gia đình nhà vợ và anh chị em bên vợ đã tin tưởng giao cho vợ ông Cường là bà Bùi Thị Thanh Huyền đứng tên quản lý, kinh doanh giúp); cá nhân ông Cường nhận thức không phải là tài sản của vợ chồng, vì vậy có giấy tờ từ chối tài sản ngay trước khi chuyển nhượng mảnh đất.
Văn bản của Thanh tra Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Thanh tra bộ có Công văn số 1259/TTrB-P4 ngày 06/12/2023 gửi Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với cá nhân ông Lê Đình Cường và yêu cầu thực hiện việc kê khai tài sản thu nhập bổ sung; Kết quả báo cáo Bộ Y tế trước ngày 15/12/2023; Đến nay bệnh viện đã thực hiện xong theo nội dung chỉ đạo của bộ Y tế (Công văn số 2397/CV-PSTW ngày 27/12/2023 của Bệnh viện Phụ sản Trung ương).
Cũng tại văn bản này, Thanh tra Bộ Y tế cho biết, đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn cho 103 đơn vị với 450 người là đối tượng phải kê khai tài sản, những người này sau đó sẽ về tập huấn, phổ biến cho các đối tượng phải kê khai trong đơn vị.
Qua sự việc của ông Lê Đình Cường, điều dư luận quan tâm là việc kê khai không trung thực đã được quy định cụ thể tại Quy định 69 QĐ/TW năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm cũng như Luật phòng, chống tham nhũng đã ban hành; Thanh tra Bộ Y tế cũng đã chỉ rõ sai phạm của ông Lê Đình Cường.
Hay như vừa qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho biết ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.
Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo Quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thống nhất đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Đức Thọ.
Có thể thấy giải trình không trung thực về tài sản, đó là một trong những lý do Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đề nghị xem xét, xử lý kỷ luật. Nhưng điều mà dư luận đặt vấn đề là tài sản của ông Lê Đức Thọ như thế nào, mà không giải trình về nguồn gốc và biến động một cách minh bạch, trung thực. Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc trong Đảng và Nhân dân. Là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, là người đứng đầu Đảng bộ một tỉnh, đúng ra ông Lê Đức Thọ cần phải nêu gương đi đầu trong thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc kê khai tài sản.
Việc Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre ông Lê Đức Thọ bị đề nghị xem xét, xử lý kỷ luật vì giải trình tài sản không trung thực, là việc làm cần thiết, kịp thời để cảnh báo, cảnh tỉnh là “gương” để tất cả cán bộ, đảng viên khác soi chung.
Thiết nghĩ qua trường hợp của ông Lê Đức Thọ và đâu đó ở các cơ quan, đơn vị, địa phương còn trường hợp không trung thực kê khai tài sản chưa bị phát hiện cần điều chỉnh thái độ và hành vi của mình.
Kê khai tài sản không trung thực được hiểu là kê sai với con số thực, đương nhiên là kê khai thấp hơn tài sản sở hữu. Hoặc, tài sản của mình nhưng để cho người khác đứng tên, rồi giấu giếm số tài sản đó.
“Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc”, cho thấy thời gian qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế. Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đảng viên được kỳ vọng là biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Một số bản kê khai chưa được kiểm tra, xác nhận… Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc; công tác quản lý theo dõi việc kê khai, công khai, xác minh về tài sản thu nhập chưa có tính hệ thống.
Chấp hành quy định pháp luật là nghĩa vụ của mỗi công dân; thực hiện nêu gương là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên. Thiết nghĩ, để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được thực hiện có hiệu quả, các cấp ủy đảng, cơ quan, tổ chức không thể dung túng với các cá nhân cố tình vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng (2018).
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc 2 trường hợp trên mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập còn quy định: người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Trả lời báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chỉ rõ thực tế thời gian qua có câu chuyện các cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập vẫn tiến hành kê khai. Tuy nhiên, kê khai xong lại "đút ngăn kéo cất đi". Chính vì kê khai nhiều nhưng không tiến hành xác minh dẫn đến không ít cán bộ kê khai không đúng, không trung thực, không khai. Ông Túc chỉ rõ, chính việc không khai, khai không trung thực là nguyên nhân dẫn đến không ít cán bộ trong bản kê khai tài sản chỉ có rất ít tài sản nhưng khi bị công an tiến hành khám xét do liên quan các vụ án tham nhũng thì phát hiện nhiều tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.
Thời gian tới, theo ông Túc, việc kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện kê khai phải đi vào thực chất. Trong đó, phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu trong việc kê khai trung thực tài sản, thu nhập. Điều quan trọng hơn, cần sớm thực hiện việc đã kê khai là phải được xác minh.
"Chúng ta đưa ra chủ trương, quy định kê khai mà không thực hiện giám sát, không xác minh thì dễ dẫn đến hình thức, không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò giám sát, nhất là của người dân ở địa bàn nơi cán bộ, đảng viên đó cư trú để việc kê khai đạt yêu cầu", ông Túc đề xuất.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho Báo Tuổi trẻ biết, nhóm nghiên cứu của ủy ban nhận định việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong năm 2024 tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quan tâm điều chỉnh cách thức triển khai để phát huy hiệu quả. Đáng chú ý, theo nhóm nghiên cứu, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
"Thực tế xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy nhiều trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc. Qua phản ánh của dư luận, cử tri cho thấy tình trạng kê khai tài sản, thu nhập không trung thực diễn ra còn nhiều", ông Cường nêu.
Theo nhóm nghiên cứu, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã tiếp tục được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Minh chứng đã có 16.351 người được xác minh tài sản thu nhập năm 2023. Qua đó có 19 người bị kết luận không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và bị xử lý kỷ luật (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, kỷ luật bằng hình thức cách chức…).
Số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được tiến hành còn ít, vi phạm được phát hiện không nhiều.
Hoàng Lê
Link nội dung: https://pld.net.vn/goc-nhin-phap-ly-tu-cac-truong-hop-can-bo-ke-khai-tai-san-thieu-trung-thuc-a17838.html