Xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng hiện nay

Đoàn kết thống nhất là một trong những nguyên tắc căn bản của Đảng. Cũng vậy, một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng là “nêu gương”. Cũng vậy, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên là nhân tố quyết định để xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

1. Từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn, Đảng ta xác định đoàn kết thống nhất là một nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, là sinh mệnh của Đảng. Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao đoàn kết thống nhất và phát triển trên nền tảng của đoàn kết, thống nhất. Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ đoàn kết thống nhất trong Đảng: "Đó là sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động dựa trên đường lối cách mạng đúng đắn và những nguyên tắc tổ chức của đảng vô sản"[1]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: "Từng đảng bộ giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo. Đối với những cấp ủy, tổ chức Đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm những người có khuyết điểm[2]". Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá những kết quả mà Đảng đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII về công tác xây dựng Đảng và khẳng định Đảng đã đoàn kết hơn, thống nhất hơn: "Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới[3]".

Sở dĩ Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng được khối đoàn kết thống nhất bởi Đảng là một tổ chức thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương tới cơ sở; Đảng có hệ tư tưởng chung thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ thông nhất; lợi ích của Đảng lại tương đồng và thống nhất với lợi ích của Nhân dân lao động và của dân tộc. Vì vậy, đoàn kết thống nhất trong Đảng cũng chính là những tiền đề, những điều kiện để xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong cả hệ thống chính trị và trong xã hội.

2. Trong những năm qua, việc mất đoàn kết lớn trong các tổ chức Đảng có thể chưa nhiều, song việc mất đoàn kết vẫn diễn ra âm thầm ở những cơ quan, đơn vị khác nhau. Biểu hiện của việc mất đoàn kết này chính là việc đấu đá lẫn nhau, tố cáo lẫn nhau, hạ bệ nhau bằng những việc làm không trong sáng, khuất tất và mang đầy ích kỷ cá nhân. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã cảnh báo: "Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty[4]". Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mặc dù đánh giá cao tinh thần đoàn kết trong Đảng nhưng cũng đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, đó là: "Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm[5]".

Có thể thấy những nguyên nhân gây mất đoàn kết hiện nay bao gồm: Lối sống chủ nghĩa cá nhân, ganh gét, đố kỵ, so bì. Mất đoàn kết do mâu thuẫn về lợi ích. Con người hoạt động đều có mục tiêu vì lợi ích. Đảng Cộng sản Việt Nam không có chủ trương triệt tiêu lợi ích cá nhân mà ủng hộ và khuyến khích hài hòa lợi ích. Mất đoàn kết giữa cán bộ tại chỗ và cán bộ luôn chuyển, mất đoàn kết do cục bộ địa phương. Thực hiện chủ trương trong luân chuyển, bố trí cán bộ hiện nay, Đảng ta có chủ trương thực hiện nội dung người đứng đầu không phải là người địa phương. Ngoài ra còn tình trạng mất đoàn kết do thiếu dân chủ, công khai, minh bạch…

3. Để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng hiện nay cần tiến hành đồng bộ các giải pháp. Trước hết cần tăng cường giáo dục đạo đức và đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Điều lệ Đảng hiện hành (được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, năm 2011) nêu rõ: "Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy TTDC làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật"[6]. Như vậy, để ngăn ngừa mất đoàn kết nội bộ, trước hết các tổ chức đảng phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Muốn vậy, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần ban hành các quy định, quy chế nội bộ, quy trình công tác chặt chẽ, rõ ràng, công khai, minh bạch. Ngoài các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay đều đang thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ở nơi làm việc. Vì vậy, tất cả các nội dung về nâng lương, khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo v.v…đều cần phải được văn bản hóa hóa thành những quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch. Trong sinh hoạt Đảng, cần nêu cao và chú trọng tự phê bình và phê bình trên cơ sở tình đồng chí, tránh tình trạng đoàn kết xuôi chiều, những cũng đặc biệt tránh tình trạng lợi dụng phê bình để nói xấu, đả kích, hạ bện lẫn nhau. Cần thực hiện tốt nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong các tổ chức đảng, nhất là đoàn kết thống nhất từ chi bộ. Nghị quyết số 21 đã khẳng định: "Thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp uỷ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm[7]". Đảng viên cần coi đoàn kết thống nhất là một nội dung, tiêu chuẩn, tư cách đảng viên. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: "Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao họi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được"5. Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình gắn với phát huy dân chủ trong Đảng. Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm. Ở một số nơi vẫn còn tình trạng mất đoàn kết, xung đột giữa cấp ủy và chính quyền. Có những nội dung chính quyền quyết thì cấp ủy cho rằng đã "vượt mặt", có những nội dung cấp ủy quyết thì chính quyền lại cho rằng cấp ủy can thiệp sâu vào công việc của chính quyền…

Nhận thức và thực hiện đúng các nội dung của nguyên tắc đoàn kết thống nhất; hiểu rõ thực trạng, nhất là chỉ ra những biểu hiện mất đoàn kết và đề ra các giải pháp phù hợp, nhất là phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên sẽ góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Nguyễn Thị Nga - Học viện Chính trị khu vực II

 


Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng (tại Đại hội IV), Nxb Sự thật, H., 1977, tr 31. 

 

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 144 

 

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 221 

 

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr.22.  

 

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, t.2, tr.225.  

 

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần II (Đại hội X, XI, XII), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 518 

 

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12, tr.554 

Link nội dung: https://pld.net.vn/xay-dung-doan-ket-thong-nhat-trong-dang-hien-nay-a18467.html