Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, tổ chức chiều 31/10, bình luận về việc tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tấn công, tịch thu tài sản hồi cuối tháng 9, Bộ Ngoại giao đã lên tiếng phản đối, nhưng Trung Quốc đưa ra bằng chứng bác bỏ thông tin gây thương tích cho ngư dân Việt Nam... Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định: "Hoàng Sa là của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với quần đảo Hoàng Sa và các vùng nước phụ cận, điều này đã được chúng tôi nhắc lại và khẳng định nhiều lần".
Việc lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng hải cảnh của Trung Quốc bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền và lợi ích cơ bản hợp pháp chính đáng của ngư dân Việt Nam.
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ các quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thả ngay tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trái phép, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và chấm dứt không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Khi trả lời câu hỏi về thông tin 10 ngư dân Việt Nam bị hải cảnh Trung Quốc bắt giữ ở vùng biển đảo Hải Nam, ông Đoàn Khắc Việt nhắc lại: "Quan điểm lập trường của Việt Nam rất rõ ràng nhất quán: Mọi trường hợp bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, chúng tôi đều hết sức quan tâm, liên tục trao đổi và phản đối các cơ quan chức năng của Trung Quốc. Thông tin các vụ việc liên quan đều được báo chí trong nước và quốc tế đăng tải đầy đủ".
Bình luận về truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc đang triển khai các thiết bị quân sự tại đảo Tri Tôn trên quần đảo Hoàng Sa, ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh: Việt Nam hết sức quan ngại về thông tin này, mạnh mẽ phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.
Thạch Huệ
Link nội dung: https://pld.net.vn/phan-doi-manh-me-moi-hoat-dong-xam-pham-chu-quyen-cua-viet-nam-doi-voi-quan-dao-hoang-sa-a18351.html