Giảm mức tiền phạt vi phạm nồng độ cồn
Bộ Công an công bố dự thảo Nghị định mới về xử phạt vi phạm giao thông để sửa đổi Nghị định 100. Đáng chú ý, điểm mới của dự thảo lần này là hạ mức xử phạt một số hành vi và đưa quy định trừ điểm bằng lái xe vào thực hiện.
Dự thảo Nghị định mới có tên gọi "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe".
Dự thảo Nghị định có 4 chương, 51 điều. Điểm mới được quy định của dự thảo về các hành vi vi phạm này là trừ điểm giấy phép lái xe. Khi áp dụng nội dung này, mỗi người dân có bằng lái xe sẽ được cộng 12 điểm/năm; trong một năm nếu vi phạm bị trừ hết điểm sẽ phải thi sát hạch để được cấp lại bằng, trong năm đó, số điểm bị trừ không vượt quá 12 điểm thì sẽ được khôi phục lại 12 điểm mới vào năm sau.
Việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe như hiện nay.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe, trong đó, 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ ngay 12 điểm/lần vi phạm. Gồm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%; đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ trên 35km/h. Đây là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông...
Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng đối với lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức tiền phạt từ 6 - 8 triệu đồng. Đối với vi phạm nồng độ mức 2 và mức 3, có nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên quy định xử phạt tiền như trong Nghị định 100, chỉ đề xuất thay đổi quy định tước giấy phép lái xe thành quy định trừ điểm giấy phép lái xe.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Theo quy định hiện hành, mức phạt tiền áp dụng từ 2 - 3 triệu đồng.
Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn
UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 3116/UBND-ĐT chỉ đạo các đơn vị về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Theo đó, UBND TP giao Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Cụ thể, UBND TP yêu cầu các đơn vị quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm;
Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vinh dự, trách nhiệm và yêu cầu về tiên phong, gương mẫu trong chấp hành pháp luật về giao thông;
Vận động bạn bè, người thân chấp hành và không lợi dụng uy tín, vị trí công tác để can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông của các lực lượng chức năng, nhất là vi phạm nồng độ cồn;
Xác định việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông có ý nghĩa rất quan trọng để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật, trước hết là pháp luật giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội.
UBND TP cũng yêu cầu khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cán bộ căn cứ quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định riêng của cơ quan, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định; việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm;
Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, gồm cả giám sát từ Nhân dân về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi tham gia giao thông đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang.
UBND TP giao Giám đốc CATP chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần "thượng tôn pháp luật", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông.
Quá trình xử lý phải tiến hành xác minh, nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm phải được thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Đối với các trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn gây tai nạn giao thông, có hành vi chống đối, gây rối trật tự công cộng, cản trở hoạt động thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng, phải khẩn trương củng cố hồ sơ, điều tra, phối hợp với các cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức quán triệt, chấn chỉnh trong toàn lực lượng về việc gương mẫu chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia và chấp hành việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng;
Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn do người và phương tiện của Quân đội quản lý gây ra; kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng trong Quân đội vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm...
Yến Nhi
Link nội dung: https://pld.net.vn/bo-cong-an-de-xuat-giam-sau-muc-tien-phat-vi-pham-nong-do-con-tru-diem-bang-lai-xe-a17849.html