Công ty Dược phẩm công nghệ cao NAC trốn thuế, thao túng tâm lý khách hàng bán sản phẩm trị nám

Công ty Dược phẩm công nghệ cao NAC che giấu doanh thu để trốn thuế và giả mạo bác sĩ da liễu tại các bệnh viện lớn nhằm lợi dụng tâm lý khách hàng để bán sản phẩm trị nám, dưỡng da.

Trốn thuế bằng cách sử dụng 2 sổ kế toán để che giấu doanh thu thực tế
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH dược phẩm công nghệ cao NAC, đồng thời khởi tố 4 bị can.

Theo Công an TP. Hà Nội, ngày 4/9/2024, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã tiến hành khám xét khẩn cấp đồng loạt các địa điểm văn phòng Công ty TNHH dược phẩm công nghệ cao NAC. Thời điểm này, Công ty TNHH dược phẩm công nghệ cao NAC có hơn 60 nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ gọi điện, tư vấn cho khách hàng.

Ngày 5/9/2024, Cơ quan CSĐT - Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH dược phẩm công nghệ cao NAC.

Ngoài ra, 4 bị can cũng bị khởi tố, gồm Vũ Đăng Thái (Giám đốc Công ty NAC), Nguyễn Văn Huy, Hoàng Mạnh Thắng và Hoàng Thị Ánh Ngọc - kế toán Công ty.

Theo tài liệu điều tra, để che giấu doanh số bán hàng thực tế nhằm trốn thuế, Vũ Đăng Thái đã chỉ đạo nhân viên sử dụng tài khoản cá nhân tại ngân hàng để trực tiếp nhận tiền thanh toán sản phẩm, hoặc nhận tiền ship COD từ các đơn vị vận chuyển.

cong-ty-duoc-pham-1020-1728022715.jpg

Tang vật cảnh sát thu giữ. (Ảnh: Công an Hà Nội)

Sau đó, toàn bộ tiền sẽ được chuyển tiếp về tài khoản cá nhân của người thân trong gia đình Thái. Với phương thức trên, Thái và đồng bọn đã để ngoài sổ sách kế toán doanh thu bán hàng hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động bán sản phẩm điều trị nám của công ty.

Theo Công an Hà Nội, Thái cùng đồng bọn đã sử dụng 2 sổ kế toán để che giấu doanh thu thực tế. Một sổ kế toán chính thống dùng để kê khai, báo cáo thuế nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra. Một sổ kế toán nội bộ theo dõi hoạt động kinh doanh, doanh số bán hàng thực tế của công ty.

Số tiền lãi sau khi được tính toán sẽ chia theo tỷ lệ cổ phần cho Vũ Đăng Thái, Nguyễn Văn Huy (phụ trách phòng kinh doanh) và Hoàng Mạnh Thắng (phụ trách phòng marketing, chatpage của Công ty NAC).

Theo Công an Hà Nội, Vũ Đăng Thái và đồng bọn đã lợi dụng tâm lý ngại đi xa chữa bệnh của khách hàng, khai thác triệt để các tiện ích của mạng xã hội để đẩy mạnh doanh số bán hàng.

Cụ thể, những người này đã xây dựng nhiều kịch bản tiếp cận khách hàng rồi chỉ đạo nhân viên công ty sử dụng điện thoại, sim "rác" tạo tài khoản Zalo, Facebook "ảo" trực tiếp gọi điện thoại cho khách hàng để chia sẻ bí quyết chữa nám.

Các đối tượng còn giới thiệu bác sĩ khám trực tiếp qua ứng dụng Zalo, Facebook cho khách hàng hoặc sử dụng các ứng dụng trên để quảng cáo sản phẩm Nacodi, TWhite (các sản phẩm do công ty phân phối độc quyền), đăng tải nhiều video có hình ảnh bác sĩ da liễu quảng cáo sản phẩm và video "khách hàng" chia sẻ bí quyết sử dụng sản phẩm chữa trị hết tình trạng nám da.

Theo cơ quan chức năng, các đối tượng này còn giả mạo bác sĩ da liễu tại các bệnh viện lớn để hướng dẫn khách hàng gửi ảnh tình trạng nám da mặt, rồi sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh da mặt bị nám sâu nhằm chẩn đoán bệnh, chỉ định liệu trình sử dụng sản phẩm (Nacodi, TWhite,...) chữa nám.

Sau khi khách hàng sử dụng sản phẩm, các đối tượng này tiếp tục yêu cầu khách hàng gửi ảnh da mặt rồi chỉnh sửa kết quả da mặt đã được cải thiện, và gửi lại khách hàng nhằm tạo niềm tin, thổi phồng hiệu quả sản phẩm.

Bằng việc liên tục liên hệ tư vấn và giả mạo bác sĩ để tác động vào tâm lý khách hàng, nhóm người trên đã bán được một số lượng lớn sản phẩm (Nacodi, TWhite,...)

