Công an Thanh Hóa thu giữ gần 1,3 tấn pháo lậu
Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin Công an huyện Triệu Sơn vừa đấu tranh, triệt xóa đường dây mua bán pháo nổ lớn từ Quảng Ninh, Hà Nội về Thanh Hóa tiêu thụ, bắt giữ 3 đối tượng, thu giữ gần 1,3 tấn pháo lậu.
Cụ thể, khoảng 4h30 ngày 22/11, tổ tuần tra vũ trang của Công an huyện Triệu Sơn phối hợp với Công an xã Dân Lý phát hiện, bắt quả tang Bùi Văn D. (SN 2010, ở xã Dân Lý) đang vận chuyển 3 thùng pháo diêm có trọng lượng gần 30 kg đi tiêu thụ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Triệu Sơn đã nhanh chóng truy nguồn gốc của số pháo nói trên, đồng thời thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Trương Thị Thảo Trang (SN 1993, ở xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh). Khám xét nơi ở của Trang, Công an huyện Triệu Sơn đã thu giữ 55 kg pháo diêm.
Mở rộng điều tra, Cơ quan công an đã bắt giữ Nguyễn Thị Hiếu (SN 1987, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) về hành vi buôn bán hàng cấm là pháo nổ. Tiến hành khám xét nơi ở của Hiếu, lực lượng chức năng thu giữ 120 thùng pháo nổ có trọng lượng khoảng 1,2 tấn.
Theo kết quả điều tra ban đầu, 3 đối tượng này đã bàn bạc, móc nối để mua bán trái phép pháo nổ. Pháo lậu được các đối tượng mua ở nước ngoài rồi thuê người vận chuyển về Việt Nam qua các đường tiểu ngạch, sau đó đưa về các tỉnh tiêu thụ.
Căn cứ các tài liệu chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Triệu Sơn đã tạm giữ hình sự các đối tượng để tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án.
Càng về dịp cuối năm tình hình buôn bán pháo lậu ngày càng gia tăng và hoạt động phức tạp hơn. Vậy, pháo nổ được pháp luật quy định như thế nào và hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ sẽ bị xử lý ra sao?
Quy định của pháp luật về pháo nổ
Căn cứ theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi và bổ sung thêm Điều 6 và Phụ lục 4 quy định về Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh nhưng có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014, mặt hàng “pháo nổ” được xác định là mặt hàng cấm kinh doanh theo quy định.
Về việc đối với người có hành vi buôn bán pháo nổ, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ tùy vào tính chất, mức độ vi phạm của hành vi.
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán pháo nổ
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 10 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, các hành vi mua hoặc bán các chất, các loại vật liệu nổ hoặc có hành vi sản xuất, mua, bán hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép pháo hay thuốc pháo có thể sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, mức xử phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng trong trường hợp mà hàng cấm có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
Mức xử phạt cao nhất là phạt tiền 100.000.000 đồng trong trường hợp mà hàng cấm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên mà hành vi này không bị truy cứu về trách nhiệm hình sự.
Đối với người có hành vi vi phạm này thì còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật là hàng cấm (trong trường hợp mà bạn đặt câu hỏi thì là pháo nổ)…
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 như trên đã quy định, pháo nổ là một loại mặt hàng bị pháp luật cấm kinh doanh, vì thế hành vi buôn bán pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
Người nào có hành vi sản xuất hoặc buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgram đến dưới 40 kilôgram sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc có thể bị phạt tù có thời hạn từ 1 năm đến 5 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.
Hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 kilôgram đến dưới 120 ki lô gram có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc có thể bị phạt tù có thời hạn từ 5 năm đến 10 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
Hành vi sản xuất hoặc buôn bán pháo nổ từ 120 kilôgram trở lên có thể bị phạt tù có thời hạn từ 8 năm đến 15 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc có thể bị đình chỉ công tác trong thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 triệu đồng đến 50.000.000 đồng; bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 1 năm đến 5 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và cũng có thể bị cấm kinh doanh, cấm huy động vốn từ 1 cho đến 3 năm hoặc cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định.
Phương Thúy
Link nội dung: https://pld.net.vn/buon-ban-van-chuyen-phao-lau-bi-xu-ly-nhu-the-nao-a18560.html