Ai đang thống trị thị trường?

Thị trường xe công nghệ Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa ba ông lớn: Grab, Be, và Xanh SM, đặc biệt sau khi Gojek và Baemin rút lui khỏi Việt Nam. Cuộc đua không chỉ tập trung vào dịch vụ gọi xe mà còn ở mảng giao đồ ăn, nơi các thương hiệu lớn liên tục tìm cách thu hút người dùng và giữ vững thị phần.

xecongnghe-1728981190.jpg

Hiện lĩnh vực xe công nghệ chỉ còn lại 3 cái tên thống lĩnh thị trường. 

Theo khảo sát của Q&Me, tính đến giữa năm 2024, Grab chiếm 66% thị phần gọi xe máy, trong khi Be và Xanh SM lần lượt đứng thứ hai và ba với 32% và 19%. Ở lĩnh vực gọi đồ ăn, Grab, ShopeeFood và Be tiếp tục cạnh tranh quyết liệt. Trong đó, Grab với hệ sinh thái đa dịch vụ là nền tảng mạnh nhất, thu hút người dùng nhờ tính năng đa dạng và các chương trình khuyến mãi linh hoạt.

Theo ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, thành công của Grab nằm ở khả năng cung cấp một hệ sinh thái dịch vụ phức tạp và đa dạng, từ gọi xe đến đặt đồ ăn, đi chợ. Điều này giúp Grab giữ chân khách hàng và tối ưu thu nhập cho tài xế, đồng thời giảm chi phí thu hút người dùng mới so với các đối thủ khác.

Mặc dù Grab đang dẫn đầu, nhưng Be và Xanh SM cũng đang dần chiếm lĩnh thị phần. Đặc biệt với Xanh SM tiên phong trong lĩnh vực xe điện. Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng xanh hóa mà còn được ủng hộ mạnh mẽ bởi các chính sách phát triển bền vững của chính phủ. Đến giữa năm 2024, Xanh SM đã phục vụ hơn 50 triệu lượt khách và giúp giảm hơn 52.000 tấn CO2.

Mặc dù các đối thủ lớn như Gojek và Baemin đã rút lui, nhưng sự cạnh tranh giữa ba nền tảng lớn vẫn vô cùng khốc liệt. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông, cùng với những thay đổi về chính sách, được dự báo sẽ tạo thêm cơ hội mới cho các nền tảng mở rộng dịch vụ và củng cố vị thế trên thị trường.

Dịch vụ xe công nghệ lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2014, với sự có mặt của Grab, Uber và Easy Taxi, đã góp phần thay đổi hoàn toàn cách thức di chuyển của người dân đô thị.

Tuy nhiên, đến năm 2018, Uber đã bán lại toàn bộ hoạt động tại Đông Nam Á cho Grab, chấm dứt sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Sau đó, nhiều ứng dụng xe công nghệ khác như Be, Gojek (trước đây là GoViet) và các nền tảng khác cũng tham gia vào thị trường này, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt.

Đến năm 2023, Xanh SM ra mắt, tập trung vào dịch vụ xe điện. Sự ra đời của Xanh SM đã mở ra một làn sóng cạnh tranh mới trong mảng xe công nghệ, đặc biệt khi lĩnh vực này đang chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu khí thải.

 

Bảo Minh

Link nội dung: https://pld.net.vn/ai-dang-thong-tri-thi-truong-a18074.html