Tạm giữ trên 10.000 chai nước hoa nghi nhập lậu
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, chiều 3/10, Tổ Thương mại điện tử thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường vừa đột xuất kiểm tra kho hàng và tiến hành tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu tại chung cư Eco Green (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội).
Đáng chú ý, cơ quan chức năng cho biết đây là sản phẩm được hot TikToker Phan Thủy Tiên với hơn 4 triệu lượt follow (theo dõi) thường xuyên livestream bán trên sàn thương mại điện tử TikTok Shop, chốt hàng trăm đơn mỗi ngày.
Cụ thể, tại tầng 1 tòa CT3 thuộc chung cư này, đoàn kiểm tra ghi nhận địa điểm kinh doanh được bố trí bài bản với đầy đủ các khu vực livestream, khu vực chốt đơn, khu vực máy tính phục vụ việc tăng lượt xem ảo cho các video, khu vực đóng gói và kho hàng.
Các khu vực được bố trí riêng biệt nằm trên mặt sàn rộng khoảng 1.000 m2. Địa điểm này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali, do ông C.V.T. làm Tổng giám đốc.
Tại khu vực đóng gói, đoàn kiểm tra ghi nhận 2 bao tải chứa hàng trăm đơn hàng là nước hoa đã được đóng gói hoàn chỉnh được chốt từ phiên livestream trước đó.
Phía trên mỗi đơn hàng ghi thông tin người nhận ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như Quảng Ninh, Tây Ninh, TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Nai... Mỗi đơn hàng có giá vài chục đến vài trăm nghìn đồng, chờ được giao cho đơn vị vận chuyển J&T Express để vận chuyển đến tay người tiêu dùng.
Sau khi xác định được vị trí kho hàng của công ty, đoàn kiểm tra phát hiện hàng chục thùng carton được xếp thành từng chồng cao, vẫn nguyên đai nguyên kiện. Qua kiểm đếm, đoàn ghi nhận trên 10.000 sản phẩm là nước hoa các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri…
Đoàn kiểm tra ghi nhận trên các sản phẩm nước hoa không có thông tin thể hiện nguồn gốc xuất xứ. Trên sản phẩm hiển thị ngôn ngữ nước ngoài, tuy nhiên không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Cơ quan chức năng cho biết hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.
Toàn bộ sản phẩm được bán chủ yếu bằng hình thức livestream trên một số tài khoản TikTok, Facebook, đặc biệt trên tài khoản TikTok "Phan Thủy Tiên" hơn 4 triệu lượt follow.
Làm việc với đoàn kiểm tra, đại diện công ty chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của lô nước hoa trên. Lực lượng Quản lý thị trường đang tiếp tục kiểm đếm, phân loại và tiến hành các thủ tục niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm.
Được biết kho hàng này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali đã hoạt động từ năm 2018, tiền thân là công ty sản xuất và phân phối các sản phẩm làm trắng răng từ than hoạt tính. Hiện doanh nghiệp này phát triển nhiều ngành nghề trong đó có thương mại, bất động sản, năng lượng.
Trên website công ty, ông Lê Diên Hạnh được giới thiệu là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty còn bà Phan Thủy Tiên là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.
Công ty này có vốn điều lệ ban đầu 1 tỷ đồng, do ông Hạnh góp 850 triệu đồng, tương đương 85% vốn điều lệ; bà Tiên góp 150 triệu đồng, tương đương 15% vốn. Đến đầu năm 2021, doanh nghiệp này tăng vốn lên 10 tỷ đồng, trong đó ông Hạnh góp 8,5 tỷ đồng và bà Tiên góp 1,5 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử đang được toàn lực lượng tăng cường triển khai, thực hiện.
Thời gian qua, nhiều vụ việc nổi bật kinh doanh hàng hóa vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử như TikTok, Facebook đã được lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý, trong đó có cả việc kiểm tra xử lý đối với những hot girl bán hàng nổi tiếng như Mailystyle...
Hot TikToker Phan Thủy Tiên là ai?
Phan Thủy Tiên tên thật là Phan Thị Thủy Tiên, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Phan Thủy Tiên được biết đến với vai trò TikToker, Youtuber nổi tiếng và cũng đang giữ chức danh Giám đốc đại diện thương hiệu Zenpali T tại Công Ty TNHH Thương Mại & Dịch vụ Zenpali-T.
Thủy Tiên từng gây chú ý khi xuất hiện trong một đoạn video trả lời phỏng vấn của đài SBS (Hàn Quốc) sau khi kết thúc trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Hàn Quốc tổ chức tại Indonesia vào năm 2018. Với ngoại hình xinh đẹp, Thủy Tiên đã gây sốt cộng đồng mạng thời điểm đó.
Ngoài ra, Phan Thủy Tiên cũng từng tham gia các cuộc thi nhan sắc và đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ. Với khuôn mặt khả ái và vóc dáng chuẩn chỉnh Thủy Tiên từng lọt Top 10 Người mẫu nữ hoàng trang sức Việt Nam 2017 và đạt danh hiệu Hoa Hậu Khả Ái tại Miss International Queen Pageant.
Trên các trang cá nhân của mình, ngoài việc bán hàng, Phan Thủy Tiên cũng thường đăng tải các đoạn video hài hước của gia đình cũng như cuộc sống sang chảnh, những kho hàng chất đống thu hút sự chú ý của nhiều người.
Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý ra sao?
Nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng, phản ánh chất lượng cũng như là cơ sở để người tiêu dùng hiểu hơn về quy trình sản xuất của mỗi sản phẩm. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay thị trường, bên cạnh những hàng hóa có thương hiệu, đạt chất lượng thì tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn diễn ra rất phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, trở thành vấn đề "nóng", thu hút sự quan tâm của người dân.
Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP; định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa đang lưu thông trên thị trường nhưng không có căn cứ để có thể xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa đó.
Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa được thể hiện ở các thông tin sau: Nhãn hiệu, bao bì và tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ của hàng hóa; hợp đồng hoặc hoá đơn mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan; Giấy tờ khác với mục đích chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự; giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định pháp luật.
Có thể thấy, hàng hóa được coi là không rõ nguồn gốc xuất xứ là những hàng hóa bày bán mà người bán không xuất trình được hóa đơn; chứng từ hay chứng minh được về nguồn gốc sản phẩm theo các tiêu chí mà pháp luật quy định.
Bán hàng không rõ nguồn gốc là hành vi trái pháp luật. Những hành vi này không những ảnh hưởng đến uy tín người bán mà trong nhiều trường hợp còn gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng, những sản phẩm hàng hóa khác.
Vì vậy, hiện nay, pháp luật cũng có những chế tài xử phạt khá nghiêm khắc đối với hành vi này. Theo đó, tuỳ theo tính chất và mức độ mà hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức phạt hành chính hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ
Tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:
a) Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;
b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;
c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.
8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
9. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.
10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
11. Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
12. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;
b) Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản;
c) Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
13. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này;
b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Khánh Huyền
Link nội dung: https://pld.net.vn/dot-kich-kho-nuoc-hoa-duoc-tiktoker-phan-thuy-tien-livestream-chot-hang-tram-don-moi-ngay-a17886.html