Kỷ nguyên mới của Hà Nội

Kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội trong 70 năm, từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đến nay, luôn phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn và nổi bật. Để Hà Nội thực sự phát triển bền vững hơn cần tận dụng những lợi thế của mảnh đất Thăng Long này, đồng thời tập trung nguồn lực để thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực mà Hà Nội đã đề ra.

 

Kỷ nguyên mới của Hà Nội- Ảnh 1.

Màn thực cảnh tái hiện ngày 10/10/1954 đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản Thủ đô - Ảnh: VGP

Khúc khải hoàn ngày 10/10/1954 mở ra thời kỳ mới của Thăng Long - Hà Nội

Thủ đô Hà Nội, kể từ "Chiếu dời đô" của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, đã trải qua và chứng kiến biết bao sự biến thiên của lịch sử. Trong lịch sử hào hùng, Hà Nội tham gia hơn 10 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn. Trong đó, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son rực rỡ. Không chỉ là mốc son đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, mà còn mở ra thời kỳ mới của thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Thủ đô đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của quốc gia; là nơi nắm giữ quyền lực và ra quyết định, đại diện cho bản sắc của đất nước không chỉ thông qua kiến trúc tượng trưng mà còn thông qua các tiêu chuẩn bền vững của thời đại về kinh tế, xã hội và môi trường cũng như cách định vị mình trong mạng lưới đô thị quốc gia và khu vực.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội trong 70 năm, từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đến nay, luôn phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn và nổi bật. Thành phố luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Ngoài ra, Hà Nội cũng đồng thời tập trung phát triển cả kinh tế và văn hóa, xã hội, trong đó, đã có một chuyên đề về phát triển văn hóa. Hà Nội đã đầu tư, bảo tồn, tôn tạo trên 5.000 di tích lịch sử. Trong lĩnh vực giáo dục thì luôn đứng đầu cả nước. Trong đầu tư hạ tầng kết nối vùng Thủ đô, Hà Nội đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các đường song hành để tăng tính kết nối với các tỉnh, thành phố…

Đặc biệt mới đây, ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2025 và cho ý kiến về quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tạo nền tảng cơ bản để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị để hướng tới phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ mới với sự phát triển và cạnh tranh toàn cầu, Thủ đô Hà Nội vẫn đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức về phát triển bền vững và cần có những cách tiếp cận mới để giữ vững vị thế trong nước và hội nhập quốc tế thành công.

Thực tế cho thấy các thành phố trên thế giới đều là những hệ thống quan trọng và phức tạp nhất, thu hút người dân và tạo ra hơn 80% GDP toàn cầu trong khi chỉ chiếm khoảng 3% diện tích đất của trái đất. Hơn nữa, các thành phố ngày nay không chỉ là trung tâm kinh tế, vì nếu chỉ tập trung vào hiệu quả và phát triển kinh tế thường dẫn đến kết quả không như mong đợi. Thay vào đó, chúng nên được xem là một tập hợp các giá trị, lợi ích đa dạng. Sức hấp dẫn của một thành phố là sản phẩm của các nguồn lực do chính quyền thành phố và hệ sinh thái kinh tế - xã hội - môi trường của thành phố chủ động tạo ra.

Do đó, các thành phố hàng đầu thế giới luôn phải thúc đẩy việc tạo vốn, như Ngân hàng Thế giới đã lưu ý: "Một thành phố cạnh tranh là thành phố tạo điều kiện thành công cho các công ty và ngành công nghiệp của mình tạo việc làm, nâng cao năng suất và tăng thu nhập của người dân theo thời gian". Nguồn vốn của thành phố và sự tương tác giữa các hình thức khác nhau của nó quyết định chất lượng cuộc sống đô thị hiện tại và khả năng sinh sống của thành phố.

Kỷ nguyên mới của Hà Nội- Ảnh 2.

Hà Nội ngày càng phát triển bền vững hơn

Đề xuất 5 giải pháp để Thủ đô phát triển bền vững hơn

Với cách tiếp cận đô thị như vậy, chúng ta có thể đề xuất 5 giải pháp để Thủ đô phát triển bền vững hơn nữa nhằm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước.

Một là, cần xác định và tập trung huy động toàn diện 5 nguồn lực của Thủ đô đến từ các nguồn vốn cơ bản. Cụ thể, với nguồn vốn kinh tế (nguồn vốn này được tạo ra thông qua các loại phí, thuế, tiền thuê đất và các khoản thu khác), chúng ta có thể dùng để tái đầu tư để tạo ra thêm vốn kinh tế (ví dụ như đầu tư cơ sở hạ tầng) và hỗ trợ hoặc tăng cường các hình thức vốn khác.

Với nguồn vốn tự nhiên (mặt nước, đất đai và cây xanh… ) thì nguồn vốn này phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa lý khu vực và vấn đề quản lý, sử dụng. Nếu chúng ta quản lý tốt, sử dụng hợp lý thì tài nguyên này sẽ tăng lên. Cụ thể, như cần có sự nghiên cứu và đầu tư mạnh mẽ vào các khu vực sông, hồ của Hà Nội như hồ Tây, sông Hồng và sông Đuống… để phát huy tối đa hiệu quả vốn tự nhiên của Thủ đô.

