Lô trái phiếu có tổng giá trị là 800 tỷ đồng, được phát hành vào tháng 11/2023 với kỳ hạn 3 năm. Như vậy, Ngân hàng OCB đã tất toán lô trái phiếu này chỉ sau 1 năm phát hành. Trước đó, vào ngày 15/11, Ngân hàng OCB đã mua lại lô trái phiếu mã OCBL2326012 trị giá 1.000 tỷ đồng.
Lô trái phiếu này cũng được phát hành vào tháng 11/2023 với kỳ hạn 3 năm. Ngày 31/10, Ngân hàng OCB cũng đã mua lại 2 lô trái phiếu mã OCBL2326010 và OCBL2326011 với giá trị lần lượt là 850 và 500 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 10/2024, Ngân hàng OCB đã huy động thành công 2.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 3 lô trái phiếu gồm các mã: OCBL2427018, OCBL2427019 và OCBL2427020.
Trong đó, lô trái phiếu mã OCBL2427020 trị giá 1.000 tỷ đồng, gồm 1.000 trái phiếu có lãi suất 5,1%/năm. Lô trái phiếu này dự kiến đáo hạn vào 30/10/2027. Hai lô trái phiếu còn lại là OCBL2427019 và OCBL2427018 cùng có giá trị 500 tỷ đồng, lãi suất lần lượt là 5,1% và 5,2%/năm.
Tại một diễn biến có liên quan, HĐQT Ngân hàng OCB đã thông qua phương án phát hành 13.200 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành tối đa là 13.200 tỷ đồng. Trái phiếu được chào bán dưới hình thức chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
Ngân hàng OCB dự kiến sẽ phát hành khối lượng trái phiếu trên thành 13 đợt, thực hiện ngay trong quý 4/2024. Thời gian phân phối từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán.
Đáng chú ý, các trái phiếu trên là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có hoặc không có tài sản bảo đảm/bảo lãnh thanh toán.
Ngân hàng OCB cho biết việc phát hành trái phiếu là để huy động vốn phục vụ hoạt động cho vay, đầu tư hoặc sử dụng vào mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đối tượng chào bán trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trái phiếu được phát hành theo hình thức đại lý phát hành, bán trực tiếp cho nhà đầu tư hoặc phương thức khác và được chào bán riêng lẻ.
Anh Mai