Bài 2: Bức tranh tài chính của Vimedimex: Nợ phải trả liên tục tăng qua các năm

Được coi là doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực y dược, những năm qua Vimedimex (VMD) không ngừng mở rộng quy mô, phát triển đa lĩnh vực để tạo lên một đế chế hùng mạnh. Nhưng theo báo cáo tài chính (BCTC) của Tập đoàn này công bố, tài chính của công ty luôn rơi vào tình trạng nợ phải trả tăng “chóng mặt” qua các năm.

Vimedimex được giới đầu tư đánh giá là “đại gia” trong ngành dược, những năm qua đế chế này không ngừng lớn mạnh, doanh thu liên tục tăng qua các năm nhưng ở mức khá chậm.

Tính từ năm 2015 - 2020, VDM có bước tăng trưởng mạnh, doanh thu tăng hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm, cán mốc 18.142 tỷ đồng (năm 2020). Nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ tăng từ 40,7 tỷ đồng lên 50,5 tỷ đồng, tức trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 2 tỷ đồng con số này ở mức khá thấp.

Báo cáo tài chính năm hợp nhất 2020 của VDM cũng chỉ ra những con số cụ thể: doanh thu thuần 18.142 tỷ đồng, VMD có lãi gộp 1.504 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ riêng chi phí bán hàng đã lên tới 1.227 tỷ đồng còn chi phí tài chính là 188 tỷ đồng (chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá trong việc nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế). Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn hơn 41 tỷ đồng. Doanh nghiệp này phải nhờ tới lợi nhuận khác (9,7 tỷ đồng) mới có doanh thu nhỉnh hơn so với năm 2019.

BCTC Vimedimex 1
Nợ phải trả lớn hơn 23 lần vốn chủ sở hữu (BCTC của Vimedimex năm 2020))

Theo BCTC hợp nhất năm 2020, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp này đang ở mức 8.292 tỷ đồng - được hình thành từ 95,83% nợ phải trả (7.947 tỷ đồng) và hơn 343 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Phân tích chi tiết khoản nợ phải trả ngắn hạn của VMD cho thấy khoản tiền 7.371 tỷ đồng là phải trả cho người bán; 345 tỷ đồng là vay và nợ cho thuê tài chính ngắn hạn, điều đáng nói vốn chủ sở hữu chỉ có 154 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả lớn hơn 23 lần vốn chủ sở hữu. VMD có khoản nợ xấu của VMD lên đến 104 tỷ đồng.

Ngoài Vimedimex bà Nguyễn Thị Loan hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện pháp luật của nhiều công ty khác như: Công ty cổ phần Dược phẩm Vimedimex 2, Công ty Cổ phần Dược phẩm Y tế Vime Sait Paul, Thương hiệu bất động sản Vilafulland... những doanh nghiệp nằm trong đế chế của bà Nguyễn Thị Loan dù có vốn điều lệ rất lớn nhưng kết quả kinh doanh không mấy khởi sắc.

Tạp chí Kinh tế tập đoàn sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả ở bài tiếp theo: Bài 3: Đế chế của bà Nguyễn Thị Loan phát triển thế nào?

Bà Nguyễn Thị Loan sinh năm 1970, quê quán tại Đà Bắc, Hòa Bình. Bà Loan từng làm kế toán viên cho Công ty TNHH Thịnh Phát (1991-1992). Giai đoạn 1993-1994, bà Loan đảm nhận vai trò Kế toán trưởng của Công ty Thịnh Phát.

13 năm từ 1995 – 2007 bà làm việc tại Ngân hàng BIDV, từng giữ chức vụ Trưởng phòng rủi ro của ngân hàng này.

Năm 2008, bà Loan rời BIDV, thành lập lên Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.

VMD là doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa vào năm 2006, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại đây đã nhanh chóng “bốc hơi” trong giai đoạn 2008 - 2010 do bị pha loãng cổ phiếu sau nhiều lần phát hành tăng vốn. Trong đó, có lần phát hành chui. Hiện, nhóm của bà Nguyễn Thị Loan đang nắm giữ hơn 52% vốn của VMD. Từ tháng 4/2009 đến nay, bà Loan lần lượt giữ ghế Phó Chủ tịch HĐQT rồi Chủ tịch HĐQT VMD (2012). Sau khi lên điều hành VMD bà không ngừng phát triển doanh nghiệp này thành Tập đoàn đa lĩnh vực với quy mô hàng nghìn tỷ đồng và thành lập nhiều công ty mang thương hiệu Vimedimex.

Thu Trang

Link nội dung: https://pld.net.vn/bai-2-buc-tranh-tai-chinh-cua-vimedimex-no-phai-tra-lien-tuc-tang-qua-cac-nam-a1858.html