Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là 5.826,23 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách trung ương.
Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020: nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 932 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 4.894,23 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 4.320,42 tỷ đồng; nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 là 573,81 tỷ đồng.
Được biết theo Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16/6/2020 thì tổng mức đầu tư dự án là 4.827,32 tỷ đồng.
Bổ sung một số hạng mục gồm:
Nút giao với đường Võ Văn Kiệt kéo dài, thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long: Thiết kế dạng ngã tư tách nhập, đoạn tuyến khu vực nút giao có bố trí hai đảo tròn để quay đầu và xây dựng cầu trên đường ngang vượt cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Hệ thống đường gom dân sinh dọc tuyến với tổng chiều dài khoảng 9,7 km, trong đó qua địa phận tỉnh Đồng Tháp dài khoảng 7,3 km và qua địa phận tỉnh Vĩnh Long dài khoảng 2,4 km; quy mô đường giao thông nông thôn loại B theo TCVN 13080:2014, bề rộng nền đường Bnền = 5 m, bề rộng mặt đường Bmặt = 3,5 m, kết cấu mặt đường cấp cao A2.
Hoàn thiện các hạng mục còn lại của hệ thống giao thông thông minh (ITS) và Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến.
Quyết định nêu rõ, đối với các hạng mục được duyệt ban đầu hoàn thành toàn bộ tuyến chính trong năm 2023, hoàn thành toàn bộ dự án (giai đoạn 1) trong Quý II năm 2024.
Đối với các hạng mục bổ sung Nút giao với đường Võ Văn Kiệt kéo dài, đường gom dân sinh, một số hạng mục phục vụ quản lý, điều hành tiếp tục triển khai từ năm 2024, hoàn thành năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và tính chính xác của các thông tin, số liệu trong báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập, thẩm định, quyết định điều chỉnh dự án đầu tư theo đúng quy định pháp luật; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, giám sát, tổng hợp theo quy định.
Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy hoạch được duyệt, đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu, huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác còn lại của Dự án (Hệ thống thu phí điện tử không dừng, Công trình kiểm soát tải trọng xe và Trạm dừng nghỉ) theo quy định, bảo đảm khai thác đồng bộ, hiệu quả.
UBND tỉnh Vĩnh Long có trách nhiệm chủ trì triển khai đầu tư phần tuyến kết nối với nút giao Võ Văn Kiệt theo đúng quy hoạch được duyệt, đúng tiến độ cam kết tối đa trong giai đoạn 2026 - 2030, đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, bảo đảm hoàn thành đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng công trình...
Theo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về điều chỉnh chủ trương, Bộ Giao thông vận tải cho biết lý do điều chỉnh la do theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng sẽ hình thành trục động lực phát triển thành phố Vĩnh Long trên cơ sở kéo dài đường Võ Văn Kiệt thêm 3km kết nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và để phát huy hiệu quả đầu tư, tuyến động lực này sẽ được đầu tư kéo dài kết nối với tỉnh Đồng Tháp.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư các hạng mục nêu trên sẽ góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách; giảm tải lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 1, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.
N. Đăng
Link nội dung: https://pld.net.vn/tang-1000-ty-von-dau-tu-bo-sung-duong-dan-sinh-gan-10km-a17988.html