Quy định pháp luật về việc góp vốn sau khi thành lập công ty cổ phần

Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.

Theo đó, những quy định này nhấn mạnh sự cần thiết để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và tránh xảy ra tình trạng lợi dụng quyền lực, tài sản nhà nước trong quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, chúng đặt ra những ràng buộc cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích chung và tính công bằng trong môi trường kinh doanh.

Cụ thể, theo các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, pháp luật cho phép công ty cổ phần quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác, tạo ra khả năng huy động vốn rất lớn, mang lại một ưu thế vượt trội so với các hình thức doanh nghiệp khác. Do đó, để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ, pháp luật quy định một thời hạn góp vốn cụ thể yêu cầu các cổ đông sáng lập phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty cổ phần. Điều này nhằm ràng buộc trách nhiệm của họ đối với hoạt động kinh doanh của công ty và đảm bảo quyền, lợi ích của các nhà đầu tư.

gop-von-vao-cong-ty-co-phan-trong-90-ngay-1828-1732767384.jpg
 

Như quy định tại Khoản 3, Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020, tổ chức và cá nhân đều được quyền tham gia quá trình góp vốn, mua cổ phần, hoặc mua phần vốn góp vào các loại hình doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, và công ty hợp danh theo những quy định cụ thể được Luật Doanh nghiệp 2020 quy định.

Tuy nhiên, có một số trường hợp cụ thể được nêu rõ là không được phép tham gia vào quá trình góp vốn. Đầu tiên, cơ quan nhà nước và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân không được sử dụng tài sản nhà nước để góp vốn vào doanh nghiệp với mục đích thu lợi riêng cho cơ quan hoặc đơn vị của mình. Thứ hai, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, những đối tượng được quy định trong các luật này cũng không được phép tham gia vào quá trình góp vốn vào doanh nghiệp.

Còn quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, vốn điều lệ được hiểu là tổng giá trị tài sản mà được cam kết góp bởi các thành viên khi thành lập công ty TNHH, công ty hợp danh và là tổng giá trị cổ phần được đăng ký hoặc đã bán khi thành lập công ty cổ phần. Bên cạnh đó, vốn điều lệ cũng được hình thành thông qua góp vốn, bao gồm việc góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ với công ty đã thành lập (khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Trong đó, tài sản quy định góp vốn điều lệ có thể là Việt Nam đồng, ngoại tệ tự do chuyển đổi, quyền sử dụng đất, hiện kim vàng, quyền sở hữu trí tuệ hoặc tài sản có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.

Để hoàn thành việc góp vốn, cổ đông phải hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty. Theo quy định Khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 ngoài góp vốn bằng tiền, cổ đông được quyền góp vốn bằng các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Để chuyển quyền sở hữu một số tài sản nhất định như quyền sử dụng đất thì cổ đông phải thực hiện các thủ tục hành chính. Do vậy, cổ đông sẽ mất thời gian để thực hiện thủ tục hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu cho công ty.

Trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần không quy định thời hạn góp vốn thì các cổ đông của công ty có nghĩa vụ góp vốn theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 113 của Luật Doanh nghiệp 2020. Nếu các cổ đông có thỏa thuận về thời hạn góp vốn nhưng thời hạn này vượt quá thời hạn luật định thì thỏa thuận này được coi là không phù hợp với quy định pháp luật và cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời hạn góp vốn được gia hạn bằng thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn từ quyền sở hữu của cổ đông sang công ty. Đây là quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2020 so với các Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Doanh nghiệp 2005.

Theo quy định trên, trường hợp các cổ đông có thỏa thuận về thời hạn góp vốn và ghi nhận nội dung này tại Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần và thời hạn đó ngắn hơn thời hạn Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thì các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn đã quy định tại Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp không hạn chế việc góp vốn bằng tài sản nhập khẩu. Trường hợp này, cổ đông sẽ mất thời gian để vận chuyển tài sản và thực hiện thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam. Vì các lý do trên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã cho phép không tính thời gian vận chuyển nhập khẩu, thời gian thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản vào thời hạn góp vốn theo quy định.

Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về việc cung cấp hồ sơ chứng minh thời gian vận chuyển nhập khẩu và thời gian thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn. Do đó, để bảo đảm việc góp vốn đúng hạn, cổ đông cần lưu giữ các hồ sơ, chứng từ hợp lệ chứng minh cho việc thực hiện các thủ tục trên.

Khi hết thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn nhưng doanh nghiệp không điều chỉnh vốn điều lệ sẽ bị phạt từ 30-50 triệu đồng và buộc phải điều chỉnh vốn quy định tại điểm a khoản 3, điểm b khoản 5 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 cũng đặt ra trường hợp không góp đủ vốn điều lệ theo thời hạn nêu trên thì phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

Nếu hết thời hạn nêu trên, công ty vẫn không thực hiện thay đổi vốn điều lệ thì sẽ bị xử phạt theo điểm a khoản 3, điểm b khoản 5 Điều 46 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP có mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là bị buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 46.

Ninh Gia

Link nội dung: https://pld.net.vn/quy-dinh-phap-luat-ve-viec-gop-von-sau-khi-thanh-lap-cong-ty-co-phan-a18567.html