Với nguồn vốn con người (bao gồm các kỹ năng, kiến thức và năng lực sản xuất giúp cá nhân tạo ra thêm vốn), chúng ta nhận thấy rằng vốn con người đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giáo dục chính là cách thức cơ bản để tích lũy vốn con người. Vì thế, đầu tư vào giáo dục là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với nguồn vốn xã hội (đến từ quy mô và chất lượng của thể chế kinh tế chính trị, môi trường pháp lý, kinh doanh, văn hóa, giáo dục, tổ chức xã hội và gia đình…) cho thấy mối liên hệ giữa vốn xã hội và con người rất mạnh mẽ. Với dân số gần 8,5 triệu người (số liệu thống kê năm 2022), Hà Nội có số dân đứng thứ 2 cả nước. Nếu chúng ta quản trị và phát huy tối đa nguồn lực này thì sẽ giúp thúc đẩy uy tín, danh tiếng và thương hiệu của Thủ đô để càng ngày Thành phố thu hút đầu tư, di cư của nhân tài và các hình thức vốn khác đến Thủ đô.

Về nguồn vốn sản phẩm (đây có thể coi là nguồn lực nền tảng và mục đích của nền kinh tế phát triển bền vững), vì sản phẩm - dịch vụ chất lượng là kết tinh của hiệu quả quản trị các nguồn lực. Sản phẩm và dịch vụ được tái đầu tư dưới dạng vốn đầu vào như hàng tiêu dùng, phương tiện sản xuất… sẽ nâng cao giá trị của vốn đầu ra dưới dạng sản phẩm và dịch vụ với giá trị gia tăng cao hơn. Do vậy, cần có chính sách thúc đẩy và phát triển các sản phẩm "made in Vietnam" cốt lõi trong các ngành sản xuất công nghiệp chiến lược quốc gia…

Hai là xây dựng chính quyền là đối tác hiệu quả với hệ thống sinh thái của Thủ đô để chủ động phát triển các nguồn vốn.

Hệ thống là quá trình trao đổi chất của chính quyền và hệ sinh thái các tổ chức địa phương thể hiện hoạt động trao đổi chất tích lũy và tương tác của chúng. Hệ sinh thái là mạng lưới các tổ chức và doanh nghiệp liên kết với nhau, tương tác linh hoạt thông qua cạnh tranh, hợp tác để tăng doanh số và tồn tại. Hệ thống chuyển đổi vốn từ hình thức này sang hình thức khác hoặc nâng cao giá trị của vốn đầu vào.

Bên cạnh đó, quá trình xây dựng mô hình hệ thống Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa không chỉ đòi hỏi kiến thức mà còn cần trí sáng tạo, đổi mới và đột phá trong tư duy của lãnh đạo chính quyền.

Vì thế, vai trò của chính quyền là xây dựng mô hình và hệ thống tạo ra vốn giúp tăng năng suất vốn của các thành viên khác trong hệ sinh thái, giúp nuôi dưỡng những người đổi mới để thúc đẩy sự sáng tạo về phát triển các nguồn lực.

Ba là thiết lập khung ngân sách vốn.

Ở đây bao gồm hàng loạt các quy trình được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, các dự án nhằm phát triển Thủ đô. Thiết lập khung ngân sách sẽ giúp quản lý tốt ngân sách và tái cơ cấu đầu tư công, đồng thời cũng đánh giá được hiệu quả các chính sách công đã đặt ra.

Bốn là xây dựng mô hình quản trị Thủ đô. Ở đây được chia thành 4 cấp độ quản lý. Đó là cấp độ chiến lược (đặt ra một kế hoạch dài hạn cho việc phân chia việc tạo vốn, cách thành phố sẽ đầu tư vào việc tạo vốn để tạo điều kiện cho hệ sinh thái của Thủ đô phát triển các nguồn lực); cấp độ hành động (biến các mục tiêu thành các kế hoạch cụ thể bằng cách phát triển quan hệ đối tác với các thành viên chủ chốt của hệ sinh thái Thủ đô để xây dựng cơ sở hạ tầng cứng và mềm); cấp độ phân tích và hệ thống hóa; cấp độ quản trị hiệu suất liên tục.

Năm là định vị Thủ đô trong mạng lưới đô thị quốc gia và khu vực.

Hà Nội cần định vị trong mối quan hệ không gian với các tỉnh, thành phố cả nước nói chung và ở khu vực tam giác tăng trưởng phía Bắc nói riêng, đặc biệt là kết nối cửa ngõ thông thương ra biển Đông với cụm cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) lớn nhất cả nước. Ngoài ra, cần có quan hệ đối tác chiến lược trọng điểm với các trung tâm kinh tế, Thủ đô của 8 nước phát triển có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Thực hiện tốt các giải pháp trên, chắc chắn chúng ta sẽ góp phần xây dựng được Thủ đô Hà Nội xứng đáng với niềm tin vào một đất nước có vị thế cạnh tranh mạnh mẽ và phát triển bền vững ở khu vực cũng như thế giới trong nửa đầu của kỷ nguyên công nghệ mới.

TS. Đoàn Duy Khương

Trung tướng Công an nhân dân Việt Nam

nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

 

Link nội dung: https://pld.net.vn/ky-nguyen-moi-cua-ha-noi-a17946.html