Bộ trưởng TN&MT nêu giải pháp chấn chỉnh công tác đấu giá đất

Đối với đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương khi tổ chức đấu giá cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm giá để tính giá khởi điểm...

Bộ trưởng TN&MT nêu giải pháp chấn chỉnh công tác đấu giá đất- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình, làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023", ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy đã giải trình, làm rõ một số vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có công tác đấu giá quyền sử dụng đất; việc điều chỉnh bảng giá đất hiện hành; việc ban hành các văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai...

Đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đây là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu thực tế thời gian qua, tại một số địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có biểu hiện đầu cơ, thổi giá, tạo mặt bằng giá cao, làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã tiến hành kiểm tra, rà soát và nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nay. Trong đó có việc lập công khai quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai.

Một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại nhà đất vừa trúng đấu giá để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với khu vực xung quanh. 

Trong đó, sau khi đấu giá thì một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá và có dấu hiệu bỏ cọc. Có một số địa phương thiếu chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá đất, dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân khan hiếm và không đáp ứng đầy đủ trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, có trường hợp địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh kịp thời, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế để làm giá khởi điểm dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn cũng thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.

Ngoài việc phải thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đấu giá tài sản nhà nước, Luật Đất đai, Luật Giá và pháp luật có liên quan, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương khi tổ chức đấu giá cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm giá để tính giá khởi điểm.

Trong quy chế đấu giá có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá và bổ sung quy định việc công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản, nhà ở, đất ở có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu thực, khắc phục tình trạng mất cân đối cung, cầu trên thị trường bất động sản, bao gồm các sản phẩm đấu giá quyền sử dụng đất.

Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Tiếp thu ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, Bộ TN&MT sẽ bổ sung một số giải pháp để tăng cường các biện pháp quản lý, chấn chỉnh công tác đấu giá đất và sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo dõi sát sao việc triển khai thi hành Luật Đất đai 

Đối với việc điều chỉnh bảng giá đất, Bộ trưởng cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai thì bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Đây là quy định chuyển tiếp nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình để từng bước xây dựng bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2026 để tránh cú sốc tăng giá đột biến trong bảng giá đất ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của một số đối tượng, tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Việc điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai năm 2013 đến nay.

Thực tế cho thấy đối với các địa phương có sự điều chỉnh bảng giá đất theo đúng quy định của Luật năm 2013 đã bảo đảm giá đất trong bảng giá đất tiệm cận với mặt bằng giá đất thực tế tại địa phương, việc áp dụng khoản 1 Điều 257 của Luật Đất đai năm 2024 không có vướng mắc, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Qua theo dõi tổng hợp trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay cho thấy có 29/63 địa phương có điều chỉnh bổ sung bảng giá đất nhiều lần, tức là từ 2 cho đến 6 lần bao gồm cả điều chỉnh sau ngày 1/8/2024 là ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành, có 23/63 địa phương điều chỉnh bổ sung một lần và có 11 địa phương không thực hiện điều chỉnh bổ sung bảng giá đất.

Từ ngày 01/8/2024 đến nay đã có 8/63 địa phương thực hiện điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất hiện hành, trong đó có 7 tỉnh không có phản ánh là có khó khăn, vướng mắc. 

Riêng TPHCM, giai đoạn đầu khi đưa dự thảo Bảng giá đất xin ý kiến lần đầu, do có sự chênh lệch lớn ở một số khu vực cho nên có nhiều ý kiến của người dân và doanh nghiệp phản ánh và sau đó theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT cùng với TPHCM và một số cơ quan có liên quan đã họp bàn và lựa chọn giải pháp điều chỉnh phù hợp theo lộ trình.

Đến nay, TPHCM đã ban hành bảng giá đất điều chỉnh và không còn có những phản ứng khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp và người dân như giai đoạn đầu.

Như vậy, việc một số địa phương phản ánh có khó khăn, vướng mắc khi thực hiện điều chỉnh, bổ sung thực hiện bảng giá đất đến hiện hành xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện và cũng có nơi làm chưa thật tốt, bao gồm việc không thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 trong giai đoạn trước đây và đến nay khi thực hiện thì gặp khó khăn do biên độ điều chỉnh lớn, tác động đến một số nhóm đối tượng sử dụng đất. Đây không phải là vấn đề vướng mắc do chính sách hoặc là quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng nhấn mạnh, việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 với nhiều điểm mới và sự phân cấp mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền địa phương trong bối cảnh cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cùng quyết tâm, nỗ lực để đưa luật có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu. Do vậy, trong thời gian đầu không thể tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện tại các địa phương.

Vì vậy, cần kiên trì, nhất quán, thống nhất trong quan điểm chỉ đạo và tập trung vào khâu tổ chức thực hiện để Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Bộ TN&MT sẽ tiếp tục theo dõi sát sao việc triển khai thi hành Luật Đất đai trên phạm vi cả nước, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc từ các bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn, phối hợp để tháo gỡ, giải quyết. Nếu phát hiện vấn đề vướng mắc từ cơ chế, chính sách, Bộ sẽ phối hợp cùng các cơ quan có liên quan kịp thời báo cáo và tham mưu cấp có thẩm quyền để có giải pháp xử lý kịp thời.

Hải Giang

Link nội dung: https://pld.net.vn/bo-truong-tnmt-neu-giai-phap-chan-chinh-cong-tac-dau-gia-dat-a18289.html