Ngoại giao kinh tế đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, sau 50 năm kể từ khi Vụ Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao được thành lập (ngày 27/2/1974, theo Quyết định số 30/QĐ-CP của Hội đồng Chính phủ), công tác ngoại giao kinh tế đã định vị được chỗ đứng xứng đáng trong chuỗi giá trị phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoại giao kinh tế đồng hành cùng sự phát triển của đất nước- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của công tác ngoại giao kinh tế trong nửa thế kỷ qua

Trọng tâm ngoại giao thời đại mới

Chiều 14/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự và phát biểu khai mạc Tọa đàm "Ngoại giao kinh tế 50 năm đồng hành với sự phát triển của đất nước".

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của công tác ngoại giao kinh tế trong nửa thế kỷ qua và nhấn mạnh các cán bộ làm công tác ngoại giao kinh tế có quyền tự hào đã góp nhiều công trạng lớn lao cho tiến trình tiên phong phục vụ phát triển của đất nước.

Điểm lại lịch sử hình thành đầy khó khăn, khi công tác ngoại giao kinh tế chưa định hình rõ nội hàm, chưa được ghi nhận, các thế hệ cán bộ ngoại giao đã không ngừng sáng tạo, dấn thân, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ khó khăn, từ phá thế bao vây cấm vận đến hội nhập sâu rộng để đưa lá cờ Việt Nam bay cao, vươn xa trên bản đồ thế giới như hiện nay.

Đặc biệt, ngoại giao kinh tế lần đầu tiên được đưa thành một chủ trương trong văn kiện Đại hội XIII, là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của ngoại giao Việt Nam, là động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Gần đây nhất (ngày 29/8), tại cuộc làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ đạo: "Ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm ngoại giao thời đại mới, phải khơi dậy động lực bên trong, mở ra triển vọng phát triển mới, góp phần tạo bước nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế bền vững, duy trì sự phát triển lành mạnh, ổn định của nền kinh tế toàn cầu và ứng phó với các thách thức toàn cầu mới".

Tại 10 cuộc làm việc về công tác ngoại giao kinh tế trong chỉ hơn 3 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Liên tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về ngoại giao kinh tế, nắm chắc tình hình khu vực, thế giới, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách và thực hiện chính sách về ngoại giao kinh tế.

"Đây là sự kỳ vọng cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đồng thời cũng làm cho việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới trở nên thách thức nhưng cũng rất thú vị và đầy cảm hứng", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Ngoại giao kinh tế đồng hành cùng sự phát triển của đất nước- Ảnh 2.

Tọa đàm "Ngoại giao kinh tế 50 năm đồng hành với sự phát triển của đất nước"

Thảo luận định hướng triển khai trong 30 năm tới

Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Đất nước ta đang tổng kết 40 năm đổi mới để rút ra các bài học soi rọi cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIV đặt ra 2 mục tiêu 100 năm (kỷ niệm thành lập Đảng, thành lập nước) đưa đất nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Bối cảnh thế giới thì biến chuyển nhanh, không ngừng mang lại những cơ hội phát triển đột phá, vượt bậc, đồng thời cũng đưa đến những thách thức chưa từng có. Các vấn đề an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống nổi lên trên quy mô toàn cầu không chỉ đe doạ tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà có thể kéo tụt hậu các nền kinh tế, kéo lùi các tiến bộ xã hội.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị các đại biểu tại Tọa đàm tập trung thảo luận để làm rõ các vấn đề phục vụ phát triển công tác ngoại giao kinh tế trong 30 năm tới.

Thứ nhất, đánh giá quá trình phát triển tư duy, hành động, kết quả, hạn chế, nguyên nhân, bài học và kiến nghị tham mưu định hướng phát triển trong thời gian tới.

Thứ hai, ngoại giao kinh tế phải làm gì để không bỏ lỡ cơ hội, chậm nhịp trong chuyển đổi, tụt hậu về kinh tế, theo sau về công nghệ, mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình; làm thế nào để góp phần đưa đất nước đạt được các mục tiêu phát triển chiến lược 2030 và 2045. Đặc biệt, bám sát dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV để tìm ra thế mạnh, từ đó xác định được nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, công tác ngoại giao kinh tế đóng góp cho đất nước.

Thứ ba, ngoại giao kinh tế góp phần bảo đảm và nâng cao an ninh kinh tế đất nước, nâng cao tự chủ chiến lược, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; để phát triển nhanh và bền vững cần tranh thủ tối đa các thời cơ, cơ hội, nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Công tác ngoại giao kinh tế không chỉ của một đơn vị mà của toàn ngành ngoại giao, tất cả các trụ cột ngoại giao đều phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Thứ tư, ngoại giao kinh tế hướng tới mục tiêu nội hàm kinh tế, lợi ích kinh tế trở thành một công cụ để triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc; để có thể "làm chủ được cuộc chơi" trong quan hệ song phương và trên các diễn đàn đa phương trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mong muốn các cán bộ ngành ngoại giao tiếp tục phát huy truyền thống đầy tự hào, bề dày lịch sử, nuôi dưỡng đam mê, ấp ủ hoài bão, thắp sáng nhiệt huyết, ra sức thi đua, đóng góp vào công tác ngoại giao kinh tế. Qua đó, tạo dấu ấn đóng góp, thực hiện khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Minh Ngọc

Link nội dung: https://pld.net.vn/ngoai-giao-kinh-te-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-a18078.html