Hiện cơ quan CSĐT - Công an TP đang mở rộng điều tra, làm rõ hành vi mạo danh bác sĩ, chuyên gia da liễu cũng như nguồn gốc, chất lượng hàng hóa do Công ty NAC bán ra thị trường…; phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế TP. Hà Nội để thu hồi số tiền thuế trốn.

Trong thời gian tới, Công an Thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tích cực phối hợp cơ quan chức năng rà soát việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi trốn thuế, gian lận trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Thành phố.

Trốn thuế bao nhiêu tiền thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

tron-thue-1025-1728022715.jpg

Ảnh minh họa.

Tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trốn thuế".

Cụ thể, theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 bởi Luật số 12/2017/QH14, người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền dưới đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trốn thuế":

- Từ 100 triệu đồng trở lên; hoặc

- Dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Các hành vi bị xử về tội "Trốn thuế" gồm:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; hồ sơ khai thuế;

- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

- Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

- Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;

- Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

- Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;

- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích.

Mức phạt hành chính hành vi trốn thuế năm 2024
Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính hành vi trốn thuế được như sau:

Hình phạt tiền:
(1) Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

(i) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;

(ii) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;

(iii) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;

(iv) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

(v) Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn;…

(vi) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;

(vii) Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

(2) Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại mục (1) mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

(3) Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại mục (1) mà có một tình tiết tăng nặng.

(4) Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại mục (1) có hai tình tiết tăng nặng.

(5) Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại mục (1) có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại (1), (2), (3), (4), (5).

Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định tại (1), (2), (3), (4), (5) đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

– Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có) đối với hành vi quy định tại (1), (2), (3), (4), (5).

Ngoài ra, các hành vi vi phạm quy định tại điểm (ii), (v), (vi) bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Giả danh thầy tu quảng cáo, bán thuốc 'dỏm' chữa bệnh xương khớp
Công an huyện Ba Vì - Hà Nội vừa bắt giữ 15 đối tượng liên quan đến việc giả danh thầy tu bán thuốc nam, quảng cáo về công dụng khi chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng.

Nhóm đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để lừa đảo những người có nhu cầu chữa bệnh xương khớp, quảng cáo các sản phẩm không có công dụng thực sự, từ đó thu lời bất chính.

Vật chứng thu giữ gồm 42 điện thoại di động, 15 máy tính cá nhân, 11 xe máy, 1 máy tạo viên thuốc, 16 gói thuốc lá cây, cùng nhiều tài liệu khác...

Cơ quan chức năng cũng thu giữ thêm 41 hộp thuốc chữa xương khớp và dạ dày từ 15 bị hại ở các quận, huyện của Hà Nội và các tỉnh miền Bắc...

Theo lời khai của các đối tượng, đầu năm 2023, Trần Huy Hoàng (sinh năm 2002, hộ khẩu thường trú tại thôn Quang Ngọc, xã Vạn Thắng, Ba Vì) quen biết với Dương Quốc Lập (sinh năm 1998, trú tại huyện Bình Lục, Hà Nam).

Hoàng và Lập nhận thấy nhu cầu mua thuốc nam của người dân tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm do sư thầy T.T.H. sản xuất. Do đó, Hoàng và Lập đã quyết định giả danh thầy tu trên để bán các sản phẩm tự chế, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Để thực hiện kế hoạch, Hoàng thuê một căn nhà tại huyện Ba Vì làm văn phòng làm việc cho cả nhóm, gồm những người không có việc làm ổn định, được Hoàng lôi kéo tham gia. Các đối tượng sử dụng Facebook để quảng cáo, đồng thời giả danh thầy tu, giả mạo giọng nói của thầy T.T.H. qua điện thoại để lừa khách hàng.

Những loại thuốc mà nhóm đối tượng này bán được chế tạo từ lá và thân nhiều loại cây như cây sung nước, xấu hổ, lá lốt..., nhập với giá thấp nhưng bán ra từ 250.000-300.000 đồng/hộp.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, nhóm đã giao thành công hơn 1.400 đơn hàng, tổng trị giá khoảng 2,8 tỷ đồng. Nhóm có phân vai cho các đối tượng làm nhiệm vụ quảng cáo, giới thiệu và tư vấn trên mạng xã hội Facebook; thu mua nguyên liệu, giao hàng cho khách; hỗ trợ phân chia thông tin khách hàng, trực tiếp tham gia quảng cáo, bán sản phẩm; nhận sản phẩm, in đơn, đóng gói, gửi hàng qua đơn vị vận chuyển trung gian…

Qua vụ việc trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Ba Vì khuyến cáo người dân cần cẩn trọng hơn khi mua các sản phẩm liên quan đến sức khỏe qua mạng xã hội. Khi có nhu cầu, người dân nên đến trực tiếp các cơ sở y tế và nhà thuốc được cấp phép, tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Ba Vì đang tiếp tục mở rộng vụ án.

Yến Nhi

Link nội dung: https://pld.net.vn/cong-ty-duoc-pham-cong-nghe-cao-nac-tron-thue-thao-tung-tam-ly-khach-hang-ban-san-pham-tri-nam-a17887.html